Hiện nay, ở Hà Nam có 33.405 ha chuyên trồng lúa. Lúa là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2019, tổng sản lượng lúa đạt 385.797 tấn- một con số không hề nhỏ và có thể tạo ra được giá trị lớn hơn nếu hạt thóc được đưa vào chuỗi giá trị.
Năm 2016, anh Vũ Anh Tuấn (HTX Liên An, Tràng An, Bình Lục) bắt đầu tập trung ruộng đất sản xuất lúa theo hướng liên kết. Những năm đầu, anh Tuấn sản xuất lúa Nhật và Khang dân 18. Kể từ năm 2018 đến nay, anh Tuấn liên kết với một doanh nghiệp sản xuất lúa Huyết Rồng và Phúc Thọ với tổng diện tích 25 ha. Đây là những giống lúa thường dành cho những người ăn kiêng, có hàm lượng đường thấp nên giá trị gạo thương phẩm cao. Một kg lúa Huyết Rồng tươi bán tại ruộng giá 12.000 đồng, lúa Phúc Thọ 11.000 đồng.
Anh Tuấn khẳng định: Liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa chất lượng là giải pháp an toàn đối với nông dân. Bởi, nông dân được cung ứng giống, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật và được thu mua sản phẩm tươi nên giá trị hạt thóc được nâng lên và ổn định rất nhiều so với không liên kết.
Mới đây, anh Vũ Anh Tuấn nhận được thông tin từ phía doanh nghiệp, trong vụ xuân 2020, diện tích mà doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa Huyết Rồng sẽ giảm xuống, khả năng chỉ còn từ 5 - 10 ha thay vì 15 ha như những vụ trước. Điều này làm anh Tuấn rất lo lắng. Bởi, nếu bây giờ chuyển sang sản xuất giống lúa khác sẽ phải mất thời gian, chi phí cải tạo đất, hoặc để ruộng không cấy mới xử lý hết lượng thóc còn tồn dư tại đồng ruộng. Thiệt hại về kinh tế đều có thể tính được.
Anh Tuấn phân trần: Vấn đề là doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng liên kết từng năm mà không ký nhiều năm. Doanh nghiệp hoàn toàn quyết định trong việc thu mua, không thu mua nếu thóc không đạt chất lượng theo yêu cầu, hoặc giảm diện tích liên kết sản xuất từng vụ. Biết vậy, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác vì nếu không liên kết, với sản lượng thóc lớn như vậy, không thể cất đi, dự trữ.
Chọn được một doanh nghiệp gắn bó lâu dài với nông dân trong thời điểm này là rất khó khăn. Bản thân anh Tuấn đã có năm bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng chỉ sau một trận mưa. Doanh nghiệp từ chối thu mua vì cho rằng hạt thóc bị ngập nước, chất lượng bị giảm. Những rủi ro này không được doanh nghiệp chia sẻ trong hợp đồng kinh tế giữa hai bên. Khi ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, nhiều nông dân và HTX đều biết những điều khoản doanh nghiệp đưa ra nhằm bảo đảm lợi ích của họ, cũng như việc nông dân, HTX phải đơn phương chấp nhận thiệt thòi nếu bị rủi ro do thiên tai.
Đồng quan điểm này với chúng tôi, bà Đỗ Thị Thanh Nga, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Liêm khẳng định: Liên kết trong sản xuất lúa là giải pháp hiệu quả để nâng cao giá trị hạt thóc. Tuy vậy, có không ít doanh nghiệp không muốn gắn bó lâu dài với nông dân. Những doanh nghiệp muốn làm ăn lâu dài họ có thể chia sẻ lợi ích với nông dân, cho nông dân trả chậm chi phí mua vật tư nông nghiệp mà doanh nghiệp cung ứng, hoặc điều chỉnh giá thu mua thóc trong hợp đồng cho phù hợp với giá thóc trên thị trường tại thời điểm thu hoạch. Điểm yếu trong liên kết sản xuất lúa hiện nay chính là vị thế của HTX/nông dân thấp hơn nhiều so với đối tác. Doanh nghiệp sẽ chọn lựa đối tác có năng lực tổ chức sản xuất tốt, đáp ứng yêu cầu của họ. Nếu nông dân và HTX không nâng cao được vị thế của mình thì rất khó có thể tạo sự bình đẳng trong lựa chọn đối tác.
Thanh Liêm là địa phương duy trì tốt các mô hình liên kết trong sản xuất lúa không chỉ ở mô hình cánh đồng mẫu. Có vụ, diện tích lúa liên kết sản xuất lên tới hàng ngàn hec-ta. Các giống lúa được liên kết sản xuất như: Ải 32, HDT 10, KD18, Bắc thơm số 7... Trong vụ mùa 2019, nhiều xã như: Thanh Tâm, Liêm Sơn, Thanh Hải, Thanh Hương, Liêm Phong đã duy trì và mở rộng diện tích liên kết. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy, chưa có một HTX nào khẳng định được thế mạnh trong lựa chọn đối tác liên kết và có thể duy trì ổn định những liên kết đang có.
Thực tế, việc liên kết sản xuất lúa với doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có nhu cầu thị trường lúa, gạo. Các doanh nghiệp đều có chiến lược, kế hoạch thu mua, sản xuất lúa gạo. Nhưng với nông dân và các HTX không chủ động được kế hoạch sản xuất của mình. Một phần do diện tích sản xuất quy mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết ngang, phần khác thói quen và tập quán canh tác của nông dân/HTX chậm thay đổi so với kinh tế thị trường nên khó nâng cao vị thế trong chọn đối tác liên kết sản xuất.
Công ty cổ phần Lương thực Hà Nam Ninh là một trong số các doanh nghiệp đang thu mua lúa ở tỉnh, đặt điểm thu mua tại huyện Thanh Liêm, Bình Lục và Kim Bảng. Công ty thu mua lúa gạo trực tiếp từ nông dân để chế biến gạo xuất khẩu cung ứng cho Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Hiệp hội lương thực Việt Nam và xuất khẩu đi một số nước. Chủng loại gạo doanh nghiệp thu mua khá đa dạng: Bắc thơm, Tạp giao, Khang dân… Gạo đạt tiêu chuẩn sẽ được xuất khẩu và nhập kho dự trữ quốc gia.
Ngoài Hà Nam, công ty còn thu mua thóc ở nhiều tỉnh khác với tổng sản lượng thu mua mỗi năm từ 80 - 100 nghìn tấn thóc. Cũng như các doanh nghiệp khác, để liên kết lâu dài với Công ty cổ phần Lương thực Hà Nam Ninh trong sản xuất lúa gạo, yếu tố quan trọng nhất là nông dân và các HTX phải đáp ứng được yêu cầu chất lượng sản phẩm, theo các tiêu chí đánh giá: tỷ lệ tấm, thủy phần, bạc bụng, bóng, tạp chất, màu sắc tự nhiên…
Hiện nay, ở Hà Nam có 33.405 ha chuyên trồng lúa. Lúa là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2019, tổng sản lượng lúa đạt 385.797 tấn- một con số không hề nhỏ và có thể tạo ra được giá trị lớn hơn nếu hạt thóc được đưa vào chuỗi giá trị.
Bích Huệ
Bích Huệ