Tăng cường liên kết sản xuất lúa hàng hóa

Vụ xuân 2024, thị xã Duy Tiên có diện tích gieo cấy 3.250 ha, tập trung chính ở trên 50% số xã, phường còn nhiều diện tích đất nông nghiệp, sản lượng thóc phấn đấu đạt trên 22,3 nghìn tấn. Khi xây dựng kế hoạch sản xuất, các địa phương đều hướng đến sản xuất hàng hóa. Cụ thể, các giống lúa chất lượng đang được người tiêu dùng ưa chuộng chiếm hơn 50% diện tích, như: Bắc thơm số 7, LT2, Hương thơm số 1… Những nơi có diện tích lớn, diện tích gieo cấy lúa chất lượng được xây dựng kế hoạch đều vượt 55% diện tích, như: Phường Châu Giang, xã Mộc Bắc, Tiên Sơn, Tiên Ngoại…

Được biết, lượng thóc sản xuất ra phục vụ nhu cầu lương thực cho cả người dân tại những vùng không còn ruộng cấy và phục vụ các bếp ăn tập thể, công nhân của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã. Ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên cho biết: Sản xuất vụ lúa của thị xã luôn được xác định bảo đảm nguồn cung lương thực cho cả khu vực đô thị, công nghiệp trên địa bàn. Do vậy, phòng tham mưu với UBND thị xã chỉ đạo tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa bằng những giống lúa chất lượng.

Sản xuất vụ lúa xuân 2024 theo hướng hàng hóa cũng đang được các địa phương trong tỉnh triển khai. Tại huyện Thanh Liêm vụ xuân này có diện tích gieo cấy 6.600 ha, trong đó gần 2.500 ha được áp dụng phương pháp lúa cấy máy. Toàn bộ diện tích lúa cấy máy đều được các địa phương quy hoạch gọn vùng và sản xuất cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc tạo ra lượng sản phẩm hàng hóa lớn. Những diện tích này cũng được các doanh nghiệp, đại lý về thu mua do đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng.

Tại huyện Bình Lục, sản xuất lúa theo hướng hàng hóa được thể hiện rõ nét qua việc các địa phương tiếp tục duy trì 66 mô hình sản xuất lúa hàng hóa có tổng diện tích 660 ha, liên kết với 9 doanh nghiệp. Huyện đặt ra yêu cầu, mỗi xã xây dựng ít nhất 1 mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng có diện tích từ 20 ha. Những giống lúa được lựa chọn trong vùng quy hoạch sản xuất hàng hóa liên kết với doanh nghiệp, như: Khang dân 18, LT2, dòng lúa Nhật Japonica chất lượng… Trên địa bàn huyện đang duy trì hiệu quả mô hình sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ tại HTXDVNN La Sơn có diện tích 10 ha. Ngoài ra, tại xã La Sơn đã xây dựng được một số cánh đồng cấy lúa theo hướng hàng hóa cung cấp cho nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp, đại lý.

Ông Nguyễn Hữu Dực, Giám đốc HTXDVNN La Sơn cho biết: Sản xuất lúa theo hướng hàng hóa là yêu cầu tất yếu trong quá trình phát triển. Nhu cầu lương thực của mỗi hộ gia đình hiện nay không nhiều có thể mua ăn theo hằng tháng tại đại lý. Do vậy, người dân hướng mạnh tới việc đầu tư sản xuất lúa hàng hóa nhằm nâng cao giá trị, thu nhập và không phải mất công bảo quản...

Làm đất chuẩn bị sản xuất vụ lúa xuân 2024 tại thôn Hạ Trang, xã Liêm Phong (Thanh Liêm). Ảnh: Thành Nam

Nhu cầu chế biến thóc, gạo của các doanh nghiệp trong tỉnh hiện nay khá lớn. Do vậy, các đơn vị hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu tại địa phương để chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh và giảm chi phí vận chuyển. Chỉ tính riêng Công ty cổ phần lương thực Long Vũ (thị trấn Bình Mỹ) liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa cho các địa phương trong tỉnh có diện tích hơn 500 ha, lượng thóc thu mua mỗi vụ lên đến hàng nghìn tấn. Được biết, doanh nghiệp đang tiếp tục mở rộng diện tích liên kết sản xuất lúa hàng hóa để đáp ứng nguồn nguyên liệu chế biến cung cấp ra thị trường. Theo ông Trịnh Tuấn Anh, Phó Giám đốc công ty, nhu cầu chế biến thóc hàng hóa của doanh nghiệp rất lớn. Năng lực liên kết tiêu thụ còn nhiều, vấn đề chính là các địa phương xây dựng được vùng sản xuất lúa hàng hóa bảo đảm loại sản phẩm theo nhu cầu của doanh nghiệp để tăng hiệu quả liên kết.

Khi năng suất lúa đã đạt trần, việc sản xuất theo hướng hàng hóa giúp nâng cao giá trị trên diện tích canh tác. Hướng đi này giúp hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, xóa bỏ được tình trạng nhiều diện tích ruộng manh mún bị bỏ không. Ngành đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong việc quy hoạch vùng, kỹ thuật gieo trồng, đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, kể cả liên hệ tìm “đầu ra” cho sản phẩm lúa hàng hóa…

Ông Trương Quốc Hưng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT

Đối với sản xuất vụ lúa xuân 2024, ngay từ khi xây dựng kế hoạch ngành Nông nghiệp đã xác định mục tiêu cần bảo đảm năng suất và nâng cao giá trị; từ đó, chỉ đạo các địa phương quy hoạch vùng sản xuất lúa cùng giống, cùng trà… tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung. Ngành cũng khuyến khích các cá nhân có điều kiện thuê, mượn lại ruộng của người dân không còn nhu cầu canh tác hình thành vùng sản xuất có diện tích lớn; duy trì và phát huy những vùng sản xuất lúa hàng hóa được công nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ,  VietGAP và sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), vùng được cấp mã vùng trồng… Các địa phương, HTXDVNN trong tỉnh tăng cường tìm kiếm đối tác (doanh nghiệp, đại lý), ký hợp đồng tiêu thụ thóc hàng hóa cho những vùng sản xuất.

Trao đổi về sản xuất lúa vụ xuân 2024 theo hướng hàng hóa, ông Trương Quốc Hưng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết: Khi năng suất lúa đã đạt trần, việc sản xuất theo hướng hàng hóa giúp nâng cao giá trị trên diện tích canh tác. Hướng đi này giúp hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, xóa bỏ được tình trạng nhiều diện tích ruộng manh mún bị bỏ không. Ngành đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong việc quy hoạch vùng, kỹ thuật gieo trồng, đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, kể cả liên hệ tìm “đầu ra” cho sản phẩm lúa hàng hóa…      

Sản xuất 2 vụ lúa của tỉnh hiện có gần 2.000 ha được liên kết sản xuất với các đại lý thu mua, chiếm gần 1% tổng diện tích gieo cấy. Thực tế những năm qua, trong quá trình sản xuất, các địa phương hình thành được nhiều mô hình sản xuất lúa tập trung tạo ra sản phẩm hàng hóa, giúp đổi mới tư duy, cách làm của người dân, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập trên diện tích gieo cấy.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy