Người bệnh gout nên ưu tiên các loại thịt trắng như thịt gà, cá… và tránh các loại thịt đỏ như thịt bò, heo… để hạn chế lượng purin nạp vào cơ thể.
Gout, còn gọi là thống phong, là bệnh rối loạn chuyển hóa gây viêm khớp, thường ảnh hưởng đến các khớp ngón chân cái, mắt cá chân, đầu gối, cổ chân và khuỷu tay. Tình trạng này xảy ra khi nồng độ axit uric trong máu quá cao, vượt quá 420 umol/L ở nam giới và 360 umol/L đối với phụ nữ. Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng như đau khớp dữ dội, kéo dài, sưng nóng đỏ khớp, giảm phạm vi hoạt động của khớp...
ThS.BSNT Nguyễn Thị Ánh Ngọc, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, gout là bệnh lý liên quan nhiều đến chế độ dinh dưỡng, nên thói quen ăn uống mỗi ngày tác động đáng kể đến tình trạng bệnh. Khi cơ thể tiêu hóa càng nhiều thực phẩm chứa chất purin sẽ sản sinh ra càng nhiều axit uric, làm trầm trọng thêm bệnh gout. Purin có sẵn trong thực phẩm, đặc biệt là trong thịt, cá và hải sản...
Thịt là nguồn cung cấp protein quan trọng, có hai loại thịt là thịt đỏ và thịt trắng. Thịt trắng bao gồm thịt gà, thịt cá..., có hàm lượng protein cao, đủ để đáp ứng nhu cầu của cơ thể nhưng rất ít purin. Bên cạnh đó, thịt trắng còn có tác dụng chống lại quá trình kết tủa của axit uric. Vì vậy, các loại thịt này đặc biệt có hiệu quả trong việc kiểm soát bệnh gout. Người bệnh nên ăn khoảng 110 – 170gr thịt trắng mỗi ngày. Các loại thịt trắng tốt cho bệnh gout bao gồm:
Thịt gà
Thịt gà đã loại bỏ da rất tốt cho người bệnh gout. Đây là loại thực phẩm giàu protein, chất chống oxy hóa, vitamin nhóm B, selen, phốt pho nhưng ít đường, muối và purin. Nồng độ purin có trong 100gr thịt gà như sau: mông chứa 68.8mg, chân chứa 122.9mg, cánh chứa 137.5mg, ức chứa 141.2mg. Để giảm hàm lượng purin nạp vào cơ thể, sau khi loại bỏ da, thịt gà nên được rửa với nước sạch, sau đó nấu hoặc hầm chín kỹ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trong quá trình chế biến, purin trong thịt đã tiết ra và hòa vào nước dùng, do đó người bệnh chỉ nên ăn thịt, tránh dùng nước.
Cá
Trong 100gr thịt cá đồng thường có chưa đến 100mg purin nhưng lại chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi khác. Đồng thời, cách chế biến cá cũng có tác dụng đáng kể trong việc kiểm soát bệnh. Cá rô kho nghệ là một món ăn quen thuộc trong gia đình Việt và tốt cho người bệnh gout. Cá rô giàu protein, vitamin B12, selen, kali... nhưng rất ít purin, trong khi củ nghệ chứa hoạt chất ức chế các chất gây viêm, hỗ trợ kiểm soát hiệu quả tình trạng viêm khớp ở người bệnh gout.
Cá chép hấp cũng được xem là một bài thuốc trị gout hiệu quả khi có hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu chất béo tốt, glycine, axit glutamic, thớ thịt trắng ngọt và có đặc tính kháng viêm tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, dù đều là thịt trắng nhưng các loại cá biển như cá mòi, cá hồi, cá cơm, cá thu... có hàm lượng purin cao. Mỗi 100gr thịt cá thuộc nhóm này có thể chứa 150 – 800mg purin. Do đó, người bệnh cần tránh các loại cá này.
Ngược lại, thịt đỏ là nguồn cung cấp dinh dưỡng thường gặp trong cuộc sống, rất giàu protein, kẽm, sắt và vitamin B12, tốt cho sức khỏe nhưng không phù hợp với người bệnh gout. Thịt đỏ bao gồm thịt heo, thịt bò, thịt cừu, thịt bê, dê... Bác sĩ Nguyễn Thị Ánh Ngọc chia sẻ, dù thịt đỏ không chứa nhiều purin như nội tạng động vật nhưng nó có thể làm tăng nồng độ axit uric. Ngoài ra, quá trình chế biến và tiêu hóa thịt đỏ dưới tác động của enzym cũng làm cho các nhân purin trong loại thịt này chuyển hóa thành axit uric. Tất cả các yếu tố trên đều góp phần làm trầm trọng thêm bệnh gout.
Tuy nhiên, người bệnh cũng không nên kiêng khem hoàn toàn thịt đỏ mà nên duy trì ăn một lượng vừa phải, ăn tối đa 2 lần mỗi tuần và không quá 100gr/ngày. Thịt đỏ cần được chế biến chín kỹ dưới dạng luộc, kho hoặc hấp, giúp hạn chế lượng mỡ nạp vào cơ thể.
Bác sĩ Ánh Ngọc cho biết thêm, bên cạnh việc cân nhắc ăn loại thịt nào, người bệnh gout còn cần chú ý đến các nhóm thực phẩm khác, nhằm đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể mà vẫn kiểm soát tốt bệnh gout. Người bệnh nên tăng cường trái cây và rau củ, thực phẩm giàu vitamin C, ngũ cốc nguyên cám, sữa và các chế phẩm từ sữa... Đồng thời, cần hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, rượu bia và thức uống nhiều đường, các loại rau củ quả có hàm lượng purin cao như đậu đen, đậu phộng, đậu hà lan, đậu trắng, đậu xanh, cải xoăn, su hào...
Người bệnh cũng nên thăm khám định kỳ để các bác sĩ có thể theo sát tình hình bệnh và kịp thời xử lý nếu có nguy cơ phát sinh các biến chứng như sỏi thận, thoái hóa khớp, tàn phế...
VNE