Liên kết với doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu: Hướng đi bền vững nâng cao thu nhập cho nông dân

Những năm qua, nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu đã thực hiện có hiệu quả việc liên kết sản xuất với người dân, từ đó hình thành những vùng nguyên liệu tập trung, tạo ra sự ổn định trong sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Chế biến dưa chuột xuất khẩu tại  Doanh nghiệp tư nhân Huynh Tuấn.

Doanh nghiệp tư nhân Huynh Tuấn, xã Chân Lý (Lý Nhân) chuyên chế biến rau, củ, quả xuất khẩu sang thị trường Nga và các nước Đông Âu. Do vậy, nhu cầu nguyên liệu nông sản các loại phục vụ chế biến khá lớn. Chỉ tính riêng dưa chuột bao tử trong đợt sản xuất vụ đông cần khoảng 800 – 1.000 tấn. Ngoài ra, doanh nghiệp còn cần lượng nguyên liệu không nhỏ như ớt, cà chua… 

Ông Lương Văn Tuấn, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Huynh Tuấn cho biết: Phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu, doanh nghiệp cần lượng nguyên liệu nông sản lớn. Do đó đơn vị luôn hướng đến liên kết sản xuất với người dân để hình thành những vùng nguyên liệu tập trung.

Để xây dựng vùng nguyên liệu dưa chuột xuất khẩu, doanh nghiệp tư nhân Huynh Tuấn đã lựa chọn liên kết với nông dân các HTX của xã Chân Lý (HTX Chân Lý, Hồng Lý, Tân Lý) và xã Đạo Lý. Bình quân mỗi vụ, diện tích dưa chuột xuất khẩu được doanh nghiệp liên kết sản xuất từ 15 – 20 ha. 

Thực hiện việc liên kết, doanh nghiệp đã ký hợp đồng về diện tích sản xuất và sản lượng thông qua các HTX nông nghiệp. Giá thu mua được tính theo giá sàn và tăng lên theo giá thị trường ở từng thời điểm thu hoạch. Riêng những hộ ở gần đưa sản phẩm trực tiếp đến nhập cho doanh nghiệp giá cao hơn 500 đồng/kg so với nhập qua các điểm cân. 

Nhằm giúp người dân duy trì và mở rộng diện tích sản xuất, doanh nghiệp đã hỗ trợ bằng cách ứng trước kinh phí đầu tư cho sản xuất. Với những vụ bị thiệt hại do thiên tai, doanh nghiệp đều có thêm nguồn hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất. Như trong vụ đông 2019 – 2020 này, để có được diện tích gieo trồng dưa chuột xuất khẩu 15 ha, doanh nghiệp Huynh Tuấn đã hỗ trợ ứng trước cho người trồng dưa bình quân 2,3 triệu đồng/sào, gồm: giống dưa tương đương 300 nghìn đồng và 2 triệu đồng mua phân bón, thuốc BVTV, cây que làm giàn… 

Không những vậy, tại vùng trọng điểm trồng dưa chuột xuất khẩu ở HTX Chân Lý, doanh nghiệp đã hỗ trợ mỗi thôn 1 máy bơm điện dã chiến, trị giá 15 triệu đồng/máy phục vụ tưới, tiêu trong quá trình sản xuất.

Như vậy, qua hợp đồng liên kết sản xuất dưa chuột xuất khẩu, người dân gần như không phải bỏ vốn ban đầu. Trách nhiệm chính của từng hộ là sản xuất bảo đảm diện tích và năng suất cũng như tuân thủ hợp đồng nhập toàn bộ sản phẩm cho doanh nghiệp. 

Chị Trần Thị Dịu, thôn Ngô Hàn (xã Chân Lý, Lý Nhân) chia sẻ: Doanh nghiệp Huynh Tuấn luôn đồng hành cùng người dân trong quá trình sản xuất. Với cách làm như hiện nay, thu nhập của người trồng dưa xuất khẩu chúng tôi luôn được bảo đảm ở mức cao so với gieo trồng các loại cây màu khác. Gia đình tôi sẽ tiếp tục duy trì liên kết trồng dưa chuột xuất khẩu với doanh nghiệp trong những năm tới.

Có hợp đồng liên kết đã đem lại giá trị và thu nhập cao cho người dân tại vùng sản xuất nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Vụ xuân 2018, tại 2 xóm của HTX Chân Lý có 57 hộ sản xuất liên kết với doanh nghiệp trồng dưa chuột xuất khẩu đã thu được đến 2,3 tỷ đồng. Hộ thu cao nhất đạt hơn 100 triệu đồng. Nguồn thu cao tiếp tục được duy trì tại đây trong vụ đông 2018 và vụ xuân 2019 vừa qua. Xóm 2 là một trong những điển hình trong liên kết sản xuất trồng cây xuất khẩu. Theo người dân nơi đây, trồng dưa chuột xuất khẩu liên kết với doanh nghiệp đem lại nguồn thu nhập chính cho kinh tế gia đình.

Nhìn lại các vùng sản xuất cây xuất khẩu, nhất là với cây dưa chuột chủ lực đều chứng minh được hiệu quả. Với một sào dưa chuột xuất khẩu khi được ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp chế biến cho giá trị từ 7 – 9 triệu đồng, có những vụ thu cao đạt hơn 10 triệu đồng. Trừ chi phí sản xuất, đem lại lợi nhuận từ  6 – 7 triệu đồng/sào trong thời gian 3 tháng. Có hợp đồng liên kết, người dân có được đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định với giá sàn, không lo mất giá khi thu hoạch và nếu giá thị trường lúc thu hoạch tăng, các doanh nghiệp cũng sẽ điều chỉnh tăng lên. 

Vì thế, ở nhiều xã, nhất là ở huyện Kim Bảng, diện tích cây trồng xuất khẩu, trong đó có dưa chuột ngày càng được mở rộng, xuất hiện hộ trồng dưa chuột xuất khẩu có diện tích lớn. Tại xã Văn Xá có hộ trồng đến hơn 1 mẫu dưa chuột xuất khẩu. Vào những thời điểm thu hoạch rộ đã thuê thêm 2 – 3 lao động hái quả để bảo đảm chất lượng về kích cỡ theo hợp đồng.

Tại xã Lê Hồ (Kim Bảng) trong vụ đông đều trồng từ 15 – 20 ha cây dưa chuột xuất khẩu. Phần lớn diện tích này được ký hợp đồng với Công ty TNHH Hội Vũ (CCN Cầu Giát, Duy Tiên). Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp cử cán bộ cùng xuống triển khai, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Đặc biệt, giá thu mua luôn được bảo đảm mức hợp lý, nhất là điều chỉnh kịp thời khi giá dưa ngoài thị trường tăng lên tại thời điểm thu mua. 

Theo ông Khuất Duy Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hội Vũ (CCN Cầu Giát, Duy Tiên), để có đủ nguyên liệu cho chế biến, doanh nghiệp luôn đồng hành cùng người dân để cả 2 bên đều có lợi. Đặc biệt, trong điều kiện sản xuất khó khăn như hiện nay (về lao động, thời tiết…) doanh nghiệp luôn bám sát thực tế để có sự hỗ trợ kịp thời đối với người dân. Mỗi năm công ty  đều ký hợp đồng sản xuất nông sản cho chế biến, xuất khẩu các loại khoảng trên 50 ha tại Hà Nam.

Qua tìm hiểu được biết, diện tích sản xuất cây trồng phục vụ cho chế biến xuất khẩu mỗi năm trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 1.000 ha. Riêng cây dưa chuột xuất khẩu vụ đông hơn 700 ha. Những vùng trồng cây xuất khẩu liên kết với doanh nghiệp cho giá trị đạt từ 150 đến hơn 200 triệu đồng/ha/năm. 

Thực tế tại những nơi thực hiện liên kết sản xuất các loại cây trồng xuất khẩu giữa người dân và doanh nghiệp đang mang lại kết quả thiết thực cho cả hai phía. Người nông dân không phải lo đầu ra cho sản phẩm với giá cả hợp lý nhất, còn doanh nghiệp yên tâm có đủ sản phẩm phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu. Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã và đang giúp sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy