Trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine Covid-19, chế độ ăn ngày Tết cần phù hợp, cân đối, dễ tiêu hóa, tạo miễn dịch tốt để nâng sức chống đỡ với virus gây bệnh.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu (Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết người khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt thường ít bị lây nhiễm hơn và nếu nhiễm virus thì biểu hiện bệnh cũng nhẹ hơn, nhanh hồi phục hơn những người có sức khỏe yếu, sức đề kháng kém, có bệnh nền. Dinh dưỡng trong phòng chống Covid-19 cần hợp lý cho từng nhóm lứa tuổi, theo bệnh nền nếu có với chế độ ăn đa dạng giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch chứ không có một loại thực phẩm riêng biệt nào có tác dụng ngừa Covid-19.
Theo bác sĩ Hậu, một số loại chất dinh dưỡng sẽ có vai trò hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn, cần ưu tiên trong thời điểm dịch bệnh như đạm, chất béo omega 3, vitamin A, vitamin C, vitamin E, vitamin D, selen, sắt, kẽm.
Theo đó, thực phẩm ngày Tết thường không thiếu chất đạm, là thành phần cấu tạo nên tế bào và mô của cơ thể, liên quan đến hoạt động của hệ thống miễn dịch, tham gia các phản ứng miễn dịch của cơ thể. Các bữa ăn chính trong ngày đều cần cung cấp đủ lượng protein cho cơ thể, đừng dồn nhiều quá vào một bữa. Cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu protein động vật (các loại cá, thịt gà, thịt bò, trứng, sữa...) và protein thực vật (từ các loại đậu, đỗ...). Nên chọn đa dạng cho các bữa, ưu tiên đạm từ cá, hải sản, trứng vì dễ tiêu hóa và giàu đạm quý, tránh quá tải đạm vì sẽ làm hệ tiêu hóa mệt mỏi, khó tiêu.
Cách chế biến cũng rất quan trọng giúp đạm dễ dàng được tiêu hóa và hấp thu. Nấu chín, nấu nhừ, phối hợp nấu hay ăn kèm với các thực phẩm có chứa men hoặc môi trường acid sẽ giúp đạm dễ được phân cắt, như thơm, đu đủ, cà chua, cải chua, dưa món... Do đó, tbữa ăn ngày Tết thường kèm với các món gỏi trộn, dưa hành, dưa kiệu... để hệ tiêu hóa dễ chịu hơn.
Trẻ có thể ăn các món nước như bún, lẩu, mì, miến... để đổi vị và dễ tiêu hóa. Các thức ăn giàu đạm thường giàu sắt và kẽm. Sắt và kẽm có thể giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch. Các loại động vật có vỏ và hải sản như hàu, cua, thịt nạc... là nguồn cung cấp kẽm vô cùng phong phú. Sắt và kẽm cũng hấp thu thuận lợi với môi trường acid hay giàu vitamin C.
Chất béo omega 3 giúp điều hòa phản ứng viêm của cơ thể, có nhiều trong cá béo và các loại hạt phổ biến ngày Tết như hạt điều, hạnh nhân, óc chó, hạt dẻ, hướng dương, đậu phộng. Có thể ăn xen các hạt này như thức ăn vặt hay chế biến các món sẽ tốt cho hệ miễn dịch. Đây cũng là những thực phẩm giàu đạm quý, selen và magne. Selen là một chất chống oxy hóa mạnh. Đủ lượng selen sẽ giúp tăng cường khả năng chống nhiễm trùng cho cơ thể, giảm độc lực và ức chế virus tăng sinh. Nguồn cung cấp selen là các loại thực phẩm như gạo nâu, lúa mạch, cá, tôm, rong biển, hạt giàu béo... Magne giúp tinh thần khỏe mạnh, giảm stress cũng là yếu tố giúp tăng cường sức khỏe miễn dịch.
Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và đường tiêu hóa. Việc sản xuất các kháng thể trên bề mặt niêm mạc có tác dụng lớn trong việc chống lại sự tấn công của virus gây bệnh. Thực phẩm giàu vitamin A gồm gan động vật, lòng đỏ trứng.
Các loại rau và trái cây cũng chứa nhiều tiền chất vitamin A là beta-caroten như bông cải xanh, rau bina, cà rốt, khoai lang, bí ngô, cam, xoài... Do đó, đừng quên các trái cây và rau trong bữa ăn ngày Tết. Đây cũng là nhóm thực phẩm giàu vitamin C, thiết yếu cho hệ thống miễn dịch, giúp ức chế sự tổng hợp của virus mới, chống lại sự xâm nhập của virus. Nguồn thực phẩm giàu vitamin C đến từ trái cây và rau tươi như cam, quýt, bưởi, nho, cà chua, súp lơ, củ cải, ớt chuông... Ngoài ra, nhóm thực phẩm này cũng thường chứa flavonoid đóng vai trò quan trọng giúp tăng khả năng chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch của cơ thể. Các thực phẩm giàu flavonoid như các loại rau gia vị, súp lơ xanh, cải xanh, táo, trà xanh...
Vitamin E có thể thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan miễn dịch, miễn dịch sự phân hóa của các tế bào. Thực phẩm giàu vitamin E gồm các loại hạt như hạt hướng dương, hạt bí, hạt điều, hạnh nhân..., các sản phẩm từ đậu nành và lúa mì, các loại rau mầm, giá... thường dễ tìm và phối hợp trong món ăn ngày Tết.
Vitamin D có liên quan đến các chức năng khác nhau của hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Để có đủ vitamin D, da cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời 15-30 phút mỗi ngày. Có thể tăng cường các thực phẩm giàu vitamin D như gan cá, lòng đỏ trứng, cá và các thực phẩm được bổ sung vitamin D như các loại sữa, ngũ cốc...
Cơ thể trẻ cũng cần cung cấp đủ nước. Hạn chế đường và tránh ăn quá mặn, nhiều chất bảo quản, nhiều chất béo no, bia, rượu, sẽ gây bất lợi cho hoạt động miễn dịch. Tinh bột nên cung cấp dưới dạng phức, tức là gạo, lúa mì, ngũ cốc, khoai củ nguyên thay vì đường và nước ngọt, bánh kẹo ngọt.
Miếng bánh chưng, khoanh bánh tét với nhân thịt, đậu được hầm nhừ, ăn với thịt kho, tôm khô củ kiệu, dưa cải hay dưa món, dưa giá thường cân đối, đủ chất, đa dạng, ngon miệng, hỗ trợ tiêu hóa và mang nét đặc trưng ngày Tết. Món gỏi trộn hay chả giò ăn cùng rau sống, món cuốn rau, thịt và tôm cũng là những món ăn phối hợp rất hợp lý. Không ăn quá nhiều mỗi bữa.
VNE