Tự hào được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhưng kỷ niệm về những năm tháng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong ký ức của Đại tá Trần Xuân Trường, cựu chiến binh xã Thụy Lôi, huyện Kim Bảng.

Nhập ngũ tháng 8/1969 khi mới tròn 18 tuổi, nay đã ở tuổi 74, nhưng Đại tá Trần Xuân Trường vẫn giữ được tác phong người lính: Dậy sớm tập thể dục; phòng ngủ, phòng lưu giữ những kỷ vật của gia đình luôn ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ; tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Dù đã trải qua những năm tháng chiến đấu hết sức khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, thậm chí đối diện với cả cái chết nhưng mỗi lần nhớ về những năm tháng trong quân ngũ, đặc biệt là những ngày tháng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại tá Trần Xuân Trường không giấu được nỗi xúc động nghẹn ngào. “Tôi luôn tự hào mình là người lính được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh và có mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày lịch sử trọng đại của dân tộc, ngày 30/4/1975” – Đại tá Trần Xuân Trường tâm sự.

Lần đầu đối diện với kẻ thù

Đó là khoảnh khắc tôi không thể nào quên, dù thời gian đã qua rất lâu rồi – Đại tá Trần Xuân Trường trầm giọng nhớ lại. Tháng 8/1969, ngày có giấy gọi nhập ngũ cũng là ngày tôi có giấy gọi nhập học Trường Đại học Giao thông tại Hà Nội. Là đối tượng được ưu tiên bởi tôi là con một, mẹ mất sớm, bố từng tham gia lực lượng dân công Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đứng trước hai sự lựa chọn, tôi quyết định lựa chọn nhập ngũ. Sau ba tháng tham gia huấn luyện tại Thanh Hóa, tháng 1/1970 tôi được biên chế vào Đoàn 2192, hành quân bộ theo đường Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Tháng 5/1970, trên đường hành quân, đơn vị của tôi được lệnh triển khai chiến đấu chống trận càn Mỏ Vẹt (tại địa điểm giáp ranh giữa Tây Ninh, Bình Dương và Campuchia). Đây là trận càn vô cùng khốc liệt của quân Mỹ và quân Sài Gòn nhằm tiêu diệt Bộ Chỉ huy Quân sự miền Đông Nam Bộ đóng ở Tây Ninh.

Tự hào được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
Đại tá Trần Xuân Trường bên kỷ vật bất ly thân của người lính (chiếc đèn dùng trong hầm bí mật) trong những năm tháng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam.
Ảnh: Phạm Hiền

18 tuổi - là một tân binh mới vào chiến trường, lần đầu tham gia trận chiến; lần đầu được chứng kiến cảnh máy bay gầm rú trên đầu, pháo sáng bắn rực trời, tiếng súng, tiếng bom đạn nổ rung trời đất, khói thuốc súng mù mịt; lần đầu trực tiếp cầm súng đối diện với kẻ thù trong lòng tôi thoáng chút lo lắng, hoang mang, bối rối. Nhưng cảm giác đó qua rất nhanh. Chứng kiến cảnh quân thù dùng mọi thủ đoạn tàn ác hòng tiêu diệt quân ta, chứng kiến cảnh đồng đội anh dũng ngã xuống... trong lòng tôi trỗi dậy lòng quyết tâm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Thời điểm ấy hai chữ “Tổ quốc” chính là động lực thôi thúc tôi vững vàng tay súng trước kẻ thù. Từ một chàng trai chỉ quen với giấy bút, trải qua cảm xúc lần đầu đối diện với kẻ thù, biết vận dụng linh hoạt những kiến thức đã được huấn luyện để “giữ được mình, nhưng thắng kẻ thù” tôi dần vững vàng, bản lĩnh, kinh nghiệm và quyết tâm hơn qua từng trận đấu.

Giây phút thiêng liêng trước cờ Đảng

Năm 1972, Quân khu C20 của miền Đông Nam Bộ chọn các tân binh ở miền Bắc vào có trình độ văn hóa từ lớp 10 trở lên để bổ sung về các binh chủng kỹ thuật. Chiến sỹ trẻ Trần Xuân Trường được điều chuyển về Đoàn pháo Biên Hòa (miền Đông Nam Bộ) làm nhiệm vụ trinh sát pháo binh. Năm 1973, quân ta đánh thắng ở Bình Long và Phước Long thu được chiến lợi phẩm là pháo xe kéo của địch để thành lập Trung đoàn pháo binh của Sư đoàn bộ binh, trinh sát trẻ Trần Xuân Trường được chuyển về Tiểu Đoàn 13, Trung đoàn Pháo binh 28 thuộc Sư đoàn 5, Quân khu 7 làm trinh sát. Được thử thách qua rất nhiều trận chiến đấu đầy cam go và ác liệt, với thành tích hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, ngày 22/4/1973 trinh sát trẻ Trần Xuân Trường vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại chiến trường.

“Tôi còn nhớ, buổi lễ kết nạp đảng viên mới hôm đó điễn ra trong một căn lán đơn sơ nằm bên bờ sông Tha La, thuộc tỉnh Tây Ninh. Trong lán treo ngay ngắn cờ Đảng, cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ. Vì đang trong giai đoạn quyết liệt của cuộc chiến tranh, các thủ tục của buổi lễ kết nạp Đảng diễn ra nhanh gọn nhưng hết sức long trọng, trang nghiêm. Dưới cờ Đảng tôi đã giơ tay xin thề: Nguyện suốt đời chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Kể từ thời khắc đó, nêu cao tinh thần gan dạ, dũng cảm, kiên trung của người đảng viên, tôi luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong quá trình chiến đấu, tôi đã được tặng nhiều giấy khen, bằng khen, đặc biệt tôi đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba” - Đại tá Trần Xuân Trường bồi hồi nhớ lại.

Tháo rời pháo vượt sông kịp chi viện cho chiến dịch

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn 28 pháo binh, thuộc cánh quân 232 hướng Tây Nam (cánh quân thứ 5) do đồng chí Lê Đức Anh chỉ huy được lệnh hành quân theo sông Vàm Cỏ Đông đánh theo lộ 4, giải phóng thị xã Long An, cắt đứt lộ 4 không cho quân ngụy  Sài Gòn rút về miền Tây. Tiếp đó đánh thẳng vào Bộ Tổng Tham mưu và Nha Cảnh sát của quân ngụy Sài Gòn. Trong cánh quân thứ 5 có 3 sư đoàn chính là Sư đoàn 3, Sư đoàn 5 và Sư đoàn 9. Đơn vị tôi thuộc Sư đoàn 5 – Đại tá Trần Xuân Trường kể lại. Chiến trường nhiều sông nước, để có pháo binh cơ giới có tầm bắn xa, uy lực lớn, độ chính xác cao Tiểu đoàn 13 pháo cơ giới, Trung đoàn pháo binh 28 của Sư đoàn 5 bộ binh được giao nhiệm vụ cùng với lực lượng quân giới tháo rời 2 khẩu pháo 105 ly (mỗi khẩu nặng 1,5 tấn), dưới sự dẫn đường của giao liên, vận chuyển bằng xuồng ba lá, từ Đức Huệ, Tây Ninh (bắt đầu từ đêm ngày 26/4/1975), theo sông Vàm Cỏ xuống chiếm lĩnh trận địa ở Láng Cò, cách thị xã Long An 7km. Đây là mũi thọc sâu của sư đoàn chi viện cho bộ binh đánh chiếm Long An, gây bất ngờ cho địch.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, đơn vị đã huy động hơn 18 xuồng ba lá chở từng bộ phận của hai khẩu pháo cùng với pháo thủ và bộ phận chỉ huy tiểu đoàn, đại đội hành quân từ Đức Huệ theo sông Vàm Cỏ xuống Long An chi viện cho lực lượng đánh chiếm thị xã Long An đúng thời gian quy định. Ngày 30/4/1975, trận địa pháo của Trung đoàn 28 đặt tại Láng Cò sau khi bắn 97 phát đạn pháo 105 và 60 quả DKB vào  thị xã Long An, giải phóng Long An thì nhận được tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Sài Gòn đã được giải phóng. Tin đến bất ngờ, mọi người vỡ oà trong niềm vui và niềm hạnh phúc. Với tôi, trận đánh của đơn vị trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là trận đánh mạo hiểm nhất, táo bạo nhất và bất ngờ nhất. Trận đánh cũng ghi dấu ấn lịch sử của pháo binh Việt Nam khi tham gia chiến đấu ở địa hình sông nước, góp phần quan trọng trong Chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Gần 50 năm đã trôi qua, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 30/4 –  trong niềm vui chung của cả nước tưng bừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm về những năm tháng chiến đấu bên đồng chí, đồng đội nơi chiến trường ác liệt xưa lại trở về trong ký ức Đại tá Trần Xuân Trường. Không chỉ tự hào mình là người lính từng trực tiếp cầm súng chiến đấu, góp phần nhỏ bé vào chiến thắng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại tá Trần Xuân Trường luôn ghi nhớ, đồng thời tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ tiếp nối ghi nhớ và biết ơn công lao to lớn của những người lính đã anh dũng ngã xuống để quê hương, đất nước có sự đổi thay kỳ diệu ngày hôm nay.

Vĩnh Linh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy