Sau 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các chương trình tín dụng chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, là trụ cột quan trọng trong công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Xung quanh nội dung này, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Kim Dung, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh.
P.V: Tín dụng chính sách giai đoạn 2002 – 2022 ngày càng phát triển, khẳng định vai trò, hiệu quả đối với đời sống, nhất là ở các vùng nông thôn. Vậy để tín dụng chính sách đến được với các hộ nghèo và đối tượng chính sách, NHCSXH đã phối hợp với các cấp, ngành triển khai thực hiện các chương trình cho vay vốn như thế nào, thưa bà?
Bà Lê Thị Kim Dung: Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành liên quan, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và sự chỉ đạo sát sao của Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban lãnh đạo NHCSXH, cùng nỗ lực của toàn Chi nhánh NHCSXH tỉnh, hoạt động tín dụng chính sách ở tỉnh ta đã đạt kết quả khá toàn diện. Với phương thức cho vay trực tiếp ủy thác một số nội dung qua các hội: phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, NHCSXH đã phối hợp thực hiện tốt các chương trình. Thường xuyên phối hợp với UBND cấp xã rà soát, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn (TTK&VV).
Đến nay, toàn tỉnh có 1.378 tổ; trong đó tổ xếp loại tốt chiếm 95,36%, tổ xếp loại khá chiếm 3,19% và không có tổ yếu kém. Mạng lưới TTK&VV được khẳng định là “cánh tay” nối dài của ngân hàng, các hội đoàn thể, chính quyền cơ sở trong rà soát nhu cầu vay vốn, bình xét cho vay bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng và giám sát, đôn đốc thu nợ. Chính vì thế, các chương trình tín dụng chính sách luôn có sự đồng thuận của các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân và mang lại hiệu quả tích cực. Đến ngày 31/7/2022, dư nợ ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội đạt hơn 2.526 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 99,13% tổng dư nợ với 46.545 hộ vay vốn và nợ quá hạn chiếm 0,12% dư nợ ủy thác.
Cùng với đó, NHCSXH phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn duy trì hoạt động hiệu quả tại điểm giao dịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Hằng tháng, cán bộ, nhân viên ngân hàng họp với tổ trưởng TTK&VV, các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác để trao đổi nghiệp vụ, đối chiếu dư nợ tiền vay, tiền gửi, triển khai các chủ trương, chính sách, văn bản mới. Cũng tại điểm giao dịch, người dân được tiếp cận thông tin về huy động vốn, các chương trình tín dụng chính sách, danh sách hộ vay vốn tại địa phương.
P.V: Xin bà cho biết kết quả nổi bật trong 20 năm thực hiện chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở tỉnh ta?
Bà Lê Thị Kim Dung: Đến ngày 31/7/2022, NHCSXH có tổng nguồn vốn hơn 2.555 triệu đồng, gấp 19,33 lần so với năm 2002. Cơ cấu nguồn vốn tăng dần tỷ trọng vốn tại địa phương và giảm dần tỷ trọng nguồn vốn từ Trung ương. Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 20/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến nay nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đã tăng 10,67 lần.
Từ chương trình tín dụng chính sách đến nay trên địa bàn tỉnh thực hiện 12 chương trình và cho vay được mở rộng, doanh số cho vay đến ngày 31/7/2022 đạt hơn 8.309 triệu đồng với 417.376 lượt hộ vay. Tổng dư nợ đạt hơn 2.548 triệu đồng với 46.667 hộ vay vốn, gấp 19,71 lần so với năm 2002; bình quân dư nợ 1 đơn vị cấp huyện đạt trên 424 tỷ đồng, 1 đơn vị cấp xã đạt trên 23 tỷ đồng, 1 TTK&VV đạt trên 1,8 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân 16,87%/năm. Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo ban đại diện HĐQT – NHCSXH các cấp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ từng giai đoạn. Trong đó, trọng tâm là đối chiếu, xử lý những tồn tại, nhờ đó tỷ lệ thu hồi vốn trên doanh số cho vay trong giai đoạn này đạt 99,94%, tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 1,1% năm 2002 xuống còn 0,12%.
P.V: Vậy, trong quá trình hoạt động tín dụng chính sách có gặp những khó khăn gì không, thưa bà?
Bà Lê Thị Kim Dung: Khó khăn, tồn tại hiện nay là nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm còn hạn chế, chiếm khoảng 15% tổng dư nợ; tỷ trọng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương mặc dù tăng, song so với mức bình quân chung toàn quốc cũng như khu vực còn ở mức thấp. Thêm nữa, những năm gần đây dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân, nhưng người có thu nhập thấp, hộ có mức sống trung bình chưa thuộc đối tượng vay vốn ưu đãi. Mức cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là 10 triệu đồng/công trình là chưa phù hợp. Hơn nữa, các hộ dân ở khu vực phường, thị trấn không thuộc đối tượng vay vốn chương trình này.
Về chất lượng tín dụng tại một số TTK&VV chưa cao, toàn tỉnh hiện còn 45/109 xã với 94/1.378 tổ có nợ quá hạn, một số hội đoàn thể cơ sở, tổ chưa quản lý tốt tổ viên, chưa thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, đôn đốc thành viên sử dụng vốn vay đúng mục đích; một số hộ chuyển đi khỏi nơi cư trú trong khi chưa hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, gây khó khăn cho việc thu hồi gốc, lãi và phát sinh nợ xấu.
P.V: Để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, theo bà trong thời gian tới cần tập trung những giải pháp gì?
Bà Lê Thị Kim Dung: Mục tiêu dư nợ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt từ 9 - 12% và hoàn thành 100% kế hoạch huy động vốn, kế hoạch tăng trưởng tín dụng; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,15% và nguồn vốn ngân sách địa phương tăng bằng mức bình quân của toàn quốc. Để đạt được mục tiêu đề ra, NHCSXH tỉnh tham mưu UBND tỉnh sớm phê duyệt các đề án, cơ chế, chính sách về tín dụng chính sách, hằng năm cân đối, ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay; chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách và tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát; chỉ đạo UBND cấp xã nâng cao vai trò, trách nhiệm của trưởng thôn, tổ trưởng dân phố trong quản lý vốn, điều tra, rà soát hộ đủ điều kiện vay vốn. Về phía chi nhánh nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động và phối hợp với các cấp, ngành triển khai lồng ghép có hiệu quả tín dụng chính sách với các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng với đó, đề nghị NHCSXH Việt Nam tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho chi nhánh hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được giao; bố trí nguồn vốn tăng, đặc biệt là vốn hỗ trợ tạo việc làm, cho vay nhà ở xã hội; hỗ trợ đối ứng nguồn vốn cao hơn khi thực hiện các đề án của tỉnh, Trung ương, đáp ứng nhu cầu vay của đối tượng thụ hưởng. Thực hiện phối hợp triển khai tốt các biện pháp trên góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giai đoạn 2022 – 2025 của tỉnh còn 3,69% và tỷ lệ hộ cận nghèo 3,53%.
P.V: Xin cảm ơn bà!
Phùng Thống