Ngày 20/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga chắc chắn sẽ phản tác dụng với những người khởi xướng, gây ra sự bất ổn trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Trả lời các câu hỏi của giới truyền thông về các biện pháp tiềm năng từ nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), ông Peskov cho biết Nga đã biết về các cuộc thảo luận này.
"Những quyết định như vậy sẽ tạo ra rủi ro cho sự ổn định năng lượng quốc tế và cuối cùng sẽ gây hại cho các quốc gia áp đặt chúng", ông nhấn mạnh.
Ông Peskov đồng thời cho biết các lệnh trừng phạt sẽ kích hoạt các biện pháp đối phó từ Moskva. "Chúng tôi sẽ thực hiện mọi bước cần thiết để giảm thiểu hậu quả và bảo vệ lợi ích kinh tế của chúng tôi", ông nói.
Trước đó, ngày 19/12, Bloomberg đưa tin các quốc gia thành viên G7 đang cân nhắc các phương án tăng cường giới hạn giá dầu của Nga, bao gồm kế hoạch thay thế cơ chế này bằng lệnh cấm hoàn toàn hoạt động vận chuyển dầu thô Nga hoặc hạ ngưỡng giá từ mức 60 USD/thùng hiện tại xuống khoảng 40 USD/thùng.
Khi được các phóng viên hỏi về phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin về tên lửa siêu vượt âm Oreshnik hiện đại, người phát ngôn Điện Kremlin giải thích rằng việc Tổng thống Putin nhắc đến "cuộc đấu tay đôi" với hệ thống phòng không phương Tây là câu trả lời cho một câu hỏi cụ thể về điểm yếu của tên lửa này.
Người phát ngôn cho biết: "Tổng thống của chúng tôi đã trình bày chi tiết về cách thức hoạt động của tên lửa, nhấn mạnh đến khả năng chống lại các hệ thống phòng không hiện có".
Hôm 20/12, tại cuộc đối thoại cuối năm, Tổng thống Nga Putin đã mời các chuyên gia phương Tây thử nghiệm tên lửa bằng cách chọn mục tiêu ở Kiev, tập trung phòng không và cố gắng đánh chặn cuộc tấn công.
Ông Peskov cũng nhắc lại rằng Nga sẽ đáp trả quyết liệt bất kỳ cuộc tấn công nào vào lãnh thổ của mình thông qua vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp.
Các lệnh trừng phạt của G7 nhắm vào Nga, đặc biệt là ngành công nghiệp dầu mỏ, là một phần trong chiến lược nhằm gây áp lực kinh tế và chính trị lên Moskva sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
G7 đã áp đặt giá trần đối với dầu mỏ xuất khẩu của Nga kể từ cuối năm 2022, với mục tiêu hạn chế doanh thu Nga thu được từ năng lượng mà không gây gián đoạn nghiêm trọng trên thị trường toàn cầu. Giá trần dầu thô được đặt ở mức 60 USD/thùng, trong khi các sản phẩm dầu tinh chế như dầu diesel, xăng cũng bị áp mức giá trần riêng biệt.
G7 cùng các nước đồng minh cấm cung cấp dịch vụ bảo hiểm, tài chính và vận chuyển cho các chuyến hàng dầu mỏ của Nga vượt quá giá trần. Điều này làm giảm khả năng Nga sử dụng tàu hoặc dịch vụ vận tải từ phương Tây để xuất khẩu dầu.
Bên cạnh đó, Mỹ, Canada và Anh đã cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ Nga. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã ngừng hầu hết các hoạt động nhập khẩu dầu mỏ qua đường biển từ Nga. Các công ty dầu khí lớn của Nga như Gazprom và Rosneft bị đưa vào danh sách trừng phạt, hạn chế khả năng tiếp cận tài chính và hoạt động quốc tế.
Nga đã tìm cách né tránh các lệnh trừng phạt này bằng cách tăng cường xuất khẩu dầu sang các thị trường thay thế như Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời sử dụng hệ thống tàu chở dầu ngoài vòng kiểm soát của phương Tây. Tuy nhiên, giá dầu trần và các lệnh trừng phạt đã khiến nguồn thu từ năng lượng của Nga giảm đáng kể.
Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố các lệnh trừng phạt này không chỉ ảnh hưởng đến Nga mà còn gây bất ổn thị trường năng lượng toàn cầu, đẩy giá dầu tăng cao và làm tổn hại các nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng.
Theo Báo Tin Tức