Quản lý giám sát chặt chẽ nguồn nước thải ở KCN Đồng Văn

Nhiều năm gần đây, các hộ dân sinh sống dọc kênh A48 thuộc địa bàn huyện Duy Tiên và thành phố Phủ Lý bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bà con.

Người dân cho rằng, kênh A48 ô nhiễm phần lớn do nguồn xả thải ở KCN Đồng Văn gây ra. Nếu không có biện pháp xử lý triệt để, nguồn nước thải của KCN không chỉ ảnh hưởng đến người dân trong khu vực mà còn gây ô nhiễm môi trường sông Châu.

Kênh A48 thu gom nước thải từ KCN Đồng Văn và một phần nước thải khu dân cư huyện Duy Tiên và thành phố Phủ Lý trước khi đổ ra sông Châu.

Kênh A48 chạy dọc QL 1A từ KCN Đồng Văn I, II chảy qua thị trấn Đồng Văn, xã Hoàng Đông (Duy Tiên), xã Tiên Tân rồi về hồ Đình Tràng, phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý). Kênh A48 có nhiệm vụ chính là tiêu một phần nước thải cho KCN Đồng Văn, tưới tiêu cho khoảng 700 ha đất nông nghiệp và khu dân cư các xã nói trên. Nhiều năm qua, kênh A48 bị ô nhiễm trầm trọng, đặc biệt lượng rác thải, chất thải bồi lắng gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân trong khu vực. Thời kỳ cao điểm ô nhiễm, kênh A48 như một dòng sông chết, màu nước đen ngòm như nước cống, vào những ngày nắng, nước sủi bọt bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Khi mùa mưa đến, nước ở trong vùng tràn về hòa lẫn với nước kênh ô nhiễm, được tiêu thoát ra sông Châu. Trong khi đó, sông Châu lại là nơi lấy nước đầu vào cho hàng chục nhà máy nước sinh hoạt tập trung trong khu vực.

"Đấy các chú xem mặc dù mới có trận mưa nhưng kênh vẫn đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều năm rồi, người dân chúng tôi phải sống trong cảnh ô nhiễm thế này, không biết bao giờ mới thoát được. Mong Nhà nước sớm vào cuộc quản lý chặt chẽ nguồn xả thải ra kênh, đặc biệt là nguồn xả thải từ KCN Đồng Văn để cải thiện đời sống cho bà con'', bà Nguyễn Thị Mùi ở thị trấn Đồng Văn bức xúc nói.

Cũng như gia đình bà Mùi, hàng trăm hộ dân sinh sống trong khu vực rất bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường trên kênh A48. Trong tháng 3/2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý các KCN tỉnh lấy mẫu nước tại 6 điểm xả thải trên kênh A48 để phân tích làm rõ nguồn xả thải. Kết quả tại 6 điểm lấy mẫu nước xét nghiệm đều vượt tiêu chuẩn cho phép về ô nhiễm môi trường, trong đó tại khu vực miệng cống thải số 1 xả ra kênh A48 ở KCN Đồng Văn I (nước thải từ KCN) có 8/14 thông số được phân tích vượt giới hạn cho phép. Cụ thể, chỉ số BOD5 (lượng oxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn gây ra, với thời gian xử lý nước là 5 ngày ở điều kiện nhiệt độ là 20oC) vượt 66 lần; COD (lượng oxy cần thiết để oxy hoá các hợp chất hoá học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ) vượt 62,7 lần; DO (lượng oxy hoà tan trong nước cần thiết cho sự hô hấp của các sinh vật nước) thấp hơn giới hạn cho phép 4,7 lần; Fe (sắt) vượt 4,96 lần.

Như vậy, ô nhiễm môi trường trên kênh A48 chủ yếu là do nước thải từ KCN Đồng Văn I xử lý chưa bảo đảm thải ra và một phần nước thải, chất thải từ khu dân cư trong khu vực. Nguyên nhân là, do nguồn nước thải chưa thu gom được triệt để và việc xử lý chưa đạt yêu cầu. Cụ thể, đối với KCN Đồng Văn I, Công ty cổ phần cấp nước Setfil Hà Nam, cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho hơn 60 khách hàng ở KCN Đồng Văn I với sản lượng từ 2.800 - 3.000m3/ngày đêm. Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, nguồn nước xả thải của các doanh nghiệp trong KCN được tính trên cơ sở nguồn nước cấp đầu vào cho các doanh nghiệp, trong đó ít nhất phải thu được 80% so với lượng nước sạch của các doanh nghiệp sử dụng, số còn lại 20% có thể do tái sử dụng, bốc hơi, tưới cây,… Với cách tính này, một ngày, tại KCN Đồng Văn I phải thu được ít nhất 2.200 - 2.400m3 nước thải, trong khi đó Nhà máy xử lý nước thải ở KCN Đồng Văn I, chỉ có công suất xử lý 1.000 m3/ngày, thì còn lại từ 1.200 - 1.400 m3 nước thải đang bị thất thoát, chưa qua xử lý.

Từ thực tế đó, đề nghị các ngành chức năng sớm vào cuộc xác định rõ nguồn xả thải, lượng nước thải của từng doanh nghiệp, kiểm soát đường ống thu gom về nhà máy xử lý tập trung, không để tình trạng đường ống thu gom đứt gẫy, thẩm thấu nước thải ra môi trường, thu gom không triệt để, nước thải chảy lẫn vào hệ thống nước mưa… xả thải ra môi trường. Đối với doanh nghiệp quản lý Nhà máy xử lý nước thải của KCN Đồng Văn I cũng cần nhanh chóng nâng công suất của nhà máy để đáp ứng nhu cầu xả thải của các doanh nghiệp, tránh tình trạng thời gian gần đây để nguồn nước thải không thu gom kịp, tràn cả lên mặt đường.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy