Phòng bệnh giao mùa không cần kháng sinh

Việc dùng kháng sinh một cách bừa bãi không đúng chỉ định, không đúng liều lượng, không đúng thời gian dùng chính là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ kháng kháng sinh ngày càng cao.

Thời tiết giao mùa, đặc biệt từ mùa thu sang mùa đông là cơ hội thuận lợi để virus gây bệnh đường hô hấp phát triển mạnh. Với, viêm họng cấp, ngoài do vi khuẩn, virus cúm, sởi hay các yếu tố khác như môi trường ô nhiễm, khói bụi, thuốc lá, thì thời tiết biến đổi thất thường... cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Phòng bệnh giao mùa không cần kháng sinh
Viêm họng cấp giao mùa. Ảnh minh họa

Theo PGS.TS Cao Minh Thành, Trưởng khoa Tai mũi họng, BV Đại học Y Hà Nội, viêm họng do vi khuẩn xảy ra quanh năm. Nhưng viêm họng do virus thì thường diễn ra vào thời điểm giao mùa, đặc biệt từ mùa thu sang mùa đông và từ mùa đông sang mùa xuân. Bệnh thường khởi phát một cách đột ngột, với triệu chứng rầm rộ như vừa sốt cao, vừa đau rát họng, đau tăng lên khi nuốt khi ho và nói, có khi còn kèm chảy nước mắt nước mũi. Viêm họng cấp do virus thường diễn biến từ 3-5 ngày, nếu sức đề kháng khỏe mạnh thì các triệu chứng sẽ tự giảm rồi mất đi nhanh. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân sức đề kháng yếu thì bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn, có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường.

Còn viêm họng do vi khuẩn lại diễn biến một cách từ từ. Triệu chứng viêm họng do vi khuẩn thường khu trú, không lan tỏa như viêm họng do virus. Có khi chỉ đau một điểm, viêm amidan, hay một bên amidan hay viêm phế quản…

“Viêm họng cấp do vi khuẩn thì phải dùng thuốc kháng sinh còn viêm họng cấp do virus thì chỉ điều trị triệu chứng như dùng thuốc hạ sốt, uống nhiều nước, súc miệng bằng nước sát khuẩn hoặc ngậm nước súc họng bằng nước sát trùng nhẹ có tính PH và kiềm. Với trẻ nhỏ khi sốt cao cơ thể thường mất nước do ra nhiều mồ hôi, cha mẹ chú ý pha thêm oresol và nước hoa quả để bù nước điện giải cho con. Nếu trẻ chảy mũi, hắt hơi thì rửa mũi bằng nước muối sinh lý”, PGS.TS Minh Thành khuyến cáo.

PGS.TS Cao Minh Thành cũng lưu ý, hiện nay, một số người bệnh vẫn mắc sai lầm cứ thấy sốt là dùng ngay thuốc kháng kinh. Tuy nhiên, việc dùng kháng sinh một cách bừa bãi không đúng chỉ định, không đúng liều lượng, không đúng thời gian dùng chính là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ kháng kháng sinh ngày càng cao.

“Có trường hợp bác sĩ kê đơn thuốc uống 7 ngày, khi bệnh nhân uống được 3-4 ngày thấy đỡ, cứ nghĩ đã khỏi và không uống nữa mà không hề biết rằng khi ấy vi khuẩn mới bị diệt 1 phần và yếu thôi chứ chưa đủ thời gian và liều lượng để làm sạch khuẩn. Sau đấy độc lực của chúng sẽ tăng lên dần và đề kháng với chính kháng sinh ấy. Lần sau bệnh nhân sử dụng kháng sinh ấy điều trị sẽ không còn hiệu quả”, PGS.TS Cao Minh Thành nói.

Phòng bệnh giao mùa không cần kháng sinh
PGS.TS Cao Minh Thành, Trưởng khoa Tai mũi họng, BV Đại học Y Hà Nội thăm khám, tư vấn cho người bệnh.

Trưởng khoa Tai mũi họng, BV Đại học Y Hà Nội khuyến cáo thêm, khi bị viêm họng cấp, người bệnh chú ý ăn uống bình thường giúp bồi bổ cơ thể, không phải kiêng nước cam, sữa hay thức uống có tính axit. Bởi những chất chua sẽ làm môi trường PH trong miệng nghiêng về axit chỉ trong một thời điểm nhất định. Do vậy, người bệnh phải dùng nước súc miệng có tính chất sát khuẩn và giảm viêm nhẹ và là dung dịch nghiêng về dung môi kiềm, PH.

Với những trẻ khi sốt nhẹ nếu uống hạ sốt tại nhà 1-2 ngày không giảm thì nên cho con đến cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng để khám. Tại đây, bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp điều trị và tư vấn chăm sóc ở nhà tốt nhất cho trẻ.

Theo vov.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy