kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Độc đáo lễ vật dâng Thánh trong ngày hội đình Cống

Độc đáo lễ vật dâng Thánh trong ngày hội đình Cống

Đình Cống, tổ dân phố Bình Nam, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục (trước kia là làng Thượng Thọ, xã Mỹ Thọ, Tổng Bồ Xá, huyện Bình Lục) được xây dựng từ thế kỷ 17, thờ Thạch Sùng Hiển Quốc Đại Vương (tức Thạch Sùng Đại Vương) và Quý Minh Công Chúa (còn gọi là Linh Tế Quý Minh). Đây là những vị thần có công với dân với nước được nhân dân biết ơn, kính trọng và thờ phụng.

Tuy nhiên, hội làng đình Cống lại gắn với một nhân vật lịch sử nổi tiếng có công đánh thắng giặc Thanh đó là Quận Công Đô Đốc Bảo. Theo sử sách ghi lại, mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789 Quận Công Đô Đốc Bảo cùng quân sỹ được triều đình Vua Quang Trung điều từ Bình Định ra Thăng Long. Trên đường tiến về Thăng Long đoàn quân của Đô Đốc Bảo có dừng chân ở làng Thượng Thọ để nghỉ ngơi, đồng thời tuyển thêm quân sỹ. Trước khi lên đường Đô Đốc Bảo đã trồng một cành sanh tại nơi quân sỹ dừng nghỉ chân rồi khẳng khái tuyên bố trước ba quân: Cành sanh này sẽ sống và chào đón đoàn quân chiến thắng trở về. Ngày mùng 8 tháng giêng tại đây ta sẽ mở tiệc khao quân ăn Tết lại.

Tiếp đó Đô Đốc Bảo cùng quân sỹ đem hương hoa lên Đình Cống dâng lễ cầu xin Thạch Sùng Đại Vương và Quý Minh Công Chúa che chở, phù hộ cho nghĩa quân tham gia đánh thắng 20 vạn quân Thanh. Thực hiện lời hứa trước ba quân, ngày mùng 8 tháng Giêng, sau khi thắng trận trở về Đô Đốc Bảo đã mở tiệc khao quân trọng thể, linh đình. Từ đó đến nay người dân làng Thượng Thọ xưa, tổ dân phố Bình Nam nay vẫn duy trì tục ăn Tết lại.

Đình Cống, nơi diễn ra hội làng hằng năm.

Bà Nguyễn Thị Tính, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ dân phố Bình Nam cười cho biết: Xưa kia làng Thượng Thọ có tục, trong ngày ăn Tết lại, con rể của làng phải mang biếu nhà vợ một con cá quả to để nấu ám. Ngày mùng 8 tháng Giêng, có nhà còn gói bánh chưng để ăn Tết lại. Giữ tục xưa, vào ngày mùng 8 tháng Giêng người dân trong làng giờ vẫn thường làm mâm cỗ để cúng gia tiên, con cháu ở xa hoặc bận việc không về đoàn tụ được trong dịp Tết Nguyên đán thì về “ăn Tết lại” cùng gia đình.

Sau khi đại thắng quân Thanh, đầu xuân năm 1790, Quận Công Đô Đốc Bảo có dịp ghé thăm Liễu Đôi, Thanh Liêm là quê nội của Đô Đốc. Trong dịp này Quận Công Đô Đốc Bảo có trở lại làng Thượng Thọ thăm lại nơi tập kết quân, tới thăm hỏi người dân bản xứ. Thời gian ấy người dân làng Thượng Thọ còn nghèo, không có của ngon, vật lạ, không có lễ vật thịnh soạn, mọi người cùng nhau làm xôi khoai, bánh khúc (những món ăn bình dị của dân) để Đô Đốc Bảo dâng lên tế Thánh (vào ngày mùng 9 tháng 2, âm lịch).

Từ đó, người dân làng Thượng Thọ lấy ngày mùng 9/2 là ngày làng mở hội. Trong lễ hội, hai món xôi khoai và bánh khúc là lễ vật không thể thiếu để dâng lên tế Thánh. Bà  Tính cho biết thêm: Làng quê giờ đã đổi thay nhiều, không còn cảnh đói nghèo như xưa. Trong ngày hội làng, giờ dân làng chuẩn bị nhiều lễ vật như: Xôi, gà, thịt, rượu, bánh kẹo, hoa quả … Đặc biệt, hai món dân dã, bình dị là xôi khoai và bánh khúc vẫn là hai món chính, không thể thiếu trong mâm lễ dâng lên tế Thánh. Đây là hai món nhắc mọi người nhớ về thời kỳ dân làng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; nhắc mọi người ghi nhớ công đức của các vị thánh thần, công thần có công giúp dân, giúp nước. Cách làm hai món này cũng rất đơn giản. Khoai lang cạo sạch vỏ, cắt thành từng miếng rồi mang đồ với gạo nếp đã ngâm. Khi chín, dỡ khoai và gạo nếp ra đánh đều với nhau, sau đó đơm thành từng đĩa.

Lễ hội đình Cống mở vào tháng 2 âm lịch, đúng tiết mưa xuân nên cây rau khúc mọc xanh non nơi đồng bãi. Người dân đi hái về rửa sạch dùng để làm bánh. Trước kia, mọi người thường cho rau khúc vào nồi luộc. Nước luộc trộn cùng bột nếp xay, rau chín cho vào cối giã nhuyễn sau đó nhào cùng bột rồi nặn thành những chiếc bánh. Giờ, mọi người cho rau khúc vào máy xay xay nhuyễn rồi nhào cùng bột. Bánh khúc đồ cùng gạo nếp xanh, dẻo, quyện hương thơm ngọt ngào của gạo nếp, rau khúc, lẫn vị béo ngậy của nhân thịt, đỗ... Hai món ăn tuy bình dị, dân dã nhưng thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn của người dân dâng lên các vị thánh thần.  

Do chiến tranh loạn lạc, sau lễ hội năm 1942 lễ hội đình Cống bị gián đoạn. Đến năm 2023, thể theo nguyện vọng của nhân dân hội làng được khôi phục lại. Trong ngày hội làng, giữ tục xưa người dân giờ vẫn làm xôi khoai, bánh khúc để dâng tế Thánh.

Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, của thời gian, có sự thành tâm công đức của người dân trong làng và bà con làm ăn xa quê, đình Cống nhiều lần được trùng tu, sửa chữa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử của cha ông để lại. Không chỉ đình làng, mà những tập tục đẹp, độc đáo gắn với đình làng, gắn với nhân vật lịch sử, gắn với đời sống của người dân, đó là tục ăn Tết lại, tục dâng tế Thánh xôi khoai và bánh khúc cũng được người dân gìn giữ, duy trì và phát huy, truyền lại cho các thế hệ tiếp nối.

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy