Thời gian qua, ngành thuế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử phục vụ doanh nghiệp, người nộp thuế. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích mà hóa đơn điện tử mang lại, nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở để gian lận thương mại trốn thuế. Thực tế này đang đòi hỏi ngành thuế phải tăng cường rà soát, kiểm tra hóa đơn nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước.
Để đáp ứng quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ, ngành thuế đã triển khai thành công việc áp dụng hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp, người nộp thuế, xác định đây là một trong những điểm nhấn quan trọng của quá trình chuyển đổi số ngành thuế. Qua đó, góp phần giúp tiết kiệm chi phí phát hành, lưu giữ hóa đơn cho người nộp thuế. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, tạo thuận tiện trong khâu đối chiếu, rà soát, kiểm tra việc kê khai thuế và hoàn thuế. Bên cạnh những tiện ích, việc áp dụng hóa đơn điện tử cho người nộp thuế cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành thuế trong công tác quản lý thuế. Bởi trên thực tế, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách để thực hiện các hành vi gian lận về hóa đơn như mua bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp để chiếm đoạt tiền của ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Thủ đoạn phổ biến được các đối tượng sử dụng để gian lận hóa đơn, trốn thuế là lập nhiều doanh nghiệp “ma” không có hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chỉ phục vụ mục đích mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm trục lợi. Một số đối tượng sử dụng căn cước công dân giả mạo, thuê người làm đại diện pháp luật, thành lập chuỗi doanh nghiệp trung gian, đăng ký thuế và sử dụng hóa đơn điện tử bằng hình thức qua mạng; sau đó thiết lập mạng lưới các đối tượng trung gian khai thác thông tin về các doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử để liên hệ bán trái phép hóa đơn điện tử. Để hợp thức cho hóa đơn bán ra đối với những mặt hàng yêu cầu phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc như cát, sỏi, gỗ, xăng dầu, thực phẩm…, các đối tượng làm giả con dấu của các cơ quan có thẩm quyền để thiết lập bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Khi kê khai thuế, các đối tượng kê khai đúng số liệu trên hóa đơn đầu ra đã lập nhưng kê khai khống giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào, thuế giá trị gia tăng đầu vào dẫn đến số thuế phải nộp trên tờ khai rất thấp, thậm chí không phát sinh phải nộp. Các đối tượng xuất bán hàng hóa thuộc đối tượng phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo mức thuế suất 5%, 10% nhưng không xuất hóa đơn; sau đó để hợp thức hóa kho hàng, các đối tượng tìm kiếm thông tin doanh nghiệp trên mạng xã hội và lập hóa đơn khống, trong đó ghi hàng hóa thuộc đối tượng không phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng để trốn thuế...
Trước thực trạng trên, việc kiểm soát, quản lý các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về thuế nói chung cũng như rủi ro vi phạm về hóa đơn nói riêng càng trở nên cấp thiết. Theo đó, ngay sau khi nhận được Công điện số 01 ngày 12/4/2023 của Bộ Tài chính, Chỉ thị số 01 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Cục Thuế tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống gian lận hóa đơn, thành lập tổ triển khai áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn cấp cục thuế và chi cục thuế; đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo toàn ngành tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoá đơn điện tử; tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức cá nhân hiểu và tuân thủ quy định về hóa đơn, hóa đơn điện tử; tăng cường các giải quản lý đồng bộ để ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong việc phát hành và sử dụng hóa đơn không hợp pháp; tổ chức tháng cao điểm thực hiện phòng, chống các tổ chức, cá nhân mua, bán, sử dụng hoá đơn không hợp pháp, gian lận hoàn thuế; tập hợp các hành vi vi phạm về hoá đơn đã được phát hiện qua công tác quản lý thuế, thanh tra tại địa bàn, điều tra của các cơ quan, qua các phương tiện thông tin đại chúng làm tư liệu để trao đổi, tổng kết kinh nghiệm. Cùng với đó, Cục Thuế tỉnh cũng quan tâm tổ chức tập huấn, triển khai ứng dụng quản lý rủi ro và triển khai ứng dụng đối chiếu dữ liệu hóa đơn điện tử và tờ khai giá trị gia tăng; triển khai chạy thử nghiệm chức năng “Danh sách cảnh báo sử dụng hoá đơn”, xây dựng tham số K của Tổng Cục Thuế nhằm cảnh báo người nộp thế vượt ngưỡng đáp ứng yêu cầu kiểm soát hoá đơn điện tử, ngăn chặn tình trạng xuất hoá đơn khống…
Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, công tác quản lý rủi ro hóa đơn của Cục Thuế tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt những kết quả nhất định. Cụ thể, cục đã rà soát, xác định 34 người nộp thuế rủi ro, trong đó 3 người nộp thuế thuộc đối tượng chuyển từ sử dụng hoá đơn không mã sang sử dụng hoá đơn có mã, 21 trường hợp đã thực hiện xác minh địa chỉ kinh doanh và ban hành thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; kịp thời thông báo rủi ro tới các cơ quan thuế trên toàn quốc để phối hợp xử lý theo quy định. Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh cũng đã tiến hành rà soát doanh nghiệp có giao dịch với 524 doanh nghiệp rủi ro và yêu cầu 200 doanh nghiệp giải trình liên quan đến 2.000 số hóa đơn; kết quả tổng thuế giá trị gia tăng kê khai khấu trừ do các doanh nghiệp cam kết có giao dịch thực tế chỉ đạt 35%. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện tốt công tác phối hợp, cung cấp 59 hồ sơ cho cơ quan điều tra liên quan đến lĩnh vực hóa đơn…
Để tăng cường công tác quản lý thuế, chống gian lận thương mại, ngăn chặn các hành vi gian lận thuế, trong thời gian tới, ngành thuế tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh để triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người nộp thuế về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ theo quy định; tổ chức trao đổi, tổng kết kinh nghiệm, nhận diện dấu hiệu rủi ro, vi phạm, bàn biện pháp xử lý thống nhất đối với những hành vi vi phạm mới, tinh vi, phức tạp để phổ biến trong đơn vị; thực hiện rà soát các thông tin có nội dung rao bán hóa đơn điện tử không hợp pháp tại các nền tảng không gian mạng; thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bán trái phép hóa đơn điện tử tại địa bàn quản lý; truy xuất nguồn gốc của hóa đơn điện tử rao bán để xử lý về thuế…
Nguyễn Oanh