Bắt tay vào sản xuất vụ đông sớm nhất so với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Kim Bảng đã trồng được trên 2.100 ha. Mưa lớn trong những ngày qua đã làm cho nhiều diện tích vụ đông của huyện bị ngập nặng. Mặc dù, các xã trên địa bàn đã nỗ lực bơm nước chống úng, song do nước ngập sâu trong nhiều ngày nên hầu hết diện tích cây trồng vụ đông sớm ở Kim Bảng đã không thể cứu vãn.
Tiếp chúng tôi tại trụ sở làm việc, ông Nguyễn Văn Hướng, Giám đốc HTXDVNN xã Nhật Tân (Kim Bảng) cho biết: Đến ngày 13/10, nước trong khu vực nội đồng của xã vẫn tiếp tục dâng cao, nhấn chìm đường nội đồng dưới mặt nước 50 cm. Đồng ruộng mênh mông nước, không còn thấy bờ vùng, bờ thửa. Nhiều nơi, hết sạch dấu vết của cây vụ đông. Những diện tích cây trồng đã lên cao, héo rũ do cây bị ngập sâu nhiều ngày. Các đợt mưa trong đầu tháng 10, HTDXVNN Nhật Tân và nông dân vẫn tích cực bơm nước, cứu cây vụ đông. Mưa đến đâu, bơm rút nước đến đấy. Hy vọng cứu được cây vụ đông đã lên tới 90%. Cho đến khi các trận mưa lớn diễn ra trong ngày 10-12/10 vừa qua, HTXDVNN Nhật Tân hoàn toàn bất lực vì không còn có chỗ để đặt máy bơm nước và cũng không biết bơm nước đi đâu.
Diện tích cà chua đông của gia đình anh Phạm Hoàng Hiệp, xã Thi Sơn (Kim Bảng) ngập trong nước. Ảnh: Mạnh Hùng
Đánh giá về thiệt hại hoa màu, ông Nguyễn Văn Hướng khẳng định, toàn bộ 185 ha cây vụ đông của Nhật Tân đã không còn khả năng cứu vãn. Trong số này, có 96 ha ngô, 45 ha dưa bao tử, 30 ha bí xanh, diện tích còn lại là khoai lang và rau đậu các loại. Thiệt hại về kinh tế đối với nông dân là không nhỏ. Riêng tiền giống và một số vật tư phục vụ cho sản xuất vụ đông, theo ước tính ban đầu khoảng 1 tỷ đồng. Nông dân đã mất khoảng 400 triệu đồng tiền ngô giống, 250 triệu đồng tiền giống dưa bao tử, chưa kể các loại cây trồng khác…
Trên cánh đồng Ré của thôn Lưu Xá (Nhật Tân), ông Nguyễn Như Đoan, một nông dân trong xã cho biết, 2 sào ngô của gia đình bị chuột phá sạch và đang héo lá. Nước dâng cao, chuột không có nơi trú ẩn đã leo lên cây ngô và cắn hết gần như toàn bộ số bắp. Ông Đoan tìm trong đống ngô đã hái, chỉ còn vài bắp nguyên vẹn. Ông nói, số bắp đó bán đi chưa chắc đủ tiền ngô giống. Vợ ông Đoan lần theo từng luống ngô ngập sâu trong nước, bẻ hết các bắp còn lại mang về làm thức ăn chăn nuôi. Nếu cây ngô còn xanh, ông Đoan có thể bán làm thức ăn cho bò, nhưng giờ, ngô cũng héo, chả làm gì được đành phá đi, chờ nước rút để trồng cây khác.
Ngay ruộng nhà ông Đoan, ruộng dưa của gia đình bà Đinh Thị Mai cũng xơ xác. Bà Mai nói rằng, ruộng dưa của gia đình bà đã trồng được hơn 1 tháng và bắt đầu cho thu hoạch. Nào ngờ, mưa nhiều quá, bơm nước không xuể. Cách đây mấy ngày, dưa bắt đầu chết vì không chịu được úng. Bà tính, nếu thuận buồm xuôi gió, gần một sào dưa cũng cho thu dăm triệu đồng. Giờ thì dưa chết, mất giống, mất công, mất cả khoản thu ăn Tết. Nước rút, có trồng lại dưa thì cũng hết thời vụ.
Dọc theo các xã Hoàng Tây, Nhật Tân, Văn Xá, Đồng Hóa… của huyện Kim Bảng, chúng tôi thấy rõ khả năng mất trắng vụ đông sớm. Ông Dương Đức Hùng, Giám đốc HTXDVNN xã Văn Xá (Kim Bảng) cho biết: Văn Xá hy vọng vào các loại cây ưa lạnh. Song, diện tích trồng lại nhiều nhất cũng chỉ đạt khoảng 45 ha, trên chân ruộng cốt cao. Không thể mở rộng hơn diện tích vì đến 20/12, ruộng phải đổ ải để chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân 2018.
Tính đến ngày 13/10, Văn Xá mất toàn bộ 111 ha cây vụ đông. Nông dân địa phương đã đề nghị HTXDVNN Văn Xá cung cấp một số giống cây trồng để sản xuất sau khi nước rút, nhưng HTXDVNN Văn Xá đã khuyến cáo nông dân không vội vàng đầu tư sản xuất ngay, mà căn cứ vào điều kiện thời tiết, chờ nước rút mới thực hiện kế hoạch sản xuất khác. Những loại cây hàng hóa xuất khẩu không còn thời vụ, nếu sản xuất, nông dân chỉ tập trung vào sản xuất các loại cây rau, đậu.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Kim Bảng, tất cả các xã, thị trấn của huyện đều bị thiệt hại về cây vụ đông. Những ngày qua, nước sông Đáy, sông Nhuệ rút chậm nên việc tiêu úng gặp nhiều khó khăn. Gần như toàn bộ hơn 2.100 ha cây vụ đông của huyện đều bị chết. Ước tổng thiệt hại vụ đông của huyện lên đến trên 25 tỷ đồng. Trong đó, diện tích ngô 675 ha, thiệt hại 9,48 tỷ đồng; dưa 350 ha, thiệt hại 6,517 tỷ đồng; bí xanh, bí đỏ 620 ha, thiệt hại 5,392 tỷ đồng; lạc 60 ha, thiệt hại 1,032 tỷ đồng; rau 192 ha, thiệt hại hơn 2,29 tỷ đồng; đậu tương 120 ha, thiệt hại 500 triệu đồng; khoai lang 87 ha, thiệt hại hơn 480 triệu đồng. Đáng tiếc nhất là gần 100 ha ngô, bí, dưa chuột, nông dân trồng sớm, đang chuẩn bị cho thu hoạch cũng bị mất trắng, thiệt hại ước khoảng gần 2,3 tỷ đồng. |
Bà Lê Thị Phượng, Phó Trưởng phòng NN & PTNT huyện Kim Bảng cho biết: Ảnh hưởng từ mưa úng gây thiệt hại cây vụ đông của huyện rất lớn, do toàn bộ diện tích cây đã trồng đều không thể phục hồi. Phòng NN & PTNT huyện đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo xí nghiệp thủy nông và các HTXDVNN tích cực tiêu nước trên ruộng. Nếu điều kiện cho phép có thể trồng tiếp các cây vụ đông ưa ấm và tập trung mở rộng diện tích cây vụ đông ưa lạnh, bù vào diện tích đã thiệt hại. Do vậy, nông dân và các HTX phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho sản xuất, nhất là nguồn giống cây trồng bảo đảm chất lượng…
Hùng Huệ
Hùng Huệ, Mạnh Hùng