Sản xuất tại vùng bãi sông Đáy gặp khó khăn trong mùa mưa, lũ

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp trên vùng bãi sông Đáy đóng góp quan trọng trong thu nhập của người dân nơi đây. Tuy nhiên, hằng năm trên sông Đáy thường xuất hiện lũ lên đến cấp 1, 2, kể cả cấp 3 đã ảnh hưởng rất lớn đến diện tích cây trồng. Người dân vùng bãi sông Đáy ở các địa phương đã phải thực hiện các biện pháp sản xuất phù hợp để ứng phó với lũ.

Sản xuất tại vùng bãi sông Đáy gặp khó khăn trong mùa mưa lũ
Bác Trần Thị Trâm, thôn 5, xã Phù Vân thu hoạch rau ngót trồng ngoài bãi ven sông Đáy của gia đình.

Gia đình bác Trần Thị Trâm, Thôn 5, xã Phù Vân (thành phố Phủ Lý) có 2 sào đất bãi ven sông Đáy. Năm nay, nước lũ trên sông Đáy lên muộn bác Trâm vẫn đang thu hoạch sản phẩm rau ngót và đỗ trên diện tích này. Bác Trâm đang tranh thủ thu hết sản phẩm để phòng tránh lũ trên sông có thể lên khi có đợt mưa lớn xảy ra trong những ngày qua. Bác Trâm tâm sự: Sản xuất trên vùng bãi trong mùa mưa, bão, lũ rất bấp bênh do phụ thuộc toàn bộ vào thời tiết. Năm nay, sông Đáy chưa có lũ nên nguồn thu của gia đình vẫn được bảo đảm. Thường thì hằng năm gần như không thể sản xuất trong những tháng chính của mùa mưa, bão, lũ. Năm 2022, lũ trên sông Đáy lên sớm và nhiều gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất rau màu...

Đi dọc vùng bãi ven sông Đáy của xã Phù Vân có diện tích ước hơn 10 ha hoạt động sản xuất khá thưa thớt. Đa phần người dân chỉ còn sản xuất xong lứa rau đã trồng trước đó, còn lại đất đang được để không. Rất ít diện tích được trồng lứa rau ngắn ngày mới. Đây là biện pháp để người dân đối phó với lũ, vì rau ngắn ngày có thể cho thu hoạch nhanh, nếu mất cũng không đáng kể vì chi phí thấp. Theo người dân nơi đây, thời gian cao điểm của mùa mưa, bão, lũ, chuyển sang tìm việc làm khác trong đồng hoặc canh tác trên đất vườn nhà. Đầu tư ra vùng bãi nếu gặp lũ mất cả công lao động và chi phí. Diện tích đất chính này sẽ được quay lại sản xuất đón thị trường dịp cuối năm, bù vào những tháng mùa lũ…

Với sản xuất trên đất bãi ven sông Đáy của các địa phương khác trong tỉnh cũng đang có thay đổi trong thời gian cao điểm của mùa mưa, bão, lũ. Điểm chung là người dân không chú trọng đến sản xuất các loại cây có giá trị, nhất là hoa, chủ yếu chỉ khai thác trồng rau ngắn ngày. Tại HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp, xã Thi Sơn (Kim Bảng) có diện tích sản xuất 5 ha tại vùng bãi ven sông Đáy. Vào những tháng cao điểm của mùa mưa, bão, lũ, HTX chia thành 2 vùng sản xuất. Trong đó, gần 3 ha vùng đất cao phía trên được trồng các loại rau, củ, quả giúp duy trì cung cấp cho thị trường, nhất là các đầu mối tiêu thụ đã được liên kết cung cấp sản phẩm thường xuyên. Hơn 2 ha đất ven sông, trũng thấp chỉ khai thác một phần trồng rau ngắn ngày. Anh Phạm Hoàng Hiệp, Giám đốc HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp chia sẻ: Nhu cầu rau, củ, quả các tháng vào chính mùa mưa, bão, lũ cao do thời tiết không thuận lợi và ít nơi sản xuất. Tuy nhiên, HTX cũng chỉ duy trì chính tại những diện tích có thể bảo đảm an toàn được khi lũ trên sông Đáy có thể lên đến gần báo động 3. Diện tích còn lại sẽ sản xuất lứa rau sớm khoảng nửa tháng 9 trở ra đón thời điểm gối vụ giữa vụ hè thu và vụ đông…

Sản xuất tại vùng bãi sông Đáy gặp khó khăn trong mùa mưa lũ
Người dân Thôn 5, xã Phù Vân (thành phố Phủ Lý) thu hoạch rau trồng ngoài bãi ven sông Đáy. Ảnh: Kim Chi

Do đặc thù, lũ trên sông Đáy được xác định là lũ nội đồng, khi gặp mưa lớn hệ thống thủy lợi dọc hai bên sông tiêu ra. Vì thế, mực nước lũ trên sông cũng lên khá nhanh, thường mỗi năm có từ 2 – 3 đợt, cao điểm có năm lên trên 3 đợt. Đỉnh điểm, năm 2017 – 2018, lũ trên sông Đáy vượt báo động 3 hàng chục cm. Có nhiều vùng đất bãi ven sông Đáy trũng thấp, chỉ cần lũ lên khoảng báo động 2 đã gây ngập úng, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Hằng năm, về phía địa phương và các cơ quan chuyên môn cũng đều có tuyên truyền, khuyến cáo người dân sản xuất trên vùng bãi trong mùa mưa, bão, lũ. Bà Lê Thị Phượng, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Kim Bảng cho biết: Diện tích sản xuất trên đất bãi ven sông Đáy trên địa bàn huyện khá nhiều, tập trung chính tại các xã: Thanh Sơn, Thi Sơn… Những nơi này đều có những HTX chuyên sản xuất rau, củ, quả an toàn. Vì thế, vào mùa mưa, bão, lũ, phòng đã chỉ đạo các địa phương khuyến cáo người dân hạn chế sản xuất ở những vùng trũng, thấp và lựa chọn loại rau phù hợp.

Sản xuất tại vùng bãi ven sông Đáy luôn gặp khó khăn trong mùa mưa, bão, lũ. Tuy nhiên, đây là lợi thế đem lại của tự nhiên, mỗi đợt lũ sẽ bổ sung thêm lượng phù sa màu mỡ, đồng thời làm sạch đất, nhất là diệt các loại sâu, bệnh gây hại còn tồn dư trong đất. Việc bố trí sản xuất trên vùng đất bãi hợp lý giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập trong những vụ tiếp theo.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy