Đình và chùa Cổ Viễn nằm trên bờ sông Châu thuộc xã Hưng Công, huyện Bình Lục. Đình thờ thành hoàng là một dũng tướng thời vua Hùng. Ông vừa có công giúp nước, vừa dạy nhân dân nơi đây nghề cấy lúa và nuôi tằm, dệt vải.
Chùa Cổ Viễn thờ Phật đại thừa và có phủ thờ một vị công chúa thời Lý - người có công khai khẩn đất hoang, phát chẩn cho người nghèo, sửa sang phong tục. Ngoài giá trị lịch sử, đình Cổ Viễn còn nổi danh bởi nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện cách mạng và kháng chiến chống đế quốc thực dân. Di tích là cơ sở từ thời kỳ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, là điểm hoạt động trong cao trào cách mạng 1930 – 1931, các phong trào dân tộc dân chủ 1936 – 1939, thời kỳ chuẩn bị cướp chính quyền tháng Tám năm 1945 và 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Nơi đây là cơ sở hoạt động, nơi nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ xứ ủy, liên Tỉnh ủy khu C, Tỉnh ủy Hà Nam, nơi nhiều hội nghị quan trọng của Đảng đã được diễn ra nhằm đẩy mạnh cuộc đấu tranh cách mạng, lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Đình, chùa Cổ Viễn còn là nơi cất giấu tài liệu và là địa điểm tập trung lực lượng của dân quân du kích địa phương đánh trả những cuộc càn quét của địch vào thôn xóm.
Theo lịch sử Đảng bộ xã Hưng Công, trước năm 1945, Cổ Viễn là đơn vị xã, đứng đầu hàng tổng. Xã Hưng Công ngày nay là do hợp nhất của 4 xã cũ: Hưng Công, Cổ Viễn, Sơ Lâm và Hàn Mặc. Dưới thời thực dân phong kiến, Cổ Viễn có diện tích canh tác rất lớn, có đất cấy chiêm, đất cấy 2 vụ và đất làm màu nhưng hầu hết nằm trong tay địa chủ và cường hào. Người dân thiếu ruộng cày lại chịu nhiều chính sách thuế khóa nặng nề nên cuộc sống vô cùng khổ cực. Sau khi thành Nam (Nam Định) thất thủ, các nhà yêu nước quê Bình Lục rút về xây dựng các căn cứ ngay tại quê hương.
Tinh thần yêu nước được lan tỏa đã khiến người dân Cổ Viễn cũng như các nơi khác trong huyện Bình Lục bừng lên ý chí đấu tranh lật đổ chế độ thực dân phong kiến. Khi các đồng chí ở Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội từ Nam Định về tuyên truyền, nhân dân Cổ Viễn đã đồng tình ủng hộ và nhiệt thành tham gia hoạt động cách mạng. Tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Cổ Viễn được thành lập là cơ sở để tháng 10/1929, Chi bộ Hưng Công, Cổ Viễn, Sơ Lâm ra đời. Đây là tổ chức Đảng đầu tiên của huyện Bình Lục. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, hàng trăm người đã kéo lên huyện tố cáo bọn cầm quyền vơ vét, bóc lột nhân dân, đòi phế bỏ hội đồng cải lương… Trong lúc này, các phong trào đấu tranh trong cả nước cũng bùng dậy mạnh mẽ, cao trào là tiếng trống Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Trước tình hình đó, hội nghị Tỉnh ủy Hà Nam họp ở đình Cổ Viễn quyết định tổ chức tuần hành thị uy, mít tinh phát động quần chúng đấu tranh. Hội nghị chọn Bồ Đề làm điểm mít tinh, tuần hành vì đây là nơi tiếp giáp ba huyện Bình Lục, Lý Nhân, Mỹ Lộc, dễ tập trung lực lượng, lại lợi dụng vào phiên chợ nên tiếng vang sẽ lớn hơn.
Đây cũng là điểm dễ rút lui khi bị địch đàn áp. Để chuẩn bị cho việc mít tinh biểu tình, đình Cổ Viễn cũng như một số nhà dân xung quanh đã trở thành nơi bàn bạc, in ấn tài liệu, truyền đơn, vẽ cờ Đảng, làm biểu ngữ… Cuộc mít tinh, tuần hành có hàng nghìn người tham gia đã trở thành cuộc đấu tranh chính trị lớn, làm rung chuyển tình hình cách mạng trong tỉnh, trong nước.
Sau cuộc mít tinh, Pháp ra tay đàn áp nhưng phong trào ở Cổ Viễn, Hưng Công vẫn được duy trì, các cơ sở trung kiên vẫn một lòng một dạ theo cách mạng. Vì vậy, từ cuối năm 1930 – 1931, đình, chùa Cổ Viễn cùng với các cơ sở xung quanh đã là nơi bảo vệ, nuôi dưỡng cán bộ Xứ ủy Bắc kỳ hoạt động.
Trong giai đoạn từ 1932 – 1935, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân Cổ Viễn đấu tranh chống hương lý, kỳ hào, đòi bãi bỏ hủ tục lạc hậu, chống bóc lột, bớt xén của dân. Nội dung đấu tranh được viết thành văn bản, nhân hội làng đem ra đọc trước đông đảo quần chúng khiến giới cầm quyền địa phương phải nhượng bộ, hạn chế việc lạm thu. Chi bộ còn lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi chia lại ruộng công điền, làm cho mỗi suất đinh được thêm 6 miếng ruộng.
Tháng 5/1938, nhân việc thực dân Pháp tổ chức bầu cử lập “Viện dân biểu”, tuyên truyền chiêu bài dân chủ giả hiệu, Tỉnh ủy Hà Nam quyết định đưa người ra ứng cử, mở rộng các hoạt động tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, vận động nhân dân đòi tự do dân chủ, chống sưu thuế nặng nề, vận động bỏ phiếu cho người lao động. Những hoạt động trên, Tỉnh ủy Hà Nam đều chọn Cổ Viễn, Hưng Công làm cơ sở chủ yếu, đình chùa Cổ Viễn là cơ sở vận động bầu cử, tiếp đón các cử tri đi bỏ phiếu.
Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, thực dân Pháp tăng cường đàn áp, bóc lột sức người, sức của ở Việt Nam, đàn áp khốc liệt cách mạng. Ở Hà Nam chúng liên kết với bọn cường hào tổ chức các đợt càn quét, truy lùng, bắt bớ cán bộ, đảng viên, phá vỡ cơ sở cách mạng. Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Hà Nam đã tổ chức hội nghị tại đình Cổ Viễn để ra nhiệm vụ chuyển hướng tổ chức và lãnh đạo đấu tranh, trước mắt là củng cố cơ sở đảng, củng cố và phát triển các tổ chức quần chúng.
Thực hiện chủ trương, các cơ sở ở Bình Lục như Cổ Viễn, Hưng Công vẫn giữ được an toàn, là nơi liên lạc, hội họp của cấp trên và là nơi tập luyện của lực lượng cách mạng cơ sở. Trong lúc chuẩn bị do thiếu cảnh giác cơ sở bị lộ, nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên và quần chúng ưu tú bị bắt, phong trào cách mạnh bị khủng bố nhưng phong trào ở Bình Lục, các cơ sở như Cổ Viễn, Hưng Công vẫn không nao núng, vẫn tổ chức chống địch bắt phá lúa trồng đay, vẫn là nơi đi về của cán bộ cách mạng, nơi tập trung lực lượng quân sự địa phương luyện tập cho tổng khởi nghĩa 1945.
Cách mạng Tháng Tám thành công, chế độ mới được thành lập. Nhìn lại quá trình đấu tranh vận động cách mạng từ ngày là tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mảnh đất Cổ Viễn, Hưng Công nói chung, khu di tích đình và chùa Cổ Viễn nói riêng đã có nhiều đóng góp cho cách mạng, thể hiện rõ tính kiên cường trong mọi tình huống, một lòng bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ.
Truyền thống cách mạng kiên cường đó còn được phát huy trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược với trên 2.100 thanh niên của Hưng Công đã tình nguyện lên đường đánh giặc. Quá trình kháng chiến anh hùng đó, Đảng bộ và nhân dân Hưng Công đã được trao tặng nhiều huân, huy chương các loại. Riêng thôn Cổ Viễn được cấp bằng có công với nước, cụm di tích đình, chùa Cổ Viễn được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng cấp quốc gia.
Bình Nguyên
Bình Nguyên, Trần Ích