Chiều 22/4, Ban chỉ đạo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết Tổng điều tra kinh tế năm 2021. Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế năm 2021 của tỉnh dự, chủ trì hội nghị.
Tổng điều tra kinh tế năm 2021 bao gồm 4 loại đơn vị điều tra, đó là: Doanh nghiệp, hợp tác xã; cơ sở sản xuất cá thể; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Đây là cuộc Tổng điều tra lớn, cung cấp số liệu toàn bộ về khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ làm tiền đề quan trọng cho việc tính toán tổng sản phẩm trên địa bàn của các địa phương. Đồng thời, là căn cứ quan trọng để thực hiện thành công các nhiệm vụ lớn của Chính phủ, các Bộ ngành về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Kết quả sơ bộ của Tổng điều tra kinh tế năm 2021 đã cung cấp thông tin tương đối toàn diện và đầy đủ về thực trạng năng lực sản xuất và xu hướng phát triển của các cơ sở kinh tế, sự nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Thể hiện rõ mục tiêu tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, đẩy mạnh thu hút các dự án công nghiệp hiện đại, hiệu quả cao. Thực hiện hiệu quả chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; củng cố hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ gắn với tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp.
Qua Tổng điều tra kinh tế năm 2021 khẳng định Hà Nam là địa phương thực hiện tốt công tác thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Hiện có 240 doanh nghiệp FDI đang hoạt động, tăng 143 doanh nghiệp so với năm 2016 (tốc độ tăng số doanh nghiệp FDI bình quân năm của tỉnh đạt 19,9%, cả nước đạt 12,2%). Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 quốc gia có số dự án FDI chiếm chủ đạo, thể hiện rõ nét kết quả về cơ chế chính sách và chương trình xúc tiến đầu tư nổi trội của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về thu hút đầu tư nói chung và thu hút FDI nói riêng…
Tuy nhiên, Tổng điều tra kinh tế năm 2021 cho thấy rõ còn không ít khó khăn, hạn chế. Đó là, số lượng cơ sở kinh tế chỉ tăng bình quân năm đạt 0,8%, xu thế chững lại những năm gần đây; quy mô cơ sở kinh tế của tỉnh còn nhỏ, nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm 86,93%. Doanh nghiệp quy mô vừa 7,85%, doanh nghiệp quy mô lớn 5,22%; số hợp tác xã của tỉnh tăng chưa nhiều so với Tổng điều tra năm 2017 (tăng 23 đơn vị, bằng 12,85%) và tổng số lao động cơ bản không biến động…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao kết quả đã đạt được của Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên địa bàn. Để phát huy tốt kết quả của cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 Cục Thống kê tỉnh cần tiếp tục xử lý, tổng hợp, so sánh, đối chiếu số liệu với kỳ Tổng điều tra trước; khẩn trương biên soạn đầy đủ, toàn diện kết quả sản xuất, kinh doanh của các cơ sở kinh tế. Trong đó, trọng tâm là kết quả hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo đúng kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương; đảm bảo độ chính xác, tin cậy cao của số liệu Tổng điều tra kinh tế năm 2021 của tỉnh; cung cấp, phổ biến số liệu kịp thời đến lãnh đạo các cấp và các đối tượng sử dụng thông tin theo quy định pháp luật.
Các sở, ngành, huyện, thành phố, thị xã thống nhất sử dụng số liệu từ cuộc Tổng điều tra kinh tế 2021 làm căn cứ đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và từng địa phương. Các cơ quan thông tin, tuyên truyền tích cực phối hợp với Cục Thống kê tỉnh để tuyên truyền, phổ biến kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021 đến đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh…
Tại hội nghị, 7 tập thể, 32 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Tổng điều tra kinh tế năm 2021 đã được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Mạnh Hùng