Giúp em viết tiếp ước mơ đến trường

Trong guồng quay của cuộc sống, đâu đó vẫn có những cô bé, cậu bé còn đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã phải chập chững mưu sinh, thay mẹ, thay cha gánh vác việc nhà, dang dở ước mơ đến trường. Cảm thông trước những mảnh đời éo le, đã có nhiều nhà hảo tâm, hội thiện nguyện đứng ra quyên góp, hỗ trợ nhằm chia sẻ khó khăn, giúp các em yên tâm tới trường. Hơn tất cả, không đơn thuần là hỗ trợ vật chất, bù đắp một phần thiếu thốn, mà trên hết là lan tỏa giá trị sống đẹp, lòng nhân ái của mỗi cá nhân, nhằm chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo hiếu học.

Điểm trung bình môn Toán 9,1; Vật lý 9,0; Sinh học 8,9; Lịch sử 9,1… của cô học trò nhỏ Đinh Thị Thương Thương, thôn Nham Tràng, xã Thanh Tân (Thanh Liêm) khiến ai cũng phải ngưỡng mộ. Nhưng ít ai có thể hình dung, cô học trò nhiều năm liền là học sinh giỏi toàn diện ấy lại không thể dành phần lớn thời gian trong ngày cho việc học. Ngày ngày, cứ sau mỗi buổi học tại trường, Đinh Thị Thương Thương lại phụ giúp mẹ trông nom, chăm sóc người anh trai bại não và thêu ren thuê để có thêm thu nhập. Mẹ của hai em là chị Đinh Thị Phượng, một người phụ nữ lam lũ vất vả, một mình bươn trải để nuôi dạy các con. Biến cố liên tiếp ập đến với gia đình chị Phượng, khi con trai đầu lòng được 3 tháng tuổi, chồng chị phát bệnh tâm thần, phải tới trung tâm điều trị. Khi con trai chị được 6 tháng tuổi, sau một lần sốt cao bất thường đã bị bại não, liệt tứ chi. Bằng ấy năm một mình chăm con bại não nằm liệt một chỗ, chị dường như chẳng còn chỗ dựa tinh thần. Năm 2009, bé Đinh Thị Thương Thương chào đời. Có lẽ, đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của người mẹ sau những năm dài đầy nước mắt và khổ đau. Thế nhưng, lúc Thương được ba tuổi, em bị u nang ống mật chủ. Quay quắt trong sự hà khắc của số phận, người mẹ trẻ cố gắng bươn trải, chạy vạy vừa lo cho con trai nằm liệt giường, vừa lo chữa bệnh cho con gái bé bỏng. Thương khỏi bệnh sau khi được điều trị cắt bỏ u nang. Em vốn đã không có một thể lực khỏe mạnh như các bạn cùng trang lứa, năm 2019, một lần nữa hai mẹ con lại đi viện vì em phải mổ lồng xoắn ruột.

Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, Thương Thương đã thành thạo việc nhà, việc chăm sóc anh trai tật nguyền nằm liệt một chỗ và trở thành chỗ dựa tinh thần, nơi gửi gắm niềm hy vọng của mẹ. Những lần anh lên cơn co giật, Thương chỉ ôm anh ngồi khóc vì sức khỏe có hạn, không thể cưỡng lại cơn co giật mạnh của anh. Mẹ vừa là người cha, là trụ cột, là chỗ dựa tinh thần cho hai anh em Thương. Biết con hiếu học, ngoài việc cấy một sào ruộng và số tiền trợ cấp người khuyết tật để trang trải sinh hoạt thuốc men cho con, người mẹ lam lũ, thức khuya dậy sớm nhận thêu ren, tranh thủ mọi lúc để có thêm chút tiền cho con ăn học thành người. Sớm ý thức được hoàn cảnh gia đình khó khăn, Thương luôn tự nhủ rằng, chỉ có con đường học tập mới giúp em thay đổi số phận. Vì vậy, em luôn nỗ lực và dẫn đầu lớp về thành tích học tập, điều đáng khen là em học giỏi đều ở tất cả các môn.

Giúp em viết tiếp ước mơ đến trường
Em Đinh Thị Thương Thương cùng mẹ chăm sóc anh trai bị bại não. Ảnh: Nguyễn Chi

Có lẽ cũng từ sự thiếu thốn, khó khăn đó đã tiếp thêm động lực và sự quyết tâm vươn lên của cô học trò nghèo này. Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai của mình, cô học trò gầy gò, nhỏ bé chia sẻ: Em không thấy buồn vì hoàn cảnh gia đình mình vì bên em lúc nào cũng có mẹ, bạn bè, thầy cô giáo luôn quan tâm giúp đỡ em. Ước mơ lớn nhất của em là tiếp tục được đến trường để con đường tìm kiếm tri thức của em được rộng mở hơn, để sau này có một công việc ổn định phụ giúp mẹ và có điều kiện giúp ích cho xã hội.

Cảm thông trước hoàn cảnh cơ cực của cô học trò nghèo hiếu học, cô giáo Trần Thị Huệ, giáo viên chủ nhiệm của Thương Thương đã liên hệ với nhiều nhóm hội thiện nguyện trong tỉnh để tìm kiếm cơ hội sẻ chia, giúp đỡ em. Và điều may mắn đã đến với cô trò khi câu chuyện của Thương Thương đã chạm đến trái tim của những nhà hảo tâm của Hội Tấm lòng vàng tỉnh Hà Nam. Cô Trần Thị Thủy (thôn Hồng Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng) chia sẻ: Khi biết đến câu chuyện của cháu Thương, chúng tôi rất xúc động. Một cô bé lớp 8 nhưng dáng người gày gò chưa đến 30kg lại thành thạo việc nhà, việc thêu ren và việc chăm sóc người anh bại não, liệt tứ chi. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà cháu Thương từ bỏ niềm đam mê và khao khát được học của mình. Biết được câu chuyện này, chúng tôi như thấy được trách nhiệm xã hội, cùng nhau góp những phần nhỏ bé của mình để giúp cháu Thương có thêm cơ hội đến trường, giúp mẹ cháu vơi bớt nỗi vất vả mưu sinh.

Tuổi thơ không có sự chăm sóc, dạy bảo của người cha, chỉ có tình thương bao la vô bờ bến của người mẹ, Thương Thương vẫn mạnh mẽ, kiên cường vươn lên từ chính khó khăn, thiếu thốn của gia đình. Em vẫn luôn hướng về phía trước, không nguôi ý chí vươn lên học tập, giúp đỡ mẹ và chăm sóc anh trai. Tin tưởng rằng, bằng nghị lực bền bỉ, cùng với sự quan tâm của thầy cô, bạn bè và cộng đồng xã hội sẽ là nền tảng vững chắc giúp cô học trò nhỏ Đinh Thị Thương Thương vượt qua khó khăn để thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình.  

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.