Nghề trồng hoa tạo diện mạo mới cho vùng đất bãi ven sông

Sản xuất trên vùng đất bãi ven sông của các địa phương đang có sự thay đổi đáng kể với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Trong “làn sóng” chuyển đổi cây hoa trở thành hướng đi nổi bật tạo diện mạo mới cho vùng bãi; đồng thời, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân nơi đây.

Làng hoa truyền thống nổi tiếng Phù Vân (thành phố Phủ Lý) nằm trên vùng đất bãi ven sông Đáy hiện nay đã có sự thay đổi rất nhiều so với trước. Cây hoa được trồng ở đây giờ đa dạng; nhiều mô hình trồng hoa mới được người dân địa phương đầu tư phát huy giá trị của vùng đất bãi màu mỡ. Mô hình trồng hoa của chị Trần Thị Tứ, thôn 5 mới được thực hiện trong mấy năm gần đây nhưng đã khá nổi tiếng với nhiều loại hoa mới được người chơi ưa chuộng. Trên khu ruộng rộng khoảng 2 ha, chị Tứ mạnh dạn chuyển hướng đầu tư hơn 1 ha đất trũng cải tạo thành đầm trồng các giống sen ngoại khai thác hoa, như: Super, juwaba, kim cương, quan âm… Diện tích còn lại chị Tứ trồng cúc, nhưng chuyển một phần sang những loại mới phục vụ người chơi, như: cúc họa my đơn, họa my kép, hoa bướm… Chị Tứ tâm sự: Sinh ra và lớn lên ở làng hoa tôi mong muốn góp một phần nhỏ để nghề trồng hoa của quê hương ngày càng phát triển.

Cũng như gia đình chị Tứ, đi dọc vùng bãi của xã Phù Vân sự thay đổi được thể hiện rõ trên thửa ruộng. Trên các cánh đồng không còn thuần loại hoa cúc lễ, thay vào đó là đa dạng các loại như: Mẫu đơn, hồng, lay ơn… Ngay đến hoa cúc vốn coi là sản phẩm truyền thống cũng có đến cả chục loại đa màu đa sắc cả dùng làm hoa lễ và cắm chơi. Với cây hoa hồng cũng được người dân phát triển nhiều loại, như: Hồng chuyên khai thác hoa cắm lọ, bán cây làm cây cảnh… Điển hình, khu vườn chuyên trồng các loại hồng cổ (Hồng đào, cổ Sapa, bạch ho…) của anh Vũ Ngọc Đồng diện tích hơn 1 mẫu có hàng trăm gốc với nhiều kích cỡ khác nhau, hướng đến cả khách mua có không gian sân vườn rộng (kiểu biệt thự, nhà vườn), đến người chơi hoa ban công, sân thượng... Theo anh Vũ Ngọc Đồng: Nghề trồng hoa tại địa phương đang ngày càng phát triển. Người trồng hoa lựa chọn hướng phát triển phù hợp và bắt kịp với thị hiếu ngày càng cao của người chơi.

Người dân làng hoa Phù Vân (TP Phủ Lý) thu hoạch hoa cúc. Ảnh: Kim Chi

Tại xã Phù Vân hiện nay diện tích trồng hoa được mở rộng lên khoảng 80 ha, ở tất cả các thôn. Trong đó, tập trung chính tại thôn 4 và 5 nằm trong khu vực đồng bãi. Cây hoa ở đây cũng được trồng và cho thu hoạch quanh năm. Hướng sản xuất này đã đem lại hiệu quả cao trên đồng ruộng. Giá trị bình quân trên diện tích trồng hoa của xã đã đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm. Nghề trồng hoa truyền thống tại địa phương phát triển, giúp nâng cao thu nhập của người dân. Được biết, xã Phù Vân đang hướng đến phát triển nông nghiệp theo hướng gắn du lịch sinh thái, trải nghiệm.

Nghề trồng hoa tại tỉnh ta hiện nay không còn bó gọn ở một vài nơi mà mở rộng ra nhiều nơi có lợi thế vùng bãi ven sông với chất đất phù hợp. Cây hoa đã khẳng định ưu thế, hiệu quả, từng bước thay thế những loại cây có giá trị thấp trước đây. Điển hình như tại thôn Duyên Hà, xã Phú Phúc (Lý Nhân) đã mở rộng diện tích trồng hoa lên 20 ha trong tổng số 90 ha đất bãi ven sông Hồng. Người dân nơi đây lựa chọn chủ yếu trồng hoa huệ (chiếm khoảng 80% diện tích), phần còn lại trồng các loại khác, như: Cúc, loa kèn, ly… Chỉ tính riêng cây hoa huệ chủ lực cho giá trị đạt gần 8 triệu đồng/sào/năm, trừ chi phí còn lãi 5,5 – 6 triệu đồng/sào/năm, gấp 2 – 3 lần trồng ngô lai lấy hạt trước đây. Nhiều hộ trong thôn phát triển nghề trồng hoa trở thành hướng sản xuất cho thu nhập chính.

Bác Lê Quý Diên, chuyển đổi sang nghề trồng hoa cách đây hơn 20 năm với diện tích 1 mẫu. Bác Diên trồng toàn bộ hoa huệ trên diện tích sản xuất từ đầu năm. Sau khi một phần diện tích trồng huệ thu hoạch xong (vào khoảng tháng 8), bác chuyển sang trồng 4 sào hoa loa kèn. Phần diện tích còn lại, cây hoa huệ tiếp tục cho thu đến khoảng tháng 12 và để giống huệ cho vụ trồng năm sau. Sản phẩm hoa huệ, loa kèn trong vườn bác Diên trực tiếp mang đi bán cho các đại lý tại chợ đầu mối, không qua khâu trung gian giúp bảo đảm thu nhập ổn định ở mức cao. Theo bác Diên: Cây hoa đem lại thu nhập chính cho gia đình, không thua kém bất kỳ nghề sản xuất nào khác. Vì vậy tôi tiếp tục duy trì  nghề trồng hoa, do nhu cầu thị trường luôn cần, ít khi mất giá…

Cũng như Duyên Hà, xã Bình Nghĩa (Bình Lục) cũng trở thành nơi chuyên sản xuất hoa. Cây hoa ở đây được trồng trên diện tích khoảng 10 ha, chuyên canh loại hoa cúc lễ. Khác với những vùng hoa trong tỉnh, tại Bình Nghĩa có hộ chuyên sản xuất cây cúc giống cung cấp cho các hộ trong vùng và bán đi khắp các tỉnh, thành, với sản lượng mỗi năm lên đến cả chục vạn cây, giúp nâng cao giá trị từ nghề trồng hoa.

Tính chung diện tích trồng hoa của tỉnh hiện nay ước khoảng trên 200 ha, tập trung nhiều ở những vùng đất bãi ven sông. Riêng diện tích trồng các loại hoa vụ cuối năm đạt gần 120 ha. Sản phẩm hoa Hà Nam không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà xuất bán cho thị trường các tỉnh ngoài, kể cả những nơi có vùng trồng hoa phát triển như: Nam Định, Hà Nội…

Bà Trần Thị Nga, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở NN & PTNT) đánh giá: Những năm gần đây cây hoa phát triển khá mạnh và được đưa vào cơ cấu cây trồng của tỉnh. Người trồng hoa đã tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật, đa dạng sản phẩm phục vụ cả nhu cầu tâm linh và thẩm mỹ ngày càng cao của người chơi…Nói theo cách của người dân trồng hoa trong tỉnh “Vùng đất bãi đang nở hoa”. Thực tế, cây hoa đã tạo sự thay đổi, sức sống mới cho sản xuất trên vùng đất bãi ven sông.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy