Trong số 33 hiện vật, nhóm hiện vật vừa được Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định công nhận bảo vật quốc gia đợt 13 năm 2024, Hà Nam có thêm 3 bảo vật.
Đó là, Trống đồng Vũ Bản, niên đại: Văn hóa Đông Sơn, thế kỷ III - II TCN, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam; 6 pho tượng Kim Cương chùa Đọi Sơn, niên đại thời Lý (1118 - 1121), hiện được lưu giữ tại chùa Đọi Sơn, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên; Khánh đá chùa Điều, niên hiệu Chính Hòa thứ 13 (đời vua Lê Hy Tông, 1692), hiện lưu giữ tại chùa Điều, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục.
Theo Bảo tàng Hà Nam, Bộ tượng 6 pho Kim Cương chùa Đọi Sơn hiện còn trong tình trạng hư hại do tác động bởi chiến tranh và thiên tai khốc liệt nhưng về cơ bản hiện trạng còn đủ cơ sở cho phép nghiên cứu phục dựng. Các pho tượng được chạm khắc theo phong cách tượng - phù điêu bằng loại đá sa thạch nguyên khối, là những pho tượng còn lại trong bộ tượng Kim Cương gồm 8 vị, có hình dáng và kích thước tương tự nhau: đầu đội mũ trụ, mình mặc kim giáp, chân đi hia cao cổ, hai tay chống kiếm, tư thế đứng oai nghiêm, hộ trì Phật pháp; là hiện vật gốc, độc bản, là một tác phẩm điêu khắc Phật giáo cổ, quý hiếm, tiêu biểu nhất, đặc sắc, độc đáo nhất và hoàn chỉnh nhất trong số các tượng Kim Cương còn lại trong ngôi chùa thời Lý ở nước ta hiện nay. Bộ tượng cung cấp nhiều giá trị tư liệu để nghiên cứu về lịch sử, mỹ thuật, tôn giáo, trang phục cổ, sự giao thoa, ảnh hưởng văn hoá giữa quốc gia Đại Việt thời Lý với các nền văn hoá lớn của khu vực trong lịch sử… góp phần vào việc khẳng định sự phát triển của xã hội đương thời.
Khánh đá chùa Điều có chiều cao nhất 0,93 m; chiều rộng nhất 1,77 m; dày 0,127 m, nặng khoảng 533kg, được tạo tác vừa có chức năng là pháp nhạc của Phật (nhạc khí) vừa mang chức năng của bia đá, được chạm khắc trên 2 mặt. Khánh được khởi tạo gắn chặt với lịch sử ngôi chùa, tại vùng đất cổ có bề dày lịch sử văn hóa, Thái ấp Quắc Hương của Trần Thủ Độ. Khánh được trang trí chạm khắc nổi hoa văn, họa tiết và bài minh văn không trùng với bất kỳ chiếc khánh đá nào cùng thời.
Trống đồng Vũ Bản, được ông Nguyễn Văn Hưng và ông Trần Đình Đô phát hiện. Trống được phát hiện trong quá trình cải tạo ruộng thành ao thả cá ngày 16 tháng 6 năm 2015. Trống có đường kính mặt 80,5 cm, tang trống cao 24cm, toàn thân còn lại cao 33 cm, nặng 42kg. Trống Vũ Bản là tư liệu vật chất minh chứng cho sự phát triển đến đỉnh cao của kỹ thuật luyện kim thời Đông Sơn; khẳng định quá trình khai thác và chiếm lĩnh khu vực đồng bằng thấp, ven biển ở châu thổ Bắc Bộ của cư dân Đông Sơn trong giai đoạn Holocene muộn.
Kể từ đợt 1 đến nay, Hà Nam đã có 7 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia.
Giang Nam