Làng cá kho Nhân Hậu

Mấy mươi năm qua, làng Đại Hoàng được nhiều người biết đến không chỉ là nơi sinh ra nhà văn, Liệt sỹ Nam Cao nổi tiếng của dòng văn hoc hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945 ... mà còn là nơi nổi tiếng với nghề dệt vải truyền thống, vùng đất của các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như: chuối ngự tiến vua, hồng không hạt và món cá kho gia truyền.

Sau bao lần lỗi hẹn, mãi đến tận hôm nay tôi mới lại có dịp về thăm làng Đại Hoàng xưa, nay là xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân. Vẫn trên mảnh đất ấy nhưng người làng Đại Hoàng hôm nay khác xưa nhiều lắm. Những thân phận như Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc hay anh giáo Thứ chỉ còn tồn tại trong các tác phẩm của nhà văn Nam Cao hay trong những câu chuyện kể của người già trong làng.

Con đường về làng Đại Hoàng hôm nay luôn rộng mở, giống như tấm lòng người dân nơi đây vậy. Khắp làng trên xóm dưới, những ngôi nhà khang trang, những mảnh vườn xanh mướt lúc lỉu cây trái, những mái trường rộn rã nụ cười con trẻ, tiếng cười nói râm ran của các bà, các cô sau buổi chợ chiều và những ánh đèn hắt ra từ gian bếp nhà ai đó, mùi cơm mới dẻo thơm hoà quyện với hương vị đậm đà của món cá kho, đặc sản của người dân Nhân Hậu... tất cả vẽ lên một bức tranh quê an yên, ấm áp đến nao lòng.

Kho cá tại gia đình anh Trần Hữu Hoàn, Nhân Hậu, xã Hòa Hậu (Lý Nhân).

Về Nhân Hậu hôm nay, được nghe người già trong làng kể lại rằng, sở dĩ khi xưa làng có tên Đại Hoàng khởi nguồn từ câu chuyện Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trên đường đi từ kho lương Trần Thương về ấp An Lạc (nay thuộc Mỹ Lộc, Nam Định) qua địa phận của làng đã nhặt được một bé gái, ông nhận làm con nuôi và đặt tên là Đại Hoàng.

Sau này, để tỏ lòng nhớ ơn ông, dân làng đã lấy tên quận chúa để đặt tên cho làng và cái tên Đại Hoàng đã gắn bó với người dân nơi đây cho đến giờ, dẫu rằng sau bao lần sáp nhập cái tên Đại Hoàng không còn xuất hiện trên bản đồ địa giới hành chính của huyện Lý Nhân.

Biết tôi muốn tìm hiểu về nghề kho cá ở Nhân Hậu, một cụ già trong làng bảo rằng: Thực ra, món cá kho đặc sản của người dân Đại Hoàng không có xuất xứ từ một truyền thống, phong tục hay điển tích nào mà có gốc gác từ những ngày tháng đói nghèo. 

Vùng đất Đại Hoàng xưa nghèo lắm, đồng chiêm trũng không trồng được lúa nên cá trở thành thứ con nuôi chủ yếu của người dân nơi đây. Thịt lợn thời bấy giờ là một thứ thực phẩm rất xa xỉ đối với người dân Đại Hoàng, nhưng Tết thì vẫn cứ đến, nên người Đại Hoàng đã nghĩ ra cách chế các thức ăn từ cá thay cho thịt để có một cái Tết thật tươm tất.

Ngày ấy, cứ vào khoảng 23-25 tháng Chạp, dân trong làng lại hối hả tát ao, chia cá theo nhân khẩu nên nhà nào nhà ấy đều hoan hỉ vì có niêu cá kho để ăn Tết. Tết ở Đại Hoàng xưa có thể thiếu bánh chưng, thiếu thịt nhưng chẳng nhà nào là không có nồi cá kho. Gia đình nào cũng vậy, dù Tết to hay nhỏ thì trên mâm cơm cúng tổ tiên, ông bà nhất thiết phải có một đĩa cá kho và cứ thế kho cá ngày Tết đã trở thành tục lệ của người dân Đại Hoàng xưa và Nhân Hậu hôm nay. Chỉ là một món quà quê mộc mạc, dân dã để những người con của Nhân Hậu mỗi khi đi xa nhớ về nhưng hôm nay cá kho Nhân Hậu đã trở thành một thứ đặc sản nức tiếng gần xa. Cá kho Nhân Hậu không chỉ theo chân du khách đi đến khắp mọi miền trong cả nước mà đã có mặt ở tận trời Tây. Với hương vị đậm đà chất quê, cá kho Nhân Hậu đã phần nào giúp cho những người con xa xứ nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ Tổ quốc.

Về làng Nhân Hậu đúng vào dịp cuối năm, không khí trong làng thật nhộn nhịp, người pha cá, ướp cá, người nhóm bếp thổi lửa, tất bật, bận rộn nhưng ai nấy đều vui vẻ và thân thiện. Mùi bếp lửa, mùi cay nồng của riềng, mùi thơm của chay, của chấp, mùi đậm đà của nước mắm cốt... tất cả như hoà quyện, tan chảy vào nhau tạo nên một món quà quê thật khó quên.

Anh Trần Hữu Hoàn, một trong những hộ thuộc tốp 10 về lượng cá kho tiêu thụ mỗi năm trong làng chia sẻ: Nguyên liệu chuẩn bị cho món cá kho thì vô cùng đơn giản, toàn những thứ sẵn có của đồng quê Việt Nam. Cá để kho thường là cá trắm đen vì thịt của nó vừa chắc, vừa thơm. Gia vị bao gồm: gừng, riềng, chanh, qủa chay, kẹo đắng, nước mắm cốt... Củi kho cá thường là củi nhãn và muốn giữ được vị thơm của cá thì nồi kho cá phải là nồi đất nhập từ một làng nghề ở Thanh Hoá nhưng vung lại nhập từ Nghệ An theo đơn đặt hàng.

Công thức kho cá thì đơn giản nhưng để có được một nồi cá kho ngon thì quả là công phu. Phải đun từ 14-15 tiếng mới được một mẻ cá nhưng giữ lửa làm sao cho đều và pha chế gia vị ra sao cho thơm cho đượm chính là bí quyết mà chỉ riêng người làng Nhân Hậu mới có được. Sản phẩm cá kho đạt chuẩn phải bảo đảm  không khô quá, không ướt quá, vị thơm ngậy, thịt cá chắc và có màu nâu sậm. Chỉ ăn một lần thôi là sẽ nhớ mãi không thể quên. Dù chỉ là món ăn dân dã nhưng cá kho Nhân Hậu nhiều năm qua đã đem lại cuộc sống sung túc cho người dân nơi đây. Như nhà anh, mỗi năm cũng tiêu thụ khoảng 2.000 nồi, doanh thu trên 1 tỷ đồng…

Là một món ăn đặc sản nhưng lại không sử dụng chất bảo quản nên cá kho Nhân Hậu không thể sản xuất tràn lan, chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng. Thời kỳ tiêu thụ cao điểm nhất đối với sản phẩm cá kho Nhân Hậu bắt đầu từ mùng 1 tháng Chạp cho đến hết tháng Giêng. Có hộ kho nhiều lên tới vài trăm nồi một ngày. Kho cá đã thực sự trở thành một nghề phụ cho thu nhập cao ở Nhân Hậu.

Anh Trần Xuân Thực, chủ cơ sở sản xuất cá kho Phong Thực, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội cá kho Nhân Hậu cũng rất cởi mở khi nói về triển vọng của nghề, anh bảo: Nghề kho cá Nhân Hậu thực ra mới phát triển mạnh khoảng chục năm lại đây, khi các sản phẩm từ thịt tràn ngập trên thị trường, trong mỗi gian bếp, trong mỗi bữa ăn của các gia đình, nhất là vào những ngày Tết thì món cá kho Nhân Hậu thực sự là một món ăn hấp dẫn, một món quà ý nghĩa được nhiều người lựa chọn.

Sản lượng cá kho tiêu thụ của làng vì thế tăng dần theo từng năm. Bình quân mỗi năm, cả làng tiêu thụ khoảng trên 30 nghìn nồi (chủ yếu vào dịp Tết Nguyên đán), doanh thu hàng mấy chục tỷ đồng. Ước tính năm nay sản lượng sẽ tăng khi thị trường ngày càng mở rộng. Hiện, Hiệp hội cũng đã hoàn tất việc in tem nhãn truy xuất nguồn gốc cho các hộ thành viên. Đây chính là cơ sở để cá hộ nâng cao trách nhiệm đối với sản phẩm mang thương hiệu cá kho Nhân Hậu, loại bỏ những sản phẩm chất lượng kém ảnh hưởng đến uy tín của những người làm nghề chân chính...

Những câu chuyện cứ nối dài song vì thời gian không cho phép nên chúng tôi đành chia tay Nhân Hậu khi nhà nhà đã lên đèn, khi những mẻ cá kho đã dậy mùi. Trở về phố thị mang theo những câu chuyện đời, chuyện nghề và những hương vị đậm đà của món cá kho đặc sản của Nhân Hậu, chúng tôi hứa sẽ trở lại Nhân Hậu một ngày gần nhất.

Minh Thu

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy