Đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 9 - 15/10 trên địa bàn tỉnh với tổng lượng mưa trung bình 500 mm, nơi cao lên đến hơn 600 mm, lũ trên sông Đáy đạt 4,93m, vượt báo động III hơn 80 cm. Mưa lũ gây ra hàng loạt sự cố trên hệ thống đê điều, làm ngập, cô lập nhiều khu dân cư. Các địa phương phải huy động nhân lực, vật tư... xử lý các sự cố, bảo đảm an toàn cho người dân và hệ thống đê chính.
Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong đợt mưa lũ vừa qua đã xảy ra hàng loạt sự cố cả trên tuyến đê cấp I, cấp III, đê sông con và đê bối. Cụ thể, trên đê tả Đáy xảy ra sự cố: sạt mái thượng lưu ở 2 vị trí tổng chiều dài 25m, rộng từ 1,3 - 2,2m, sâu 1,2m tại xã Thanh Tân (Thanh Liêm); tại xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) xảy ra sự cố sạt mái cơ đê thượng lưu tổng chiều dài 100 m, sâu từ 0,3 - 1m. Cùng với đó, trên đê tả Đáy cũng bị hiện tượng thẩm lậu mái hạ lưu tại 2 điểm: K124+967 - K124+974 và K125+650-K125+670. Trên tuyến đê sông con và đê bối xảy ra hàng loạt sự cố vỡ, sạt trượt, thẩm lậu, tràn nước gây ngập lụt khu dân cư, diện tích đất sản xuất trong vùng bảo vệ.
Lực lượng quân đội hỗ trợ phường Quang Trung (TP. Phủ Lý) chống tràn.
Tại thành phố Phủ Lý, bối Đinh Xá (xã Đinh Xá) bị sạt lở 10m, nhiều điểm nước sông Châu lên cao đã tràn vào khu dân cư; 500m đê bối ven sông Nhuệ tại khu vực phường Quang Trung bị tràn nước; tuyến đê hữu Đáy thuộc khu vực phường Lê Hồng Phong, phường Châu Sơn nước tràn qua đường Lý Thường Kiệt. Trên địa bàn huyện Duy Tiên cũng xuất hiện nhiều sự cố tràn, sạt trượt tại tuyến đê chắn nước Hà Tây và tả Duy Tiên, đê sông Nhuệ, đê Hoành Uyển, đê Bắc Châu Giang...
Quá trình xử lý các sự cố trên hệ thống đê điều vừa qua được các cấp chính quyền, lực lượng chức năng và nhân dân tổ chức thực hiện khá đồng bộ, hiệu quả. Về nhân lực, ngoài lực lượng xung kích tại chỗ, chính quyền huy động hàng nghìn người dân tham gia đóng bao cát, đắp đập chống tràn... Ở những điểm xung yếu, huy động cả lực lượng quân đội hỗ trợ.
>>> Xem thêm: Duy Tiên khắc phục các sự cố về đê điều, thủy lợi | Chuyên Ngoại khắc phục hậu quả sau mưa, lũ
Nhờ triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp đã hạn chế đáng kể tình trạng ngập úng vào khu dân cư. Tại Phủ Lý, khi lũ sông Đáy vượt cao so với báo động III tràn qua đường Lý Thường Kiệt, thành phố đã huy động đắp hàng nghìn bao tải đất ngăn nước trên chiều dài toàn tuyến... Đánh giá về việc xử lý các sự cố do mưa lũ vừa qua, bà Trần Thị Yến, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Phủ Lý cho biết: Thành phố đã huy động tổng lực, kể cả xin hỗ trợ vật tư bao tải trong kho dự trữ của tỉnh để chống tràn. Việc đắp đập giúp nhiều khu dân cư cả trong và ngoài thành phố không bị ngập lụt khi lũ trên các sông đồng loạt dâng cao.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc xử lý các sự cố trên hệ thống đê điều vừa qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Một số địa phương chưa thực sự chủ động trong việc di dời tài sản của người dân ra khỏi vùng lũ; công tác chuẩn bị vật tư cho phòng, chống thiên tai chưa thực sự bảo đảm về chất lượng và số lượng (cụ thể, theo quy định, vào trước mùa mưa, bão, lũ, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương phải kiểm tra số lượng và chất lượng bao tải dự trữ trong kho dự phòng, loại bỏ những bao kém chất lượng, mục nát, bổ sung kịp thời bao mới, đủ tiêu chuẩn. Mặc dù vậy, tại một số nơi khi đưa bao tải dự phòng ra sử dụng bao bị mục, không dùng được…).
Theo ông Nguyễn Minh Tân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN & PTNT), Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đợt mưa, lũ vừa qua quá lớn, việc xảy ra các sự cố trên hệ thống đê điều là khó tránh khỏi. Theo quy định, nước lũ lên trên báo động II, các bối chủ động cho tràn để mở rộng mặt cắt thoát lũ và bảo vệ đê chính. Vấn đề đặt ra là phải có phương án và triển khai hiệu quả việc di dời người dân và tài sản ra ngoài vùng lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai vừa qua khá hiệu quả. Đây cũng là dịp để các cấp, ngành nhìn lại, đánh giá và rút kinh nghiệm để công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai chủ động hơn, nhất là trong điều kiện tác động biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt.
Mạnh Hùng
Mạnh Hùng