Môi trường khu vực Tây Đáy vẫn chưa được cải thiện

Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến cuối năm 2016, khu vực Tây Đáy thuộc huyện Thanh Liêm và Kim Bảng có 73 doanh nghiệp, đơn vị được cấp phép khai thác đá với 79 mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường.

Dây chuyền khai thác đá của Công ty cổ phần Nam Hà ở huyện Thanh Liêm.

Nhằm bảo vệ môi trường vùng Tây Đáy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục rà soát, chấn chỉnh quá trình hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp, từng bước đưa hoạt động khai thác khoáng sản đi vào nền nếp, gắn khai thác tài nguyên khoáng sản với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai thực hiện, đến nay, môi trường ở khu vực Tây Đáy vẫn chưa được cải thiện, ô nhiễm môi trường tác động đến đời sống dân sinh.

Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến cuối năm 2016, khu vực Tây Đáy thuộc huyện Thanh Liêm và Kim Bảng có 73 doanh nghiệp, đơn vị được cấp phép khai thác đá với 79 mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường. Khu vực Tây Đáy còn có 6 doanh nghiệp với 11 dây chuyền sản xuất xi măng công nghệ lò quay, có tổng công suất thiết kế 21 triệu tấn xi măng/năm với công suất hiện tại đạt khoảng 6,6 triệu tấn/năm; 38 dự án chế biến khoáng sản (trong đó có 8 dự án mới có chủ trương đầu tư). Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng ở khu vực Tây Đáy đóng góp tích cực cho ngành vật liệu xây dựng, thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng. Tuy nhiên, khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng ở khu vực Tây Đáy cũng gây không ít hệ lụy về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh. Nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy là khói bụi của các nhà máy xi măng; khói bụi từ các cơ sở khai thác chế biến đá; bụi từ xe chở quá tải chạy rơi vãi vật liệu xây dựng trên đường. 

Kết quả quan trắc môi trường của Trung tâm Quan trắc phân tích Tài nguyên và Môi trường Hà Nam, nồng độ bụi ở một số khu vực phía Tây sông Đáy, khu vực thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm) vượt quy chuẩn cho phép từ 1,04 - 2,2 lần, trong đó nồng độ bụi tại La Mát - thị trấn Kiện Khê vượt quy chuẩn cao nhất là 2,2 lần, tiếng ồn ở một số thời điểm tại khu vực cầu Bồng Lạng vượt quy chuẩn cao nhất là 1,11 lần so với quy chuẩn cho phép.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quyết Thành, Chủ tịch UBND thị trấn Kiện Khê cho biết: Ô nhiễm môi trường ở thị trấn mấy năm trở lại đây chưa được cải thiện nhiều, trong đó nguồn xả thải chính là các nhà máy xi măng, khói bụi từ các cơ sở chế biến đá, lò nung vôi, bụi từ xe chở vật liệu xây dựng quá tải không che phủ bạt chạy nườm nượp suốt ngày, đêm.

"Nếu như các nhà máy xi măng vận hành hệ thống lọc bụi được khoảng 70% công suất thì dân chúng tôi đỡ khổ. Đằng này cứ kiểm tra thì cho hoạt động, còn không thì xả trộm. Ngày nắng mà ở Kiện Khê như có sương mù. Tôi đã có gần 10 năm làm ở một nhà máy xi măng trong tỉnh tôi biết, nếu như chạy hệ thống lọc bụi liên tục một tháng, một nhà máy xi măng bình thường cũng phải mất khoảng 500 - 600 triệu đồng tiền điện, vì vậy họ tắt hệ thống lọc bụi là điều đương nhiên. Đấy là chưa kể đầu tư một hệ thống lọc bụi hoàn chỉnh chi phí quá tốn kém'' - ông Thành khẳng định.

Hệ lụy ô nhiễm môi trường gây ra hậu quả nghiêm trọng. Theo tổng hợp của thị trấn Kiện Khê từ năm 2016 trở lại đây, địa phương có 100 người mắc bệnh nặng về đường hô hấp và ung thư.

Cũng như thị trấn Kiện Khê, các xã trong vùng Tây Đáy kiến nghị: Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải của các cơ sở khai thác chế biến đá, kiên quyết xử lý, thậm trí đóng cửa mỏ đối với các cơ sở cố tình không thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Đối với các nhà máy xi măng cần có giải pháp lắp đặt quan trắc tự động hệ thống xả thải, công khai chỉ số xả thải trước nhân dân. Đối với các cơ sở khai thác chế biến đá, phải đầu tư hệ thống phun sương và thường xuyên có sự giám sát của các cơ quan chức năng. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông cần kiên quyết xử lý xe quá tải, quá khổ gây ô nhiễm môi trường. Ngoài các giải pháp trên, thì việc xóa bỏ cầu cảng tự phát và nhanh chóng đưa cầu cảng mới vào hoạt động cũng cần được khẩn trương thực hiện. Có như vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực Tây Đáy  mới mong được khắc phục.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy