Để có những tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao

Không kể đến những hoạt động VHNT được tổ chức thường niên, trong 5 năm từ 2013 đến 2018, Hội VHNT Hà Nam đã xuất bản hàng trăm tác phẩm. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm nhiều, nhưng ít có tác phẩm công trình đỉnh cao. Nhiều mảng thiếu và mờ nhạt, như lý luận phê bình, quảng bá tuyên truyền các tác phẩm.

Đối với văn nghệ sỹ, có một tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) có giá trị là một ước mơ, dành sự phấn đấu và nỗ lực không ngừng. Đối với xã hội, luôn cần những tác phẩm VHNT có giá trị ý nghĩa sâu sắc, có sức truyền cảm, vừa lay động, bồi dưỡng tình cảm, lý tưởng, lẽ sống cao đẹp của con người; thể hiện sinh động những tư tưởng tiên tiến, những nguyện vọng lợi ích chính đáng của nhân dân, của dân tộc và những vấn đề liên quan đến vận mệnh của đất nước.

Một buổi tập huấn nghiệp vụ của Hội VHNT tỉnh.

Không kể đến những hoạt động VHNT được tổ chức thường niên, trong 5 năm từ 2013 đến 2018, Hội VHNT Hà Nam đã xuất bản hàng trăm tác phẩm, công trình, gồm tiểu thuyết, truyện ký, thơ, kịch bản chèo, kịch nói, truyện ngắn, tranh, ảnh, ca khúc… Trong đó có 9 giải thưởng của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, 57 giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến lần thứ VII. Hoạt động của các bộ môn VHNT không quá sôi động, nhưng cũng bảo đảm yêu cầu phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm nhiều, nhưng ít có tác phẩm công trình đỉnh cao. Nhiều mảng thiếu và mờ nhạt, như lý luận phê bình, quảng bá tuyên truyền các tác phẩm.

Lợi thế lớn nhất của các văn nghệ sỹ hiện nay là được sống và hòa mình trong công cuộc đổi mới mạnh mẽ của đất nước, địa phương. Không chỉ được tiếp cận với những thành tựu phát triển của khoa học kỹ thuật công nghệ, các văn nghệ sỹ còn có điều kiện để giao lưu, học hỏi và tiếp cận những nơi, những địa danh trước đây chưa bao giờ đặt chân đến. Cho dù, mặt trái của cơ chế thị trường đang đặt ra những thử thách lớn lao, các văn nghệ sỹ không chỉ phải đối mặt mà còn cần vượt qua nó như sự thay đổi thị hiếu thẩm mỹ, chuẩn mực thẩm mỹ, chuẩn mực các giá trị đạo đức. Sự đi xuống của phong trào sáng tác văn học, nhiếp ảnh, sân khấu, nghiên cứu sưu tầm, âm nhạc đã cho thấy một thực tế khó khăn cho văn nghệ Hà Nam hiện đại. Nhiều nghệ sỹ đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân, đó là do cơ chế tác động sáng tạo, cơ chế phát huy tài năng, cơ chế đào tạo nhân lực, cơ chế thẩm định, đánh giá tác phẩm... Và, quan trọng nhất còn là sự nhận thức về vai trò VHNT trong đời sống xã hội và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Nhà thơ Phạm Lê (Hội VHNT Hà Nam) chia sẻ: Nói đến văn hóa là nói đến con người, nếu không quan tâm đến sự phát triển con người, anh đừng mong những thứ khác phát triển bền vững!”.

Tác phẩm VHNT muốn tồn tại, muốn sống trong đời sống, phải có chất lượng, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, tác động tích cực tới cảm quan con người, nhận thức con người, thẩm mỹ con người. Phải có tài năng, phải có đội ngũ và lực lượng sáng tác mạnh mẽ, mang tính kế thừa liên tục. Lực lượng này phải được coi như vườn cây được thường xuyên vun xới, chăm chút, tạo điều kiện đón nắng, đón gió, được tưới tắm và bồi dưỡng, che chở. Cái nọ sẽ tác động đến cái kia, có đội ngũ, có nhà quản lý giỏi đương nhiên sẽ có cơ chế hay, cơ chế thích hợp với sự phát triển và yêu cầu đổi mới. 

Theo nhà văn Chu Lai, với những ngành nghề khác, bối cảnh xã hội tác động rất rõ vào sự phát triển hay tụt hậu của nó, nhưng ở lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật thì ngược lại. Càng phức tạp, càng ngổn ngang, càng nhiều gam màu, lại càng nhiều chất liệu. Nghệ sỹ cần thiết phải hiểu điều đó, vượt qua áp lực cơm áo gạo tiền của đời sống, tự mình bồi dưỡng trình độ, năng lực bản thân. Không ngừng trau dồi phẩm chất, tình yêu nghề nghiệp, hướng lòng tới Tổ quốc và nhân dân. 

Nhà thơ Đoàn Văn Thanh (Hội VHNT Hà Nam) có lần có chia sẻ: “Vì sao tôi lớn tuổi thế này mà vẫn muốn sáng tác, đó là do mong muốn của bản thân, tình yêu trong lòng đối với văn chương không có gì khuất lấp được. Các nghệ sỹ ai cũng có khát vọng sáng tạo, coi khát vọng ấy là mục đích cao đẹp của người cầm bút. Để có tác phẩm tốt, giá trị cao, nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ nói chung phải bồi đắp thêm niềm tin vào cuộc sống, con người; phải tạo nên những rung động thực sự trước mỗi vấn đề của đời sống. Đương nhiên, anh phải bám sát thực tiễn, hòa mình vào đời sống, học tập sử dụng công nghệ thành thạo…”.

Đối với VHNT Hà Nam muốn có những tác phẩm hay, xứng tầm, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn xã hội cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đãi ngộ tài năng, xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các loại hình nghệ thuật. 

Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) chỉ rõ: “Tài năng văn học nghệ thuật là vốn quý của xã hội. Chăm sóc để tài năng phát triển là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và các tổ chức trong hệ thống chính trị”. 

Theo ông Lê Minh Sơn, Chủ tịch Hội VHNT Hà Nam, VHNT tỉnh nhà cần đẩy mạnh hoạt động lý luận phê bình. Thời gian qua, hoạt động này gần như bất động, không mảng miếng, không nhân lực, không cả tác phẩm. Không có lý luận phê bình thì không thúc đẩy sự phát triển của VHNT được. 

Hội VHNT Hà Nam cũng cần có sự đổi mới, coi trọng việc đánh giá, thẩm định tác phẩm, công trình nghệ thuật, góp phần định hướng và thúc đẩy sáng tạo văn học nghệ thuật phát triển.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy