Mùa xuân thời tiết nồm ẩm, diễn biến bất thường nên một số bệnh tật dễ phát sinh, đặc biệt là các dịch bệnh truyền nhiễm dễ xuất hiện, lây lan nhanh, như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ…
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về tiếp tục chủ động kiểm soát hiệu quả dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa đông xuân, Hội Đông y tỉnh đã xây dựng nội dung hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh đến cán bộ, hội viên, lương y trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, căn cứ diễn biến thời tiết và khả năng phát sinh dịch bệnh, các cán bộ, hội viên, lương y chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nói chung, người bệnh nói riêng nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt chú ý các dịch bệnh dễ phát sinh, lây lan trong mùa nồm ẩm, như: Xích nhãn hay hỏa nhãn (đau mắt đỏ), chân tay miệng, sốt xuất huyết… Đồng thời, Hội Đông y tỉnh chỉ đạo cán bộ, hội viên vận dụng phác đồ điều trị của Bộ Y tế để điều trị theo từng thể bệnh, trong đó chú ý hướng dẫn nhân dân triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, như: Thường xuyên tổ chức diệt bọ gậy, lăng quăng; tuyên truyền vận động người dân giảm dụng cụ chứa nước không cần thiết; lật úp, thu gom loại bỏ dụng cụ phế thải…
Đối với bệnh tay chân miệng, mùa xuân nồm ẩm nhiều, kéo dài, phong ôn kèm thấp lưu trú trong người do mùa hè nắng nóng kéo dài hơn các năm trước nên phong thấp nhiệt nung nấu có thời cơ phát tác thành bệnh thấp chẩn (phát ban), chủ yếu là ở trẻ em. Vì vậy, Hội Đông y tỉnh chỉ đạo các lương y hội viên lưu ý tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân chủ động phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, phun thuốc diệt các loại côn trùng, vệ sinh nơi ăn, nghỉ sạch sẽ; thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm nơi ở thoáng, thường xuyên tắm nước các loại lá, như: sài đất, chè xanh, kim ngân, bồ công anh… Nếu thấy trẻ mới phát ban nhẹ thì dùng các bài thuốc, vị thuốc thanh nhiệt, tiêu độc, trừ phong ban cho uống; tùy theo thể bệnh để có bài thuốc phù hợp và dùng sài đất, chè xanh, bồ công anh đun nước tắm; cách ly trẻ không cho trẻ ra gió, nghịch nước… Trong trường hợp bệnh nặng, toàn thân có nhiều ban chẩn, có sốt cao, tinh thần không tỉnh táo thì phải đưa ngay đến các cơ sở y tế để khám và điều trị, tuyệt đối không để trẻ điều trị ở nhà.
Đối với bệnh mắt nhặm, xích nhãn hay hỏa nhãn (đau mắt đỏ), thể nhẹ sẽ thấy ngứa, cộm, nước mắt chảy ra nhiều, lòng trắng chuyển hơi đỏ, sau đỏ tươi, kèm nhức đầu, nhức mắt, mắt chói sợ ánh sáng, chảy nhiều nước mắt, dử đặc. Thể trạng này, người bệnh cần được điều trị theo phép: khu phong, chỉ thống, thanh nhiệt; bài thuốc: Tẩy can tán; châm cứu - châm tả: hợp cốc, khúc trì, tình minh, ế phong, phong trì. Thể nặng, người bệnh tự nhiên thấy cộm mắt, nước mắt chảy ra nhiều; ngoài những chứng trạng như thể nhẹ ở trên, hai mắt sưng to nhanh, đau nhức cộm, nước mắt nước mũi chảy ra nhiều, phát sốt, sợ lạnh, nằm ngồi không yên, không ngủ được, sốt về đêm. Trong trường hợp này nếu không chữa trị kịp thời rất dễ làm tổn thương sinh màng mộng che lấp con ngươi, tổn thương đến mắt gây giảm thị lực. Người bệnh phải đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế chuyên khoa, hoặc đến phòng chẩn trị đông y để được khám, điều trị theo phép: thanh nhiệt, tả hỏa, tiêu độc; bài thuốc: Bát chính tán gia giảm; châm cứu - châm tả: hợp cốc, khúc trì, toản trúc, tỳ du, vị du, phong long, phế du.
Theo chỉ đạo của Hội Đông y tỉnh, tùy theo thể trạng bệnh và độ tuổi người bệnh, các thầy thuốc đông y sử dụng hai bài thuốc và châm cứu trên bảo đảm phù hợp, chữa trị bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, điều quan trọng trước hết mỗi người cần chủ động phòng bệnh: Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, sử dụng nguồn nước sạch bảo đảm hợp vệ sinh; rửa tay bằng xà phòng; không dụi mắt. Khi bị đau mắt phải cách ly tuyệt đối tránh lây nhiễm chéo và chữa bệnh theo chỉ định của thầy thuốc.
Trần Quyết