Đợt mưa, lũ vừa qua làm cho ngành nông nghiệp bị thiệt hại nặng về kinh tế. Trong đó, riêng lĩnh vực trồng trọt thiệt hại khoảng 277 tỷ đồng, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản hơn 205 tỷ đồng. Hiện nay, nông dân các địa phương đang khẩn trương khôi phục chăn nuôi, trồng lại một số diện tích cây vụ đông.
Trao đổi với chúng tôi về những thiệt hại sau mưa, lũ, ông Nguyễn Quốc Đạt, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Đợt mưa lũ từ ngày 9-15/10 là rất lớn. Lượng mưa trung bình trên địa bàn tỉnh khoảng 500 mm. Nước lũ trên sông Đáy lên cao, vượt báo động III 83 cm. Cùng với đó, nước trên sông Nhuệ và sông Châu lên cao, gây thiệt hại lớn về năng suất cho toàn bộ diện tích lúa mùa chưa thu hoạch, cây vụ đông, cây ăn quả và thủy sản của nông dân trong tỉnh. Ước tổng giá trị thiệt hại gần 500 tỷ đồng, chưa tính hệ thống đê điều, thủy lợi. Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các biện pháp khắc phục, ổn định sản xuất cho nông dân. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất khó khăn.
Nông dân xã Nhân Hưng (Lý Nhân) gieo trồng lại cây vụ đông sau mưa úng. Ảnh: Kim Chi
Không giống như cơn bão số 1 năm 2016, đợt mưa lũ vừa qua đã làm cho sản xuất nông nghiệp rơi vào tình trạng bất khả kháng. Nước ở khu dân cư, khu vực nội đồng trên các sông đều dâng cao, không còn khả năng bơm tiêu chống úng. Các loại cây trồng trên đất lúa bị mất trắng. Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở trong khu dân cư và khu sản xuất đa canh đều bị thiệt hại lớn, đặc biệt ở những diện tích ao, hồ, đầm ven sông Châu và sông Đáy bị ngập hoàn toàn. Theo đánh giá của Phòng Thủy sản (Sở NN&PTNT), đối với diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, ước thiệt hại khoảng 70% sản lượng, đối với diện tích tràn bờ, mức thiệt hại từ 30 - 50% sản lượng. Tính chung toàn tỉnh có hơn 4.785 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Trong số này có 3.259 ha bị ngập, 1.525 ha bị tràn bờ. Tổng sản lượng bị thiệt hại khoảng 8.218 tấn.
Tại huyện Bình Lục, không chỉ thiệt hại về nuôi trồng thủy sản, huyện còn 3.687 ha lúa mùa đã chín chưa kịp thu hoạch, trong số này có 3.000 ha lúa bị đổ, ngập bông, 687 ha lúa bị ngập sâu, thiệt hại ít nhất 50% năng suất. Bình Lục còn có 1.200 ha cây vụ đông trên đất màu và đất lúa bị thiệt hại hoàn toàn, tập trung ở các xã ven sông Châu: An Ninh, Đồng Du, Bình Nghĩa… Nhiều vườn cây ăn quả của người dân cũng bị ngập nước, thối rễ, rụng quả.
Có thể khẳng định, mưa lũ đã làm cho nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Lĩnh vực trồng trọt bị thiệt hại nhiều nhất do đang ở thời điểm gối vụ. Theo báo cáo của phòng NN&PTNT các huyện, thành phố, đến ngày 15/10/2017, toàn tỉnh có 24,3% diện tích lúa mùa, tương đương với 7.888,8 ha chưa thu hoạch, tập trung phần lớn ở huyện Bình Lục và Thanh Liêm. Toàn bộ diện tích hoa màu, cây trồng trên đất màu bị úng, đổ dập; cây vụ đông trên đất lúa bị mất trắng hoàn toàn. Thiệt hại về chi phí sản xuất (cày đất, phân bón, giống, lao động) khoảng 138 tỷ đồng. Sản lượng bị giảm 89.000 tấn vì hầu hết diện tích là các loại cây trồng vụ đông ưa ấm đã hết thời vụ.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, lũ và chuẩn bị các điều kiện tiếp tục sản xuất. Hỗ trợ nông dân khắc phục khó khăn, Sở NN&PTNT căn cứ vào Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, đề xuất cơ chế hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do mưa, lũ. Đối với cây lúa, tính theo diện tích bị giảm năng suất ở 2 mức, 70% và từ 30 - 70%, với tổng kinh phí 16,26 tỷ đồng. Đối với cây rau màu, toàn tỉnh có 8.267 ha diện tích thiệt hại trên 70%, đề xuất mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; hỗ trợ 294,1 tấn lúa giống, 80 tấn ngô giống và 6 tấn hạt giống rau, hỗ trợ nông dân thiệt hại về chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
| TIN LIÊN QUAN Chuyên Ngoại khắc phục hậu quả sau mưa, lũ Theo thống kê, trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn xã Chuyên Ngoại (Duy Tiên) có khoảng 83 ha cây vụ đông bị ngập úng.Trong đó, cây ngô, cây đậu tương 45,5 ha, hơn 26 ha cây ăn quả các loại, 12 ha cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa. Mưa lũ còn làm hư hỏng lồng cá của các hộ nuôi trồng thủy sản trên sông. Tổng thiệt hại ước khoảng 5,8 tỷ đồng. |
Sớm ổn định tình hình, các địa phương đều sẵn sàng phương án chỉ đạo nông dân sản xuất sau lũ. Ông Đỗ Quyết Thắng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bình Lục khẳng định: Ngay sau khi hết mưa, Phòng NN&PTNT đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo xí nghiệp thủy nông, các HTXDVNN tiêu thoát nhanh nước, tạo điều kiện cho người dân thu hoạch lúa mùa. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện gieo trồng lại cây vụ đông, tập trung chính vào những cây ưa lạnh còn thời vụ…
Hiện đã cuối tháng 10, thời vụ cho sản xuất nhiều loại cây trồng vụ đông không còn nữa. Bà Trần Thị Nga, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) nhấn mạnh: Quan điểm của chi cục không tham mưu và khuyến khích các địa phương trồng lại tất cả các loại cây trồng vụ đông đã mất. Nguyên nhân là do thời vụ của một số cây trồng, nhất là với cây ngô, cây bí xanh, bí đỏ không phù hợp. Trong khi, thời tiết vẫn còn bất ổn, không thuận cho sản xuất. Sở NN&PTNT không giao thêm chỉ tiêu sản xuất các loại cây vụ đông ưa lạnh cho các địa phương. Đối với giống ngô và lúa, nếu được hỗ trợ, nông dân nên để lại sản xuất vào vụ xuân 2018. Vấn đề quan trọng nhất là các địa phương cần căn cứ vào điều kiện thực tiễn, khả năng tiêu thoát nước và khung thời vụ của từng loại cây trồng để bố trí sản xuất phù hợp.
Ngay sau mưa, lũ, Phòng Thủy sản (Sở NN&PTNT) đã có công văn chỉ đạo khắc phục hậu quả đối với nuôi trồng thủy sản. Theo đó, nông dân cần thực hiện đồng thời các giải pháp để nhanh chóng khôi phục sản xuất, như: khẩn trương sửa chữa, gia cố lại những vị trí bờ ao, đầm bị sạt lở, hư hỏng; xác định lại số lượng thủy sản còn lại để theo dõi mức tiêu thụ thức ăn; sử dụng vôi bột để diệt khuẩn, cải tạo môi trường, phòng bệnh cho thủy sản bằng các biện pháp tổng hợp; chăm sóc, quản lý tốt thủy sản nuôi. Riêng đối với cá lồng, bè cần sử dụng hóa chất treo trong lồng/bè để khử trùng môi trường nước, diệt các tác nhân gây bệnh cho cá.
Sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại lớn sau mưa, lũ, ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của ngành năm 2017. Trong điều kiện hiện nay, tập trung hỗ trợ nông dân ổn định đời sống, tiếp tục phát triển sản xuất, chăn nuôi là giải pháp quan trọng, góp phần bù lại những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bích Huệ - Mạnh Hùng
Huệ Hùng, Mạnh Hùng