Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng trồng những giống cây có giá trị kinh tế cao đang là xu hướng ở nhiều địa phương. Tại xã Đồng Du (Bình Lục), một số nhà vườn đã chuyển sang trồng cây hoa hồng được thị trường ưa chuộng, mang lại giá trị kinh tế cao.
Bắt đầu từ năm 2016, sau khi trồng thử nghiệm, nhận thấy các giống hoa hồng nhập ngoại sinh trưởng tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, được thị trường ưa chuộng, chị Hoàng Thị Lan (thôn Quyết Thắng) đã mạnh dạn thuê thêm diện tích đất, chuyển hẳn từ trồng các loại rau quả sang trồng và kinh doanh cây hoa hồng. Gia đình chị Lan cải tạo vùng đất trũng, nâng cao nền đất, mua đủ các giống hồng, từ hồng cổ đến hồng ngoại nhập về trồng. Đến nay, trên diện tích 16 mẫu, vườn hoa hồng của chị Lan đã có hơn 20.000 gốc các loại, trong đó gần 5.000 gốc trên 3 năm tuổi, cao 2-2,5m. Ngoài hồng cổ Sapa, vườn hồng của gia đình chị Lan còn có đủ loại hồng nhập ngoại, được khách hàng ưa thích, như: Heritage, hồng Nhật Hanamikoji, Corail Gelee, the Prince, Miranda… trong đó, được hỏi mua nhiều nhất là các loại hồng leo và bán leo, bởi màu sắc hoa đa dạng, hương thơm lâu, sức sống tốt.
Theo chị Lan, nhiều người tưởng hoa hồng nhập ngoại khó trồng, khó sinh trưởng tốt, tuy nhiên, so với các giống hoa, cây cảnh khác, trồng hồng khá nhàn, không đòi hỏi chăm sóc cầu kỳ, chỉ cần phun thuốc định kỳ hoặc kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh (sâu đục thân, nhện đỏ, phấn trắng…) để dùng loại thuốc phù hợp. Đồng thời, để cây hồng phát triển tốt, gốc to, cây đanh, ra hoa to đẹp, người chơi cần thường xuyên tỉa bỏ các lá già, hoa tàn, cành tăm hương (để tán cây thông thoáng, giảm sâu bệnh) kết hợp bón phân hữu cơ đã ủ hoai mục. Chú ý độ ẩm lý tưởng cho đất, tốt nhất là tưới nước 1-2 lần/ngày, không tưới nước vào buổi tối để tránh nước đọng trên lá, khiến cây bị nấm hoặc bệnh nhện đỏ xuất hiện khi độ ẩm cao, gây vàng lá. Tỷ lệ đất trồng giúp cây phát triển tốt cũng rất quan trọng, thường là 30% đất, còn lại là xơ dừa, phân ủ mục, cát vàng hoặc xỉ than. Những lưu ý cơ bản trên chị Lan đều chia sẻ cặn kẽ với khách mua cây. Theo chị, gốc hoa ở vườn mình tốt vẫn chưa đủ, bản thân người chơi hoa phải am hiểu, biết cách chăm sóc hoa. Vì vậy, chị không ngại chia sẻ kiến thức trồng hoa với khách hàng, thậm chí ngược lại chị còn học hỏi được kinh nghiệm từ những người chơi hồng lâu năm. Chỉ khi cây hồng về đến nhà những vị khách vẫn tiếp tục sinh trưởng tốt, cho hoa đẹp thì vườn hồng của mình mới tạo được uy tín.
Nhằm trau dồi thêm kiến thức chăm sóc hoa, chị Lan thường xuyên cập nhật thêm giống hồng mới, quan sát thực tế tại một số vườn hồng trong và ngoài tỉnh, đọc sách báo, xem các chương trình phổ biến kiến thức trồng hoa hồng trên Internet. Do đó, qua gần 5 năm khởi nghiệp với hoa hồng, vườn hồng của gia đình chị Lan sinh trưởng phát triển tốt, nhiều hoa, mang lại hiệu quả kinh tế khá, mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng nghìn cây giống và chậu hoa thương phẩm, với mức giá từ 150 nghìn đồng đến 4-5 triệu đồng/cây, tùy chủng loại, kích thước, độ tuổi. Chưa kể, cây hoa hồng còn là loại cây trồng một lần “ăn” cả năm, không mất nhiều chi phí đầu tư giống mới và nhân công chăm sóc, cho thu nhập cao gấp hai ba lần so với các loại rau màu hoặc loại hoa khác, rất phù hợp với điều kiện kinh tế của đa số hộ nông dân.
Khu vườn hồng rộng 16 mẫu của gia đình chị Lan hiện đang ở vào thời điểm rộ bông, hứa hẹn một mùa Tết đầy hương sắc. Câu chuyện về cây hồng chị chia sẻ thường xuyên bị đứt mạch bởi những cuộc gọi và thông báo tin nhắn từ khách hỏi/hẹn đặt mua cây. Chị Lan hồ hởi chia sẻ: Tôi có lập một trang bán hàng trên facebook, chuyên đăng tải hình ảnh về các giống hoa hồng có tại vườn, kèm theo đó là một số thông tin gồm năm tuổi, giá tiền, địa chỉ để người mua tiện tham khảo và liên lạc nếu có nhu cầu. Được biết, đa số đơn hàng của chị đều thực hiện bằng hình thức online, nhà vườn chụp ảnh gửi hình qua tin nhắn facebook, khách hàng ưng ý sẽ chuyển khoản hoặc đặt chuyển phát nhanh nhận hàng trả tiền, đỡ chi phí đi lại tốn kém, còn giúp nhà vườn quảng bá sâu rộng sản phẩm, bởi những gốc hồng này không chỉ được giao trong tỉnh, mà còn được chuyển đi khắp các tỉnh lân cận (Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội…).
Đại diện Ủy ban MTTQ xã Đồng Du cho biết, Đồng Du là một xã thuần nông, đa số người dân vẫn quen với trồng lúa, rau màu ngắn ngày, tư duy vẫn nặng về kinh nghiệm sản xuất truyền thống. Lực lượng lao động sản xuất nông nghiệp trực tiếp phần đông là người trung tuổi trở lên, do đó có nhiều hạn chế trong áp dụng các kỹ thuật canh tác cũng như làm quen với giống cây trồng mới. Hướng đi mới của gia đình chị Hoàng Thị Lan đã phần nào giúp bà con nông dân thay đổi nhận thức trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là việc nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác. Hiện tại, ban công tác mặt trận các thôn trong xã đang tích cực vận động người dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, tích tụ ruộng đất nông nghiệp theo vùng đã quy hoạch, xây dựng khu dân cư văn hóa gắn với sản xuất, tiêu dùng nông sản sạch. Và trồng hoa hồng hứa hẹn sẽ trở thành một hướng phát triển kinh tế giàu tiềm năng, giúp bà con dần thay đổi tư duy sản xuất.
Thanh Vân