Tăng cường kiểm soát phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm

Ông Đỗ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) cho rằng: Giải pháp quan trọng chính là tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm và xử lý kịp thời khi phát hiện ổ dịch.

Dịch bệnh cúm gia cầm đã bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Mặc dù, nhiều năm nay trên địa bàn tỉnh không ghi nhận có ổ dịch cúm gia cầm trên diện rộng, tuy nhiên nguy cơ phát sinh cúm gia cầm hiện nay đang ở mức cao, nhất là thời điểm giao mùa. 

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra hóa chất khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ảnh: Mạnh Hùng

Ông Đỗ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Hiện nay, dịch bệnh cúm gia cầm đã xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố, như: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, thành phố Hà Nội… Trên địa bàn tỉnh, số hộ đầu tư chăn nuôi gia cầm tăng cao hơn kể từ khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng đàn gia cầm ở các địa phương trong tỉnh có khoảng 6,8 triệu con. Đáng lưu ý là, phần lớn số hộ chuyển đổi sang nuôi gia cầm đều ở trong khu dân cư, quy mô nhỏ, không bảo đảm các điều kiện an toàn dịch bệnh. Nếu thời tiết thay đổi bất lợi, nhu cầu vận chuyển, giết mổ phục vụ tiêu dùng tăng cao, bệnh cúm gia cầm có khả năng lây lan. 

Thực tế cho thấy, qua việc lấy mẫu giám sát hằng năm ở nhiều địa phương trong tỉnh, tỷ lệ lưu hành vi rút cúm gia cầm ở mức cao, chiếm 20% tổng số mẫu. Chính vì vậy, những lo ngại cúm gia cầm phát sinh thành dịch là hoàn toàn có cơ sở.

Những nơi nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh cúm gia cầm là nơi có ổ  dịch bệnh cũ, vùng giáp ranh với địa phương đã có dịch, nơi trung chuyển, giết mổ gia cầm và ở đàn gia cầm tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm đạt tỷ lệ thấp. Tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm theo đúng quy định của Luật Thú y và Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025. UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y và UBND cấp huyện tổ chức ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật và các sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm và sản phẩm gia cầm vào địa bàn tỉnh.

Ngành nông nghiệp chủ động hướng dẫn các hộ nuôi gia cầm áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cúm gia cầm. Sở NN&PTNT có kế hoạch lấy mẫu giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm; xây dựng kế hoạch thực hiện tháng khử trùng tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế, ngăn chặn sự phát sinh, lây lan của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; nâng cao trách nhiệm của cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân có đầu tư chăn nuôi về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường.

Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo các hộ, cơ sở chăn nuôi gia cầm thực hiện vệ sinh hằng ngày khu vực chuồng trại, thu gom phân, rác, phun hóa chất toàn bộ khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần một lần. Các cơ sở giết mổ gia cầm cũng phải thực hiện vệ sinh sạch sẽ khu vực giết mổ, phương tiện vận chuyển gia cầm, gia súc…

Thành phố Phủ Lý có tổng đàn gia cầm không lớn, nhưng có số lượng gia cầm trung chuyển thường xuyên luôn ở mức cao. Thành phố Phủ Lý hiện có gần 300.000 con gia cầm, trong đó có 156.000 con gà, 100.900 con vịt, số còn lại là các loại gia cầm khác. Thành phố đã cấp hơn 1.000 lít thuốc sát trùng cho các địa phương để phun khử trùng tiêu độc trên tổng diện tích 1,4 triệu m2 tại khu vực chuồng trại chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm…

Bà Trần Thị Yến, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Phủ Lý cho biết: Khó khăn nhất hiện nay trong công tác phòng dịch bệnh cúm gia cầm chính là không kiểm soát được hoạt động giết mổ gia cầm. Nguyên nhân là do đội ngũ thú y cơ sở thuộc trung tâm dịch vụ nông nghiệp, mà trung tâm dịch vụ nông nghiệp không có chức năng này... Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm, UBND thành phố Phủ Lý chỉ đạo các xã, phường củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các cấp; tăng cường giám sát, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Không chỉ riêng thành phố Phủ Lý, công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm ở nhiều địa phương khác cũng gặp không ít khó khăn, nhất là trong khâu kiểm soát nguồn lây nhiễm, thiếu nhân lực giám sát dịch bệnh ở cơ sở. Ông Phạm Đăng Khôi, Phó Trưởng phòng NN&PTNT thị xã Duy Tiên chia sẻ: Các hộ chăn nuôi gia cầm quy mô nhỏ thường chủ quan trong phòng chống bệnh, không kiểm soát tốt nguồn lây nhiễm. Nhiều hộ không thực hiện tiêm phòng vắc-xin định kỳ phòng bệnh cúm gia cầm, chăn thả gia cầm tự do ngoài đồng, nếu không kiểm soát tốt dễ bị lây nhiễm cúm gia cầm từ nguồn nước. Duy Tiên chưa có trang trại nào chăn nuôi thủy cầm đúng tiêu chuẩn, bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Thị xã Duy Tiên có tổng đàn gia cầm trong khoảng 1,4 triệu con. Đàn gia cầm được tiêm phòng cúm gia cầm chiếm tỷ lệ không lớn. UBND thị xã đã chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn ngừa phát sinh bệnh cúm gia cầm; yêu cầu thực hiện tốt công tác rà soát, tổ chức tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt quan tâm đối với nơi có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao; thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng về yêu cầu, nguy cơ và các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm nhằm tăng cường sự chủ động và sự phối hợp giám sát của cộng đồng đối với nhiệm vụ phòng, chống cúm gia cầm trên địa bàn.

Trước những diễn biến phức tạp về bệnh dịch ở nhiều tỉnh, thành phố hiện nay, khả năng lây nhiễm và bùng phát bệnh cúm gia cầm ở tỉnh ta hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn mọi nguy cơ lây nhiễm chính là giải pháp an toàn và hiệu quả nhất.

Bích Huệ

Bích Huệ, Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy