Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lan rộng

Sau hơn 6 tháng được khống chế hoàn toàn (tháng 2/2020), ổ dịch tả lợn châu Phi tái phát vào nửa cuối tháng 9 vừa qua tại xã Phú Phúc (Lý Nhân). Tính đến ngày 5/10, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 7 hộ chăn nuôi, tại 5 thôn với tổng số 39 con lợn mắc bệnh (ốm, chết) phải tiêu hủy. 

Được biết, tổng đàn lợn của xã Phú Phúc hiện có hơn 7.300 con, gồm: 1.112 con lợn nái, 14 lợn đực giống, còn lại là lợn sữa và lợn thịt. Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch, xã Phú Phúc đã tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, thành lập các chốt kiểm soát ra vào những thôn có dịch. Đồng thời tiến hành tiêu độc, khử trùng bằng hóa chất kết hợp vôi bột toàn bộ chuồng trại, môi trường khu vực có dịch. Cùng với đó, địa phương tuyên truyền, vận động để người dân chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, không bán chạy lợn; khi có lợn ốm, chết phải báo cho chính quyền tổ chức tiêu hủy, không vứt xác lợn chết ra môi trường…

Ông Đào Quang Bách, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Phúc cho biết: Các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại xã đã được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ. Vì thế, hạn chế đáng kể dịch bệnh lây lan ra đàn lợn hiện có. Tuy nhiên, ổ dịch xuất hiện rải rác ở phần lớn các thôn nên nguy cơ lây lan của dịch bệnh là rất lớn.

Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lan rộng
Lợn thịt được nhập về Chợ đầu mối gia súc, gia cầm tại xã Bối Cầu (Bình Lục).

Trước việc xuất hiện trở lại ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Phú Phúc, các địa phương trong huyện Lý Nhân đều khẩn trương triển khai những biện pháp phòng, chống dịch. Kết hợp với Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng do tỉnh phát động, huyện Lý Nhân cũng chỉ đạo để người dân mua thêm hóa chất, vôi bột khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường trong khuôn viên hộ gia đình. Đặc biệt, công tác giám sát dịch tại cơ sở, hộ gia đình được quan tâm nhằm sớm phát hiện xử lý khi có lợn ốm, chết bất thường.

Trước khi xuất hiện ổ dịch tại xã Phú Phúc, ở xã Hòa Hậu xuất hiện lợn ốm, chết, cơ quan chức năng về kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm, nhưng kết quả âm tích với virus dịch tả lợn châu Phi. Gần nhất, ngày 3/10 khi phát hiện một hộ tại thôn Cầu Không (Bắc Lý) có lợn ốm, chết bất thường, chính quyền xã đã kiểm tra và xử lý đúng yêu cầu phòng chống dịch. Ông Trần Văn Niềm, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Lý Nhân cho biết: Việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đang được triển khai chặt chẽ trên toàn địa bàn huyện. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tích cực phối hợp với các địa phương thực hiện tốt biện pháp kỹ thuật ngăn ngừa không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.

Không riêng huyện Lý Nhân, các địa phương khác trong tỉnh thời gian này luôn đề cao tính chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát trở lại. Huyện Bình Lục một trong những địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất tỉnh với gần 100 nghìn con; đồng thời, trên địa bàn huyện có Chợ đầu mối gia súc, gia cầm tại xã Bối Cầu giao thương buôn bán với nhiều địa phương trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố trong cả nước nên nguy cơ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại trên địa bàn rất lớn.

Trước tình hình đó, UBND huyện Bình Lục đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch. Trong đó, chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phòng, chống dịch ngay tại hộ. Đồng thời, cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường giám sát nhằm sớm phát hiện, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời không để lây lan ra diện rộng.

Theo ông Đỗ Thế Trọng, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Bình Lục: Huyện  đang triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn ngừa tái bùng phát trở lại của dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Đặc biệt chú ý đến những ổ dịch cũ và chợ đầu mối gia súc, gia cầm nơi hằng ngày có lượng lớn lợn và phương tiện từ nhiều nơi tập trung về, rất dễ bùng phát dịch.

Được biết, hiện nay cùng với ổ dịch tại xã Phú Phúc, phần lớn các tỉnh lân cận Hà Nam đều đã xuất hiện trở lại dịch tả lợn châu Phi, như: Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Thái Bình... Do vậy, nguy cơ  dịch tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng là rất lớn nếu không được phòng, chống kịp thời.

Ông Đỗ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở NN & PTNT) đánh giá: Thời gian gần đây, chăn nuôi lợn của tỉnh đang từng bước được khôi phục với tổng đàn đạt gần 370.000 con, trong đó đàn lợn nái khoảng 40.000 con (gồm cả lợn nái hậu bị). Tuy nhiên, sau thời gian không xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trở lại dẫn đến một bộ phận người chăn nuôi có tư tưởng chủ quan trong phòng, chống dịch. Điều này rất dễ dẫn đến tình trạng dịch tả lợn châu Phi lây lan trở lại.

Dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có vắc-xin tiêm phòng và thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, các địa phương, hộ chăn nuôi cần tập trung phòng bệnh là chủ yếu; tăng cường giám sát dịch bệnh tại cơ sở để sớm phát hiện và xử lý ổ dịch. Cùng với đó, người dân áp dụng tốt phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chú trọng đến các biện pháp, như: nhập nguồn con giống rõ nguồn gốc, sạch bệnh, tiêm đầy đủ vắc-xin phòng các loại bệnh để nâng cao sức đề kháng cho lợn, thực hiện tốt vệ sinh thú y trong chăn nuôi... Có như thế mới góp phần ngăn ngừa hiệu quả dịch tả lợn châu Phi, phát triển chăn nuôi đàn lợn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.