Sáng 9/6, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra một số mô hình sản xuất nông nghiệp và tình hình sản xuất tại một số làng nghề, doanh nghiệp, HTX có sản phẩm được công nhận OCOP trên địa bàn 2 huyện Bình Lục và Lý Nhân. Cùng đi có đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, một số sở, ngành chức năng…
Tại huyện Bình Lục, đoàn đến thăm, kiểm tra thực tế một số hộ sản xuất sừng tại làng nghề truyền thống sừng mỹ nghệ Đô Hai, xã An Lão. Theo báo cáo của lãnh đạo địa phương, nghề sừng mỹ nghệ Đô Hai có 200 hộ sản xuất giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động. Trung bình thu nhập của lao động làng nghề từ 4 – 6 triệu đồng/người/tháng. Sau đại dịch Covid-19, làng nghề đã tập trung khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, sản phẩm sừng mỹ nghệ chưa được đa dạng mẫu mã, công tác xúc tiến thương mại, môi trường làng nghề còn hạn chế…
Tại huyện Lý Nhân, đoàn đã đến thăm, kiểm tra hộ sản xuất chuối ngự Đại Hoàng, cơ sở cá kho, thuộc xã Hòa Hậu đã được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Khê – Nhân Bình.
Theo báo cáo, hiện diện tích trồng chuối ngự tại xã Hòa Hậu có gần 30 ha, cá kho hơn 10 cơ sở sản xuất quy mô lớn từ hơn 2.500 niêu/năm trở lên. Tình hình sản xuất ổn định, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Tuy nhiên, diện tích trồng chuối ngự còn ít so với nhu cầu thực tế; đối với nghề kho cá gặp nhiều khó khăn trong việc bảo quản trong quá trình tiêu thụ….
Trên cơ sở kiểm tra, đánh giá thực tế, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các cấp chính quyền địa phương, nhất là nơi có làng nghề, làng nghề truyền thống cần quan tâm, tạo thuận lợi để các cơ sở, hộ cá thể phát triển sản xuất góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nói chung, làng nghề truyền thống nói riêng giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
Trước mắt, làng nghề cần hướng đến việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể; quan tâm mở rộng, phát triển đa dạng mẫu mã sản phẩm, gắn với các địa chỉ du lịch đã được xếp hạng tại Hà Nam; chủ động phối hợp với các ngành chức năng xây dựng thương hiệu, hệ thống dữ liệu điện tử, xúc tiến thương mại, quảng bá cho sản phẩm làng nghề.
Đối với các sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP, các địa phương cần chú trọng khuyến khích các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi; chủ động áp dụng các tiến bộ vào sản xuất nông nghiệp; tập trung phát triển sản xuất, gắn với thị trường theo hướng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và thu nhập cho người dân. Từ đó, tạo nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu…
Mạnh Hùng