Chiều 5/6, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn về Hà Nam nghiên cứu, khảo sát tiến độ triển khai thực hiện tổng kết và kết quả thực hiện Nghị quyết 26 – NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đón và làm việc với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành chức năng.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Minh Hiến đã báo cáo với Đoàn công tác kết quả thực hiện Nghị quyết. Theo đó, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, nông nghiệp, nông thôn, nông dân Hà Nam có nhiều chuyển biến tích cực; phong trào xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua việc ban hành các chương trình, đề án, tạo điều kiện cho người dân trực tiếp tham gia các chương trình, đề án, từ đó nhân rộng các mô hình có hiệu quả, từng bước góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trên tổng lao động xã hội.
Cụ thể: Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá so sánh 2010) từ 5.566,367 tỷ đồng (năm 2008), tăng lên 7.644,4 tỷ đồng năm 2017. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2015 đạt 1,82%/năm, giai đoạn 2016 – 2020 phấn đấu đạt 4%/năm. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2011 đạt 17,904 triệu đồng/người/năm tăng lên 33,3 triệu đồng/người/năm (năm 2017). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,89% năm 2008 xuống còn 3,28% năm 2017…Lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tỉnh quan tâm đầu tư. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, đồng bộ. Đến hết năm 2017 toàn tỉnh có huyện Duy Tiên, 78/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới …
Từ thực tế sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh, Hà Nam đề nghị Ban Bí thư, Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ sớm cho phép tỉnh thực hiện Đề án thí điểm cơ chế tích tụ, tập trung đất đai phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn giai đoạn 2016 – 2020.
Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận những chuyển biến tích cực trong nông nghiệp, nông thôn Hà Nam.
Tại hội nghị các thành viên trong Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đề nghị tỉnh làm rõ một số vấn đề đó là: Đánh giá về tính đúng đắn của Nghị quyết và những quan điểm lớn được nêu trong Nghị quyết? Đánh giá việc thực hiện xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại? Nguồn lực xây dựng nông thôn mới đáp ứng được bao nhiêu phần trăm yêu cầu xây dựng nông thôn mới? Vấn đề phát triển ổn định, bền vững trong nông nghiệp? Đào tạo nghề cho lao động thôn? Định hướng trong thời gian tới của tỉnh trong thực hiện Nghị quyết khi tỷ lệ lao động nông nghiệp trên tổng lao động giảm? …
Sau khi nghe ý kiến của Đoàn công tác, đại diện lãnh đạo các sở ngành, đại diện lãnh đạo tỉnh đã trả lời cụ thể vào từng nội dung câu hỏi. Đặc biệt nhấn mạnh những việc làm, đưa ra con số cụ thể đã đạt được trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết từ thực tiễn ở cơ sở.
Phát biểu tại hội nghị đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Thực hiện Nghị quyết 26 – NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Nam đã đạt được một số mục tiêu cụ thể về thu nhập, tăng trưởng, xây dựng nông thôn mới ... Tuy nhiên, công nghiệp nông nghiệp ở Hà Nam mới chỉ dừng ở cơ giới hóa. Tỉnh mới đang tập trung triển khai sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong nông nghiệp, nông thôn vẫn còn trăn trở về vấn đề ô nhiễm môi trường; các dịch vụ trong nông nghiệp có được cải thiện, nhưng còn nhiều băn khoăn về tính bền vững. Đầu ra cho các sản phẩm còn nhiều khó khăn …
Đồng chí Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Thời gian tới, tỉnh xác định, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn là chiến lược hàng đầu. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26 – NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Phát biểu kết luận tại hội nghị đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, thời gian qua, Hà Nam đã triển khai nghiêm túc, quyết liệt Nghị quyết 26 – NQ/TW của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo được sự thống nhất về nhận thức trong toàn Đảng bộ và nhân dân. Từ nhận thức đúng đắn, Đảng bộ, chính quyền các cấp đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, liên tục giúp nông nghiệp, nông thôn Hà Nam có sự chuyển biến tích cực. Sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Trong giai đoạn mới, sẽ có những mục tiêu mới, vì vậy nhiệm vụ và giải pháp sẽ có những điều chỉnh. Tỉnh cần tiếp tục nhận thức đúng về vai trò của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Cùng với đó, làm tốt công tác quy hoạch, chú trọng tới sự kết nối theo vùng. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng…
P.H (ảnh: Thế Trang)
Phạm Hiền, Thế Trang