Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm
Bà mẹ đón tôi trong gió đêm:
-Nhà mẹ hẹp nhưng còn mê chỗ ngủ
Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ
Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm
Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm
Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng
Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm
Của những cọng rơm xơ xác gầy gò
Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no
Riêng cái ấm nồng nàn như lửa
Cái mộc mạc lên hương của lúa
Đâu dễ chia cho tất cả mọi người
Bình lục - một đêm lỡ đường
Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm
Bà mẹ đón tôi trong gió đêm:
-Nhà mẹ hẹp nhưng còn mê chỗ ngủ
Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ
Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm
Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm
Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng
Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm
Của những cọng rơm xơ xác gầy gò
Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no
Riêng cái ấm nồng nàn như lửa
Cái mộc mạc lên hương của lúa
Đâu dễ chia cho tất cả mọi người
Bình lục - một đêm lỡ đường
Dù đã đọc nhiều lần, nhưng lần nào đọc lại bài thơ “Hơi ấm ổ rơm” của nhà thơ Nguyễn Duy trong tôi cũng trào dâng niềm xúc động và cảm phục sâu sắc. Bài thơ thể hiện được tấm lòng nhân hậu, tràn đầy tình yêu thương và sẻ chia của người mẹ vùng đồng chiêm dành cho một người khách lỡ đường. Theo như nhà thơ ghi chú cuối bài, vùng đồng chiêm đó chính là huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Trong đêm đông buốt giá lỡ đường ấy, người khách đã được người mẹ nghèo đón tiếp với tình cảm ấm áp, chân thành, chứa chan tình thương yêu.
“Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm/ Bà mẹ đón tôi trong gió đêm:/ -Nhà mẹ hẹp nhưng còn mê chỗ ngủ/ Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ/ Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm” - Với cách diễn đạt dung dị, gần gũi, khổ thơ đầu như lời kể nhẹ nhàng về cuộc gặp gỡ bất ngờ nhưng thân tình, đầy sẻ chia của người mẹ đồng chiêm và người khách lỡ đường giữa đêm khuya giá rét. Nhà tranh đơn sơ, khách bất ngờ gõ cửa, “chiếu chăn chả đủ”, mẹ lặng lẽ ôm rơm “lót ổ” làm nệm ấm dành cho khách nằm. Ở vùng đồng chiêm xưa, các bà, các mẹ thường trải ổ rơm cho con cháu ngủ trong những đêm đông giá rét. Nhà nghèo nên mọi người thường phải lấy rơm khô làm ổ thay chăn đệm để chống đỡ cái lạnh buốt giá của mùa đông. Không xa lạ mà rất tự nhiên, gần gũi, khi mở cửa thấy khách lỡ đường, mẹ thân tình đón khách, trải ổ rơm ấm áp cho khách như đón người thân, trải ổ rơm cho người thân của mình nằm. Ở khổ thơ đầu nhà thơ Nguyễn Duy đã thể hiện được rõ nét tấm lòng nhân hậu, cởi mở của người mẹ đồng chiêm - dù trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, mẹ vẫn dành và sẵn sàng san sẻ những gì tốt nhất cho người khách lỡ đường khi bất chợt ghé qua.
“Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm/ Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng/ Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm/ Của những cọng rơm xơ xác gầy gò” – Đón nhận sự chăm sóc chu đáo, cẩn thận của người mẹ đồng chiêm, nằm trong ổ rơm người khách cảm thấy ấm áp, bình yên và an toàn như những chú tằm nằm trong những chiếc kén. Trong hơi ấm từ những sợi rơm vàng, người lính cảm nhận được hương thơm ngọt ngào kết tinh của đồng ruộng, cảm nhận được nỗi vất vả, cực nhọc, khó khăn của những người mẹ đồng chiêm tảo tần, chịu thương, chịu khó nhưng giầu tình yêu thương và sẻ chia với tất cả mọi người.
“Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no/ Riêng cái ấm nồng nàn như lửa/ Cái mộc mạc lên hương của lúa/ Đâu dễ chia cho tất cả mọi người” – Khổ thơ cuối thể hiện tình cảm trân trọng và biết ơn sâu sắc của người khách lỡ đường dành cho người mẹ vùng đồng chiêm. Mẹ nghèo nhưng tấm lòng nhân hậu, thơm thảo, sẵn sàng cho đi không một chút so đo tính toán. Nhà mẹ nghèo nhưng tấm lòng mẹ rộng mở. Mẹ nghèo của cải, vật chất nhưng lại giầu tình thương yêu, sự thấu hiểu và sẻ chia.
Bài thơ “Hơi ấm ổ rơm” giống như câu chuyện kể về một cuộc gặp gỡ bất ngờ của người khách lỡ đường và người mẹ đồng chiêm trong đêm đông giá rét. Hai người hoàn toàn xa lạ, không quen biết nhưng xuyên suốt bài thơ là sự thấu hiểu, gắn kết, sẻ chia bình dị mà cao quý, rất đáng trân trọng. Đọc bài thơ, đọng mãi trong lòng độc giả là hình ảnh mái tranh nghèo ven đồng chiêm – nơi ấy có một trái tim, một tấm lòng, một tâm hồn người mẹ luôn rộng mở, sẵn sàng sẻ chia, lặng thầm trao đi biết bao yêu thương nồng ấm... Đây chính là những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ đồng chiêm nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung. Phẩm chất quý báu đó đã và đang được các thế hệ phụ nữ tiếp nối kế thừa và phát huy trong thời kỳ xây dựng và đổi mới quê hương, đất nước.
Vĩnh Linh