Khó xử lý hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) vẫn diễn ra phổ biến, nhất là ở các vùng nông thôn. Mặc dù các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực kiểm tra, kiểm soát, phát hiện nhiều vi phạm nhưng việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Theo các ngành chức năng, hiện nay, hầu hết những hàng hóa  có thương hiệu, uy tín trên thị trường đều có hàng giả, hàng nhái. Hàng giả, hàng kém chất lượng tồn tại phổ biến hơn ở các cửa hàng vùng nông thôn và được bày bán công khai, xen lẫn với hàng hóa có chất lượng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Trong năm 2018, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra, xử lý gần 2.500 vụ vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, số vụ vi phạm về hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ chỉ chiếm xấp xỉ 1%.

Trong đợt ra quân kiểm tra cuối năm 2018, lực lượng QLTT đã phát hiện, tịch thu nhiều mặt hàng làm giả, nhái, vi phạm quyền SHTT.

Theo ông Đinh Văn Dương, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, số vụ vi phạm về quyền SHTT bị xử lý chưa nói lên được một phần thực tế hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT trên địa bàn hiện nay.

Qua kiểm tra, lực lượng QLTT đã phát hiện và nghi ngờ rất nhiều sản phẩm làm giả, làm nhái, vi phạm quyền SHTT, xảy ra với mọi loại hàng hóa, từ hàng tiêu dùng thông thường đến các loại hàng hóa có giá trị cao, phổ biến là vi phạm sở hữu công nghiệp, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, vi phạm các quy định về nhãn hiệu, giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng…

Để hạn chế tình trạng kinh doanh hàng giả, vi phạm SHTT, thời gian qua, lực lượng QLTT đã chú trọng thực hiện 2 nhóm nội dung: kiểm tra thị trường, tịch thu, xử lý hành chính các vụ vi phạm và kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức đối với các cơ sở kinh doanh trong hoạt động thương mại.

Dù sai phạm ở lĩnh vực này vẫn còn nhức nhối nhưng Cục QLTT tỉnh cũng thừa nhận, việc phát hiện, xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Bởi để xác định và xử lý vi phạm về hàng giả, kém chất lượng phải có nhiều yếu tố, trong đó trước tiên là phải tiến hành lấy mẫu để kiểm định, đối chứng và có giám định kết luận hàng giả.

Để làm được điều này cần nhiều kinh phí, thời gian và sự tham gia phối hợp của doanh nghiệp có hàng hóa bị xâm phạm. Thế nhưng, hầu hết các doanh nghiệp, cá nhân có hàng hóa bị xâm phạm lại thờ ơ, thiếu quan tâm, phối hợp trong quá trình trao đổi thông tin, đấu tranh, bắt giữ và xử lý xâm phạm để bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của mình vì sợ vụ việc sẽ làm ảnh hưởng đến thương hiệu, doanh thu bán hàng. Từ đó, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc xác minh, dẫn đến việc xử lý bị quá hạn.

Bên cạnh đó, nhiều quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền SHTT, hàng giả còn chồng chéo, trùng lặp trong nhiều văn bản, khiến cơ quan thực thi lúng túng trong việc xử lý hành vi vi phạm.

Theo Thiếu tá Lê Văn Dũng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh), tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn diễn ra phổ biến là do tâm lý ham giá rẻ của người tiêu dùng. Cùng với đó, chế tài xử lý cũng chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý hành chính. Số vụ khởi tố hình sự, xử lý dân sự rất ít.

Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm, lực lượng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh kiểm tra, xử lý xấp xỉ 100 vụ sản xuất, buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT  nhưng số vụ vi phạm SHTT bị khởi tố không nhiều.

Rõ ràng, tình trạng kinh doanh hàng nhái kém chất lượng, vi phạm quyền SHTT diễn ra ngày càng phổ biến nhưng việc kiểm tra, xử lý còn rất nhiều hạn chế, vướng mắc.

Thực tế này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng và làm giảm uy tín của các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường. Vì vậy, trong công cuộc đấu tranh chống hàng giả, vi phạm SHTT, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, còn rất cần sự vào cuộc của chính người tiêu dùng và doanh nghiệp là chủ sở hữu thương hiệu.

Đối với người tiêu dùng, khi mua sản phẩm cần yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn chứng từ, thông tin nguồn gốc hàng hóa; kịp thời thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện, nghi ngờ mua phải hàng giả, nhái. Các doanh nghiệp cần chủ động phản ánh, khiếu nại với cơ quan chức năng khi thấy sản phẩm của mình bị xâm phạm.

Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm, có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi…                       

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy