Vụ mùa 2019, năng suất lúa bình quân ở tỉnh ta đạt 57,4 tạ/ha, cao hơn 2,1 tạ/ha so với vụ mùa 2018. Cơ quan chuyên môn đánh giá năng suất lúa vụ mùa này cao nhất trong các vụ mùa kể từ trước đến nay.
Có nhiều yếu tố để làm nên một vụ mùa thắng lợi, trong đó, bố trí hợp lý cơ cấu giống lúa và áp dụng tốt quy trình thâm canh là những yếu tố quan trọng hàng đầu.
Theo số liệu thống kê, vụ mùa 2019, toàn tỉnh gieo cấy gần 31.000 ha, đạt 98,7% kế hoạch. Vụ mùa năm nay, 5/6 huyện, thành phố đều có năng suất lúa vượt mức từ 57 tạ/ha. Trong đó, huyện Duy Tiên và Kim Bảng là 2 địa phương có năng suất bình quân cao nhất tỉnh, tương ứng với 58 tạ/ha và 57,9 tạ/ha. Đây cũng là 2 huyện không bố trí gieo cấy trà mùa muộn.
Huyện Duy Tiên bố trí 57% tỷ lệ trà mùa sớm, còn là trà mùa trung; diện tích lúa lai chiếm gần 32%, lúa chất lượng 45,3%. Huyện Kim Bảng, tỷ lệ mùa sớm đến 89%, lúa chất lượng chiếm 64,2%. Trên bình diện chung, năng suất nhiều giống lúa ở mức cao. Điển hình như lúa Bắc thơm số 7, nếu như những vụ mùa trước, chỉ đạt bình quân 1,8 tạ/sào, năm nay đạt từ 2,2 tạ/sào, có diện tích đạt 2,4 tạ/sào.
Chủ trương chỉ đạo của ngành nông nghiệp khuyến khích mỗi địa phương bố trí từ 3-5 giống lúa chủ lực đạt năng suất cao; chống chịu bệnh bạc lá tốt, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và đáp ứng với nhu cầu thu mua sản phẩm của doanh nghiệp. Lúa lai giữ ổn định 20% tổng diện tích gieo cấy, lúa thuần năng suất cao từ 30-35%; lúa thuần chất lượng cao, lúa đặc sản trên 45%.
Thực tế về kết quả sản xuất cho thấy, trong cơ cấu lúa mùa 2019 trên quy mô toàn tỉnh, trà mùa sớm chiếm khoảng 51,9%, mùa trung 46,1%, lúa mùa muộn chỉ có 2% trong tổng diện tích gieo cấy. Về cơ cấu giống, tỷ lệ lúa lai chiếm 23%, lúa chất lượng 42,3% tổng diện tích. Đối chiếu với kế hoạch, có sự chênh lệch giữa định hướng về cơ cấu thời vụ so với thực tế gieo cấy. Tuy nhiên, mức chênh lệch này không quá lớn.
Theo bà Trần Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), bố trí cơ cấu giống lúa, cơ cấu thời vụ hợp lý và thực hiện tốt quy trình thâm canh lúa là những yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả sản xuất. Trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu nên thời tiết vụ mùa diễn biến thất thường. Vì vậy, khi bố trí cơ cấu mùa vụ cần lưu ý tránh những trận bão gây mưa lớn trong thời điểm sau khi kết thúc gieo cấy hoặc thời điểm lúa trỗ.
Một yếu tố nữa mà cơ quan chuyên môn luôn quan tâm là yêu cầu sản xuất 3 vụ. Theo đó, những giống lúa dài ngày phải được đẩy sớm (gieo cấy sớm) hơn so với thời vụ đại trà nhằm bảo đảm lúa trỗ trong điều kiện thời tiết thuận lợi nhất (theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn) của từng vụ.
Bà Trần Thị Nga cũng cho rằng, năm 2019 là năm điển hình về biến đổi khí hậu, bắt đầu từ Tết Nguyên đán thời tiết nóng kéo dài trong nhiều ngày. Vụ mùa nóng, lúa phát triển nhanh. Chưa có năm nào nông dân cấy mạ non như năm nay. Nhiều địa phương xuống đồng gieo cấy lúa mùa khi mạ chỉ được từ 12-13 ngày tuổi. Đến 25/6, huyện Kim Bảng đã cơ bản hoàn thành kế hoạch gieo cấy. Thanh Liêm, Bình Lục và Duy Tiên cũng kết thúc gieo cấy trước tháng 7, thành phố Phủ Lý kết thúc gieo cấy chậm nhất là 5/7. Vụ mùa 2019, kết thúc gieo cấy sớm hơn so với vụ mùa 2018 từ 5-7 ngày. Điều đó giúp nông dân tránh được diễn biến thất thường của thời tiết, hạn chế sâu bệnh gây hại. Ở tỉnh ta, trong vụ mùa 2019, lúa chỉ nhiễm bệnh bạc lá nhẹ, so với nhiều địa phương gieo cấy muộn hơn tỉnh ta, lúa bị bệnh bạc lá nặng hơn.
Theo nhận định của nhiều lãnh đạo HTX trong tỉnh, yếu tố quan trọng góp phần làm nên năng suất lúa mùa chính là kết quả của quá trình chọn lọc các bộ giống lúa trong những năm gần đây. Nhiều giống lúa chất lượng tốt, năng suất cao đã được đưa vào sản xuất, phù hợp với nhu cầu thị hiếu tiêu dùng, như: Bắc thơm số 7, RVT, nếp 87…
Thực hiện đề án ứng dụng một số giống cây trồng mới chủ yếu sản xuất tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, một số HTX đã phối hợp tốt với các công ty xây dựng mô hình sản xuất giống lúa mới đạt hiệu quả cao. Trong đó có mô hình lúa chất lượng HDT 10 tại huyện Thanh Liêm, năng suất thực thu đạt 61-62 tạ/ha. Mô hình lúa chất lượng LT2 ở huyện Bình Lục, năng suất thực thu đạt 52-55 tạ/ha.
Bên cạnh đó, trong vụ mùa 2019, nhiều tiến bộ mới tiếp tục được trình diễn. Đây là cơ sở để đánh giá, chọn lọc tiếp tục áp dụng vào gieo cấy trong những năm tới, như kỹ thuật cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên, quy trình canh tác lúa cải tiến SRI… Sở NN&PTNT đang chờ kết quả nghiên cứu về tính chất đất ở một số địa phương trong tỉnh làm căn cứ để hướng dẫn quy trình sản xuất cho nông dân, trong đó có cây lúa.
Thắng lợi trong sản xuất vụ mùa có ý nghĩa rất lớn góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2019. Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cũng cho thấy, sản xuất lúa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức không nhỏ, nhất là khâu bao tiêu sản phẩm, bảo quản và chế biến sản phẩm còn nhiều hạn chế dẫn tới nông dân không muốn tập trung, tích tụ ruộng sản xuất quy mô lớn.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), một trong những giải pháp cần thực hiện để nâng cao hiệu quả sản xuất đó là đẩy mạnh tổ chức sản xuất- tiêu thụ theo phương thức “cánh đồng lớn”. Quy hoạch vùng trồng tập trung, chuyên canh, áp dụng linh hoạt các hình thức cho thuê đất, mượn đất để hình thành những khu sản xuất quy mô lớn, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Bích Huệ
Bích Huệ, Mạnh Hùng