Xã Thanh Hà (Thanh Liêm) có tổng diện tích gieo cấy lúa xuân 430 ha, trong đó lúa gieo thẳng chiếm 93%. Như vậy, chỉ những vùng đất quá trũng mới được người dân cấy lúa theo phương pháp truyền thống. Vì thế, đòi hỏi công tác phục vụ tưới, tiêu của HTXDVNN phải đáp ứng yêu cầu của lúa gieo thẳng.
Ông Lại Văn Tâm, Giám đốc HTXDVNN Thanh Hà cho biết: Những năm gần đây, người dân địa phương luôn duy trì sản xuất lúa gieo thẳng lên đến trên 90% diện tích. Do vậy, công tác thuỷ lợi, trong đó nước tưới đòi hỏi khắt khe hơn, nhất là giai đoạn đầu vụ.
Được biết, xã Thanh Hà tuy có diện tích đất lúa khá lớn, nhưng lại nằm ở cuối nguồn tưới, tiêu của hệ thống thủy lợi. Do vậy, việc phục vụ sản xuất luôn gặp nhiều khó khăn, nhất là vụ lúa xuân 2020 đang được dự báo thiếu nguồn nước tưới. Để đáp ứng yêu cầu tưới tiêu cho diện tích lúa gieo thẳng, HTXDVNN Thanh Hà đã sớm xây dựng kế hoạch và triển khai công tác chuẩn bị. Theo đó, toàn bộ các tuyến kênh mương bị bồi lắng, ách tắc trên địa bàn được nạo vét, giải tỏa. Khi diện tích đất có nước đổ ải là bố trí máy cày làm đất ngay tránh thất thoát nước. Hội đồng quản trị HTX chỉ đạo các thôn, đội sản xuất khi rút nước gieo sạ phải giữ nước trên kênh, ao, đầm để có nguồn bơm trở lại dưỡng cho lúa. Cũng theo ông Lại Văn Tâm, trong quá trình sản xuất HTX sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cơ sở bảo đảm tốt việc tưới, tiêu, không để tình trạng thiếu nước giai đoạn đầu phát triển của lúa gieo thẳng.
Cũng như Thanh Hà, các HTXDVNN khác của huyện Thanh Liêm đều xây dựng phương án tưới, tiêu cho sản xuất vụ lúa xuân 2020 trong điều kiện thiếu nguồn tưới. Trong đó, biện pháp tiết kiệm và giữ nước trên hệ thống kênh mương sau khi rút kiệt trên mặt ruộng cho gieo sạ đều được các HTX thực hiện. Như tại HTX Thanh Phong trong đợt làm thủy lợi nội đồng cùng với việc nạo vét, bờ kênh ở những điểm xung yếu được gia cố chắc chắn. Hệ thống cống, đập, nhất là cánh cống được duy tu, bảo dưỡng bảo đảm việc giữ nước tốt trên kênh khi được tháo từ ruộng xuống...
Ông Cao Xuân Ngữ, Giám đốc HTXDVNN Liêm Phong cho biết: Với diện tích gieo thẳng lớn việc điều tiết và phục vụ đủ nước cho từng giai đoạn sản xuất của cây lúa rất cần thiết. Để bảo đảm nguồn nước tưới, chúng tôi thực hiện chặt chẽ công tác tưới, tiêu từ HTX đến các thôn và hộ sản xuất, nhất là hạn chế tối đa thất thoát nước tưới cho mùa vụ.
Vụ xuân 2020 huyện Thanh Liêm có kế hoạch gieo cấy 6.050 ha lúa, phấn đấu năng suất lúa đạt 66,7 tạ/ha. Do đặc thù đồng đất trũng, cốt đất không đều và khó khăn về nước tưới, huyện đặt ra mục tiêu lúa gieo thẳng là 3.050 ha, chiếm hơn 50% diện tích. Tuy nhiên, thực tế diện tích lúa gieo thẳng của huyện vụ xuân sẽ tăng lên rất nhiều, dự tính tương đương với các vụ xuân trước, đạt trên 90%. Nguyên nhân diện tích lúa gieo thẳng được mở rộng do thiếu lao động thời vụ cho sản xuất. Hiện nay, phần lớn lao động trẻ đều đi làm công nhân cho các doanh nghiệp trong và ngoài huyện có nguồn thu nhập cao và ổn định. Do vậy, sản xuất nông nghiệp của huyện chủ yếu là lao động cao tuổi. Ngày công cấy thuê trên địa bàn rất cao, từ 250 – 300 nghìn đồng/ngày…
Để bảo đảm sản xuất vụ lúa xuân 2020 trong điều kiện khó khăn về nước tưới giai đoạn đầu vụ, huyện Thanh Liêm đã chỉ đạo các xã tổ chức gieo thẳng lúa xuân ở những chân ruộng chủ động tưới, tiêu. Đồng thời, các HTXDVNN có kế hoạch cụ thể chủ động phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ được tình trạng thiếu nước cũng như không mở rộng diện tích lúa gieo thẳng ở những chân đất không phù hợp. Với những vùng không nằm trong quy hoạch sản xuất lúa gieo thẳng, các hộ cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu gặp rủi ro do tình trạng thiếu nước tưới xảy ra.
Hiện nay, công tác chuẩn bị cho sản xuất vụ lúa xuân 2020 tại Thanh Liêm đang được tích cực triển khai. Một phần diện tích đất cấy được lấy nước và đang tiến hành bừa dầm. Các xã, HTXDVNN phấn đấu bảo đảm việc gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ.
Mạnh Hùng
Mạnh Hùng