Trước thềm Đại hội XIV của Đảng, chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy Nhà nước được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, ở một số cơ quan, đơn vị, “bệnh lãnh đạo” vẫn tồn tại như một căn bệnh mãn tính, không chỉ làm giảm sút hiệu quả công việc mà còn ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ, gây ra bức xúc trong dư luận về sự chậm trễ, kém hiệu quả.
“Bệnh lãnh đạo” là gì?
“Bệnh lãnh đạo” thực chất là những người lãnh đạo thiếu năng lực, thiếu phẩm chất, không đủ tư duy và khả năng để đưa ra những quyết sách đúng đắn, điều hành công việc hiệu quả. Những người mắc “bệnh lãnh đạo” thường thể hiện sự bảo thủ, trì trệ, thiếu quyết đoán, không chịu lắng nghe ý kiến của cấp dưới và quần chúng nhân dân. Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, những người lãnh đạo mắc bệnh chủ quan, duy ý chí, không sát dân, thiếu năng lực, không chịu học hỏi và cải tiến công tác sẽ gây hậu quả nghiêm trọng: “Làm việc phải có kế hoạch, phải chú ý đến tình hình, phải biết lắng nghe và sửa chữa những sai lầm của mình... Nếu lãnh đạo mà chỉ chăm chăm vào lợi ích cá nhân, mà không chú ý đến lợi ích của dân, của đất nước, thì dù có giỏi, có tài đến đâu cũng chẳng làm nên trò trống gì”.
Biểu hiện rõ nét của “bệnh lãnh đạo” qua 3 yếu tố: Năng lực, trách nhiệm và đạo đức. Trong đó, năng lực lãnh đạo yếu kém là biểu hiện dễ nhận thấy nhất. Những người cán bộ thiếu năng lực không thể xây dựng kế hoạch, quyết sách đúng đắn; thiếu khả năng phân tích, đánh giá tình hình; thiếu sự nhạy bén trong công tác lãnh đạo, dẫn đến tình trạng công việc trì trệ, không thực hiện được mục tiêu đề ra. Thiếu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo là một biểu hiện nghiêm trọng của “bệnh lãnh đạo”. Người cán bộ không nhận thức đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của mình, thường xuyên đùn đẩy, né tránh hoặc không chủ động giải quyết công việc; khiến công việc trì trệ, gây ra những hậu quả lâu dài cho tổ chức và xã hội.
Thực tế đã và đang cho thấy, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống không chỉ tiềm tàng ở một nơi nào đó mà nó hiện diện tại không ít nơi, không chỉ ở một vài người hay nhóm người nào đó mà đáng lo ngại là, hiện diện khá rộng và phức tạp trong một bộ phận đáng kể, nhất là đối với đội ngũ lãnh đạo. Những biểu hiện này hết sức phức tạp, tinh vi, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau; từ không giữ vững được bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực trực tiếp gây tổn hại đến vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu và uy tín chính trị của Đảng, chức năng, vai trò và trọng trách quản lý, điều hành của Nhà nước và sức mạnh của hệ thống chính trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hệ lụy của “bệnh lãnh đạo”
Những hệ lụy mà “bệnh lãnh đạo” gây ra là vô cùng lớn, không chỉ làm suy giảm hiệu quả công tác lãnh đạo mà còn gây tổn hại trực tiếp đến sự phát triển của đất nước, đánh mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Xin dẫn chứng một ví dụ: Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, từ đầu năm 2016 đến nay, có đến 8/88 trạm thu phí trên cả nước gặp phải sự phản đối của người dân, trong đó nhiều dự án bị đình trệ hoặc phải điều chỉnh do thiếu sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, sát sao từ các cấp lãnh đạo. Chính biểu hiện chủ quan, nóng vội, bảo thủ, quan liêu của “bệnh lãnh đạo” đã đưa đến quyết định sai lầm, không phù hợp thực tiễn, gây thiệt hại lớn về kinh tế, giảm sút niềm tin của nhân dân. Theo Báo cáo của Đoàn Giám sát Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm và chống lãng phí trong giai đoạn 2016-2021 cho thấy nhiều dự án đầu tư công với quyết định chậm chạp, thiếu minh bạch đã dẫn đến sai phạm, gây thất thoát gần 32.000 tỷ đồng. Những con số này phần nào phản ánh chất lượng, hiệu quả còn thấp kém của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.
Một hệ lụy khác của “bệnh lãnh đạo” là sự suy giảm niềm tin của nhân dân vào chính quyền. Những vụ án tham nhũng liên tiếp bị phanh phui đã làm dấy lên sự hoài nghi trong công chúng về sự minh bạch và trách nhiệm trong công tác lãnh đạo. Những vụ việc này không chỉ làm xói mòn niềm tin của người dân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Đảng và Nhà nước, gây bức xúc đối với nhân dân, tạo dư luận xấu trong xã hội. Bên cạnh đó, “bệnh lãnh đạo” còn gây hệ lụy lớn đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tạo “khe hở” cho tham nhũng, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước, của nhân dân.
Hiện nay, quá trình thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, “bệnh lãnh đạo” đã và đang bộc lộ những ảnh hưởng tiêu cực, gây khó khăn lớn cho tiến trình thực hiện chủ trương, biểu hiện rõ nét nhất là sự “ngại thay đổi”, thiếu quyết liệt và lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo. Điều này không chỉ làm chậm tiến độ thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy mà còn gây lãng phí nguồn lực, làm mất thời cơ “vươn mình” của cả dân tộc. Ở những thời điểm “nước sôi lửa bỏng” nhưng khi được hỏi về quá trình đã giải quyết công việc đến đâu, có đồng chí cán bộ vẫn trả lời rằng: “Chưa thấy cấp dưới trình lên”. Người lãnh đạo không chỉ đợi trình lên mà trong những hoàn cảnh cụ thể phải xắn tay vào việc. Có như vậy, việc mới nhanh, mới thông và người cán bộ mới xứng đáng là công bộc của dân.
Kiên quyết loại bỏ tình trạng “bệnh lãnh đạo” hiện nay
Để loại bỏ “bệnh lãnh đạo” trong bộ máy Nhà nước, trước hết cần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu các cấp về vai trò và trách nhiệm của bản thân. Đồng thời, người lãnh đạo phải thường xuyên tu dưỡng, tự chỉnh đốn mình, tự khép mình vào kỷ luật một cách toàn diện và triệt để, tự biết xấu hổ khi không chấp hành kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không hoàn thành nhiệm vụ và tự giác từ nhiệm, từ chức khi bản thân không xứng đáng với vị trí đảm nhiệm.
Song song với đó, cần xây dựng một đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới, trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần được thực hiện một cách có hệ thống, khoa học và hiệu quả. Các chương trình đào tạo cần gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị. Việc bồi dưỡng không chỉ chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn mà còn phải đặc biệt coi trọng rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thông qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng, những cán bộ yếu kém về năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cần được đào thải, trái lại, những người có năng lực, phẩm chất tốt cần được khuyến khích phát triển, tạo cơ hội thăng tiến.
Để giải quyết triệt để "bệnh lãnh đạo", một giải pháp then chốt là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt định kỳ và bất thường trong toàn hệ thống chính trị. Quán triệt quan điểm: Không ai, không một tổ chức nào được nằm ngoài sự kiểm tra, giám sát, kỷ luật và pháp luật. Các cơ chế kiểm tra cần được triển khai một cách chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tính khách quan và hiệu quả. Những cán bộ lãnh đạo là đảng viên hư hỏng, thoái hóa, biến chất thì một mặt, phải bị khai trừ ra khỏi Đảng; mặt khác, nhất định phải bị sa thải ra khỏi bộ máy công quyền; kết hợp chặt chẽ giữa chống “diễn biến hòa bình” với chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Cùng với đó, khắc phục tình trạng “chuyên quyền, độc đoán” và “quan liêu, xa dân” cũng là một biện pháp quan trọng trong loại bỏ “bệnh lãnh đạo”. Theo đó, cần tăng cường việc gần dân, sát dân của đội ngũ cán bộ lãnh đạo; phải thường xuyên lắng nghe, tiếp xúc và thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, từ đó kịp thời đưa ra các quyết sách sát thực tiễn, giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc trong đời sống. Lãnh đạo các cấp cần tự ý thức rõ trách nhiệm, chủ động tháo gỡ khó khăn cho người dân, nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đây chính là yếu tố quan trọng để xây dựng một bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh và thực sự phục vụ nhân dân.
Một vấn đề quan trọng, đó là thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình là một yêu cầu cấp thiết để phát hiện và khắc phục kịp thời những khuyết điểm trong công tác lãnh đạo. Đây là một trong những phương thức quan trọng để lãnh đạo các cấp nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đồng thời tự rèn luyện, nâng cao phẩm chất, năng lực lãnh đạo. Công tác phê bình và tự phê bình không chỉ giúp xây dựng đội ngũ lãnh đạo trong sạch, vững mạnh mà còn góp phần quan trọng trong việc duy trì kỷ luật, kỷ cương, gia tăng niềm tin của nhân dân về công tác lãnh đạo với Đảng, Nhà nước, góp phần phê phán, loại bỏ “bệnh lãnh đạo” hiện nay.
NGUYỄN TRỌNG TÀI, Học viện Chính trị
QĐND