Chế biến sâu các sản phẩm từ đá, góp phần nâng cao giá trị tài nguyên khoáng sản

Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản được các cấp, ngành quan tâm thực hiện, đưa hoạt động khai thác đá đi vào nền nếp, góp phần giải quyết nhu cầu vật liệu xây dựng và tăng thu ngân sách. Nhiều doanh nghiệp sau khi được cấp mỏ lâu dài đã đầu tư dây chuyền máy móc, chế biến chuyên sâu tạo ra các sản phẩm từ đá có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị của tài nguyên khoáng sản.

Tài nguyên khoáng sản đá vôi của tỉnh chủ yếu làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu cho sản xuất xi măng, vôi, sản xuất bột nhẹ, các loại đá quý có vân màu phục vụ xây dựng, trang trí nội thất và làm đồ mỹ nghệ, các mỏ sét làm gạch ngói, gốm sứ, xi măng và một số mỏ than bùn, mỏ đôlômit… với trữ lượng của 8 khu mỏ chính lên tới 537,044 triệu tấn, nếu tính cả tiềm năng dự báo thì tổng trữ lượng là 52.044,629 triệu tấn, trong đó: đá vôi có thể sử dụng cho công nghiệp sản xuất xi măng là 685,432 triệu tấn; đá vôi cho công nghiệp hóa chất là 320,636 triệu tấn; đá vôi và đôlômit có thể sử dụng làm vật liệu xây dựng là 1.074,703 triệu tấn.

Để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên khoáng sản, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện quy hoạch, đấu giá khai thác tài nguyên khoáng sản, giao mỏ có thời hạn lâu dài, quản lý chặt chẽ sản lượng, công suất khai thác, trọng lượng sản phẩm xuất xưởng. Nhiều doanh nghiệp cấp phép thực hiện nghiêm các quy định của Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường và các quy định của pháp luật có liên quan trong khai thác đá. Kết quả, trong 3 năm qua, Hà Nam đã giải quyết dứt điểm các mỏ khai thác nhỏ lẻ, ngắn hạn, không gia hạn giấy phép khai thác và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu với UBND tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm, đúng quy định các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân… trong hoạt động khai thác chế biến khoáng sản, để công tác quản lý khoáng sản đi vào nền nếp và đúng pháp luật. Sau khi đóng cửa các điểm mỏ nhỏ lẻ, UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức đấu giá, cấp phép mỏ dài hạn để các doanh nghiệp thực sự có năng lực tham gia khai thác theo các hình thức, biện pháp tiên tiến. Yêu cầu doanh nghiệp trúng đấu giá các điểm mỏ phải đầu tư chế biến sâu, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt phải có giải pháp bảo đảm về môi trường.

Sản phẩm vữa trộn Tân Thủy.

Nhiều doanh nghiệp sau khi đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại, chuyên sâu tạo ra các sản phẩm từ đá, góp phần nâng cao giá trị tài nguyên khoáng sản. Điển hình như Công ty cổ phần Khoáng sản Tân Thủy (xã Thanh Sơn, Kim Bảng) đã đầu tư dây chuyền sản xuất vữa trộn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm vữa xây Tân Thủy là loại vữa khô công nghiệp cao cấp sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại từ Cộng hoà liên bang Đức. Quy trình sản xuất từ cốt liệu đá 5 – 10mm; cát nhân tạo được sản xuất bằng phương pháp nghiền côn thủy lực trên dây chuyền công suất 60 tấn/giờ. Cát được đưa vào buồng sấy bằng băng tải và sấy khô ở nhiệt độ 200-400 độ C tùy vào độ ẩm ban đầu, sau đó được làm nguội và đưa qua sàng phân loại để loại bỏ tạp chất và các hạt không đạt, phân loại cát xây và trát.

Đối với mỗi sản phẩm vữa trộn gồm cát nhân tạo và xi măng đặc chủng được cân lượng chuẩn và đưa vào buồng trộn, trộn đều với phụ gia bằng hệ thống trộn tự động, sau đó được đưa vào đóng gói tạo ra sản phẩm. Theo tính toán của Công ty cổ phần Tân Thủy, giá thành sản phẩm khi cung ứng ra thị trường cao gấp 5-6 lần so với sản phẩm đá thông thường. Hiện nay, sản phẩm của doanh nghiệp này đã cung ứng tới chân công trường ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ông Trương Minh Hiền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần khoáng sản Tân Thủy cho biết: Sản phẩm vữa trộn của doanh nghiệp sử dụng dễ dàng, rút ngắn 1/4 thời gian thi công, giảm 90% thời gian dọn vệ sinh và vận chuyển phế thải ra khỏi công trình và tiết kiệm trên 15% vật liệu, chi phí so với vữa truyền thống. Tỷ trọng vữa nhẹ hơn, độ dày thi công giảm 1/3 và đặc biệt tỷ lệ hao phí rất thấp. Với tính năng đặc biệt của xi măng Polyme là không co ngót và độ bám dính cao nên khi sử dụng vữa khô cao cấp Tân Thủy, người sử dụng hoàn toàn yên tâm về chất lượng và giảm thiểu chi phí hao phí bảo trì, bảo dưỡng công trình. Ngoài vữa trộn, Công ty Tân Thủy còn sản xuất được cát nhân tạo có nguyên liệu từ đá thô, keo dán gạch, các sản phẩm đá xây dựng các loại. Trong thời gian tới, Công ty cổ phần khoáng sản Tân Thủy tiếp tục nghiên cứu sản xuất ra các sản phẩm từ đá để nâng cao giá trị của tài nguyên khoáng sản.

Cũng như Công ty cổ phần khoáng sản Tân Thủy hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang chế biến sâu các sản phẩm từ đá, tạo ra các sản phẩm: xi măng; bột nhẹ; đá viên xuất khẩu; các loại bột bả; keo dán gạch, gạch không nung; vôi xuất khẩu.

Theo các chuyên gia trong ngành tài nguyên khoáng sản, với lợi thế là tỉnh có dãy núi đá vôi lớn, việc quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên khoáng sản, thu hút các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất hiện đại, đầu tư khai thác chế biến đá lâu dài sẽ góp phần nâng cao được giá trị tài nguyên khoáng sản và nâng cao nguồn thu ngân sách từ tài nguyên khoáng sản.

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy