Quần thể danh thắng Tam Chúc - Nơi lưu giữ nhiều hiện vật lịch sử, văn hóa

Trên mảnh đất Hà Nam, một miền đất cổ nằm ở cửa ngõ phía Nam Kinh đô Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội, nơi hội tụ và giao thoa kinh tế, văn hóa giữa các vùng miền, tiền nhân đã để lại một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ cả về lĩnh vực vật thể và phi vật thể. Nhận thức sâu sắc về giá trị các di tích khảo cổ, những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã chú trọng việc nghiên cứu khảo cổ học, trong đó đặc biệt là các dấu tích, hiện vật được phát hiện tại Quần thể danh thắng Tam Chúc.

Từ năm 2021 - 2023, Sở VH,TT&DL đã phối hợp với Viện Khảo cổ học điều tra, điền dã tại vùng núi Kim Bảng, trọng tâm hệ thống núi đá vôi thuộc vùng lõi Tam Chúc. Đối tượng khảo sát ở đây chủ yếu là các loại hình hang động, mái đá và những điểm ngoài trời có tiềm năng. Kết quả khảo sát đã phát hiện 11 hang động, mái đá có giá trị về khảo cổ thuộc nền văn hóa Hòa Bình; Cồn Hến 1, Cồn Hến 2 thuộc văn hóa Đông Sơn và các hang động, mái đá, giếng Cacxto rất có giá trị về cảnh quan thiên nhiên, liên quan đến sự hình thành kiến tạo địa chất cách đây hàng triệu năm.

Theo đó, sở đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức điều tra, điền dã khảo cổ học đợt 2 tại khu vực vùng lõi danh thắng Tam Chúc, gồm các địa điểm: Khu vực hang Bến Mánh đã phát hiện khoảng trên 20 hiện vật gốm, sành có niên đại khoảng thế kỷ 17-18 thời Lê Trung Hưng; tại Thung Na, thuộc tổ 8, thị trấn Ba Sao, trong số 03 địa điểm được khảo sát bao gồm 01 hang động và 02 mái đá phát hiện các di vật và di cốt người của cư dân giai đoạn tiền, sơ sử. Hiện vật trên bề mặt có nhiều mảnh gốm hoa văn vặn thừng, màu nâu đỏ có niên đại văn hóa Đông Sơn; khu vực núi Lò Vôi, thuộc vùng lõi danh thắng Tam Chúc, kết quả điều tra trên đỉnh núi đã phát hiện nhiều vỏ nhuyễn thể biển cùng với ốc suối. Tại đỉnh núi với diện tích rộng khoảng 60m2 đã phát hiện các mảnh miệng và mảnh thân của đồ gốm nằm cùng với nhuyễn thể biển và nước ngọt. Những kết quả trên cho thấy, Kim Bảng trong quá khứ là một địa vực khá thuận lợi và được cư dân cổ sử dụng và cư trú qua nhiều thời kỳ.

Trong cuộc khai quật tại hang Đội 4, thuộc vùng lõi danh thắng Tam Chúc đã phát hiện 03 mộ táng của trẻ em và người trưởng thành, là dạng mộ cải táng và song táng được chôn theo tư thế nằm co bó gối. Đây là lần đầu tiên phát hiện di cốt người có lịch sử cách ngày nay khoảng một vạn năm. Qua các lớp đào còn phát hiện di tích động vật, bao gồm vỏ nhuyễn thể cùng với xương, răng của các loài thú nhỏ. Chúng là nguồn thức ăn quan trọng của cư dân cổ trong quá khứ. Đặc biệt, lần đầu tiên trong di tích khảo cổ học tiền sử đã phát hiện xương của loài Chuột cộc. Ngoài ra, loại hình công cụ đá tại hố khai quật mặc dù số lượng không nhiều nhưng các đặc điểm về loại hình và kỹ thuật cho thấy chúng tiêu biểu và thuộc văn hóa Hòa Bình.

Quần thể danh thắng Tam Chúc  Nơi lưu giữ nhiều hiện vật lịch sử văn hóa
Không gian khai quật khảo cổ học tại hang Đội 4.
Ảnh: Viện Khảo cổ học

Tại hang Đội 8, qua khai quật, đoàn khảo cổ đã sưu tầm trên 60 hiện vật; trong đó có 50 hiện vật đá, số còn lại là hiện vật các mảnh thân của đồ sành không trang trí hoa văn, niên đại khoảng thế kỷ 17-18. Đồ đá bao gồm nhóm mảnh tước đầu tiên, mảnh tước thứ, bàn mài, công cụ ghè đẽo ba rìa lưỡi, đốc rìu, công cụ rìa ngang, công cụ không định hình và các mảnh cuội nguyên liệu. Đây là những hiện vật đã được chế tác hoàn toàn từ cuội sông và suối. Kỹ thuật chế tác có sự tồn tại đồng thời của kỹ thuật ghè một mặt và hai mặt. Việc phát hiện đồng thời các công cụ hạch cuội và mảnh tước, bàn mài và đốc rìu mài cho thấy quá trình gia công và chế tác các công cụ đã được thực hiện tại chỗ.

Trong khu vực danh lam thắng cảnh Tam Chúc còn phát hiện Hang Cổ sinh Lôgi. Về cấu trúc và hiện trạng, hang hoàn toàn khác biệt với các di tích đã được phát hiện chứa vết tích của cư dân tiền sử. Hang có cấu tạo bốn tầng được thông với nhau bằng các khe hoặc ngách nhỏ liên thông. Kết quả khảo sát cho thấy, xương răng động vật hóa thạch tập trung ở tầng thứ hai. Tầng thứ nhất có mặt của vỏ nhuyễn thể biển. Di cốt động vật tích tụ trên trần hang nhưng mật độ tích tụ không cao. Tuy nhiên, đây là một di tích hang cổ sinh độc đáo và duy nhất phát hiện trong đợt khảo sát cuối năm 2021 đầu năm 2022 tại đây. Có thể nói, các di tích hang động cổ sinh ở Hà Nam nói riêng và miền Bắc Việt Nam nói chung là rất hiếm gặp. Niên đại dự đoán của di tích này có thể trên 40.000 năm cách ngày nay.

Trong các cuộc điều tra, điền dã khảo cổ học tiếp xúc với nhân dân địa phương, Đoàn khảo sát còn được biết, cách đây khoảng 10 năm, một số người dân Khả Phong và Ba Sao trong quá trình mò cua, đánh bắt cá ven lòng hồ Tam Chúc đã tìm thấy một số rìu đá, rìu đồng, thạp đồng, qua mô tả hình dáng, hoa văn, họa tiết thì hiện vật này thuộc văn hóa Đông Sơn. Tiến hành khảo sát, điều tra lòng hồ Tam Chúc, được người dân cung cấp thông tin, Đoàn khảo sát đã phát hiện ra Cồn Hến (Cồn Sò Điệp) có diện tích rất lớn ở giữa lòng hồ Tam Chúc. Qua đào thăm dò đã phát hiện ra nhiều mảnh gốm, sứ của các thời kỳ từ văn hoá Đông Sơn, Đông Hán, Tuỳ - Đường, Lý - Trần… Bên cạnh đó, trong quá trình canh tác, đánh bắt thủy sản, lấy đất tôn nền nhà, nhiều người dân ở đây còn phát hiện trong tầng sò điệp có một số đồ dùng sinh hoạt như: bình gốm, mũ đồng, các công cụ lao động sản xuất người xưa. Mở rộng khảo sát các khu vực quanh lòng hồ, nhất là những khu vườn nhà dân ở, phát lộ nhiều vỏ sò, ốc, hến kết thành mảng đã phong hóa. Chủng loại ốc phát hiện ở đây khá đa dạng vừa có ốc biển, ốc núi, chứng tỏ thời kỳ này biển đã áp sát khu vực này, sau đó biển lùi tạo nên đầm lầy, ô trũng. Qua khảo sát, nghiên cứu, chuyên gia Viện Khảo cổ học nhận định khả năng đây là một loại hình di chỉ cồn sò điệp rất có giá trị khảo cổ học.

Quần thể danh thắng Tam Chúc  Nơi lưu giữ nhiều hiện vật lịch sử văn hóa
Giám sát công tác khai quật tại hang Đội 4.
Ảnh:  Viện Khảocổ học

Ở lòng hồ Tam Chúc hiện tại không chỉ có di tích Cồn Hến mà đã phát lộ một vài vị trí mộ thuyền với các di vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn, bao gồm nhóm hiện vật đồ đá và đồ gốm. Dựa trên đặc trưng chất liệu, hoa văn và phong cách trang trí bước đầu có thể nhận định rằng đồ gốm thuộc giai đoạn muộn của văn hóa Đông Sơn. Bên cạnh đó, quá trình phân loại nghiên cứu cho thấy một mảnh đồ gốm với cấu trúc xương và chất liệu hoàn toàn khác biệt được phát hiện cũng có thể thuộc về văn hóa Đa Bút. Nhóm hiện vật đá phát hiện ở đây bao gồm chày nghiền, đốc rìu mài tứ giác, bàn mài, mảnh tước và cuội nguyên liệu. Những hiện vật này phần lớn sử dụng cuội basalt được vận chuyển từ các sông, suối, đồi gò về di tích để chế tác. Nhóm bàn mài là chất liệu đá cát kết có cấu trúc hạt thô hoặc hạt mịn. Nhóm hạt thô chủ yếu sẽ dùng để mài đá và mài tạo hình các công cụ. Đây là một di tích khảo cổ học rất có giá trị để tìm hiểu tiến trình lịch sử văn hóa trên mảnh đất này. Đặc biệt hơn, nếu đây là các di vật sớm ở di tích cồn sò thuộc văn hóa Đông Sơn thì đây sẽ là một loại hình di tích mới của nền văn hóa này ở Việt Nam.

Trước đó, năm 2007, tại khu vực đình Tam Chúc trong quá trình nạo vét lòng hồ, đã phát hiện nhiều di vật có giá trị. Trước cửa đình Tam Chúc hiện nay đang trưng bày một số hiện vật khảo cổ được trục vớt lên trong quá trình nạo vét lòng hồ như: Những cột gỗ cỡ lớn có dấu tích được đẽo tròn thân có hình dáng bên ngoài rất giống với những cây gỗ làm cung điện thời nhà Đinh hiện đang được trưng bày trong Bảo tàng Ninh Bình; một xà nhà làm bằng đá, có kích thước dài hơn 5m, đường kính 30cm; cấu kiện xà ngang, xà dọc của cầu đá; một khối đá hình gần tròn có chất liệu tương tự như loại đá được sử dụng để chế tác đàn đá, khi gõ phát ra tiếng kêu rất thanh; những bệ đỡ trụ cột bằng đá có họa tiết cánh sen tương đồng với họa tiết thời Đinh - Tiền Lê.

Những kết quả khảo cổ trên sẽ từng bước giúp cho công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học giải mã những bí ẩn về lịch sử, văn hóa vùng đất Tam Chúc, Kim Bảng nói riêng và tỉnh Hà Nam nói chung trong diễn trình lịch sử dân tộc.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy