Quốc hội giao mục tiêu năm 2020 tăng 6,8% GDP

Sáng 11/11, Quốc hội đã chốt giao Chính phủ mục tiêu năm 2020 GDP tăng 6,8%, lạm phát kiềm chế dưới 4%.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020 sáng 11/11. Ảnh: Ngọc Thắng.

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 vừa được 88,2% đại biểu tán thành. Phần lớn các chỉ tiêu Quốc hội đặt ra không có sự thay đổi đáng kể so với năm 2019.

Thảo luận trước đó về nghị quyết này, một số đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ lý do vẫn đề xuất tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu là dưới 3%, trong khi thực tế 4 năm qua đều xuất siêu.

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết này, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, bối cảnh kinh tế, thương mại tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo tiếp tục giảm tốc. Cùng đó, xung đột thương mại giữa các nước đang xuất hiện nhiều hơn, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng.

12 chỉ tiêu kinh tế xã hội được Quốc hội 

STTCác chỉ tiêuMục tiêu (%)
1Tổng sản phẩm trong nước (GDP)6,8
2Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI)
3Tổng kim ngạch xuất khẩu7
4Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu
5Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội33-34% GDP
6

Hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều);

riêng các huyện nghèo

1-1,5

4

7Thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị
8

Lao động qua đào tạo;

Lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ

65

25

9Số giường bệnh trên một vạn dân28 giường
10Số dân tham gia bảo hiểm y tế90,7
11Khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường90
12Che phủ rừng42

Giá các mặt hàng nông, thủy sản đang trong xu hướng giảm. Hoạt động sản xuất, chế biến của một số ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu. Hơn nữa, dự kiến có dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn đầu tư vào Việt Nam trong năm 2020 để đón đầu cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu cũng như do tác động của xung đột thương mại Mỹ - Trung, kéo kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu tăng cao.

"Do vậy khả năng năm 2020 sẽ nhập siêu", ông Thanh thông tin. Vì lẽ đó cơ quan thẩm tra đề nghị Quốc hội cho giữ mục tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% để phấn đấu.

Để hoàn thành các mục tiêu này, Quốc hội đưa ra 11 nhiệm vụ yêu cầu Chính phủ thực hiện. Trước tiên là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Cũng theo Nghị quyết, Chính phủ có trách nhiệm cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phát triển thương mại cần hạn chế sự phụ thuộc vào một vài thị trường; kiên quyết xử lý chuyển giá, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hoá.

Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ, huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; đẩy nhanh tiến độ đường bộ cao tốc Bắc - Nam, giải phóng mặt bằng cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành và thực hiện các dự án giao thông quan trọng, cấp bách, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền.

Quá trình phát triển các dự án năng lượng tái tạo phải gắn với bảo vệ môi trường, nhất là với các dự án điện mặt trời. Dự án lưới truyền tải điện phát triển năng lượng tái tạo cần được đẩy nhanh thực hiện, cùng đó là hoàn thiện khung pháp lý về giá điện.

Theo VnExpress

Trương Dũng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy