Khắc phục điểm yếu về tổ chức sản xuất trong nuôi trồng thủy sản

Hà Nam hiện có 5.700 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, mỗi năm đóng góp khoảng 10% vào tổng giá trị sản xuất nông nghiệp địa phương. Đây là con số được cho là khiêm tốn khi mà tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản còn nhiều.

Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng Thủy sản, Sở NN&PTNT cho biết: Trên  thực tế, giá trị sản xuất thủy sản bình quân trên 1 ha diện tích canh tác có thể đem lại cao hơn. Thủy sản có nhiều vùng nuôi trồng tập trung, được đầu tư hạ tầng tương đối tốt từ nhiều năm nay. Tuy vậy, thủy sản vẫn chưa tạo được sức bật mang tính đột phá về mặt giá trị. Đây là trăn trở không chỉ với ngành chuyên môn mà cả chính quyền địa phương.

Mô hình nuôi cá trắm đen của gia đình ông Phạm Văn Dân ở xã Hưng Công (Bình Lục). 

Thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với phát triển nuôi trồng thủy sản ở Hà Nam là tìm giải pháp để tổ chức sản xuất hiệu quả, từng bước khắc phục hạn chế về quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Trước mắt, xây dựng những mô hình điểm ở những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung giai đoạn 2017-2020 đã và đang bám sát mục tiêu đó. Sau hơn một năm thực hiện đề án, đến nay, 5 HTX đã được thành lập, hoạt động theo mô hình HTX ít thành viên ở các địa phương có vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Mục đích thành lập các HTX nhằm hỗ trợ nông dân tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, trên cơ sở xây dựng liên kết ngang và liên kết dọc trong khâu tiêu thụ sản phẩm và cung ứng một số vật tư đầu vào theo nhu cầu sản xuất của xã viên.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát huy vai trò của các HTX trong lĩnh vực này không dễ như mong đợi. Ông Phạm Khắc Sáu, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kim Bảng nhận định: Thành lập mô hình HTX để nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất về nuôi trồng thủy sản là hướng đi đúng, đáp ứng yêu cầu và chủ trương đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp. Vấn đề ở chỗ, các địa phương đang thiếu những nhân tố điển hình. Người đứng mũi, chịu sào lãnh đạo mô hình HTX mới (ít thành viên) còn thiếu kinh nghiệm điều hành, tổ chức hoạt động. Trong khi, phát triển nuôi trồng thủy sản đang gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là tình trạng ô nhiễm nguồn nước, quy mô diện tích sản xuất của thành viên HTX còn nhỏ, chưa kể trình độ, năng lực và khả năng tiếp cận ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất không đồng đều. Người chăn nuôi chủ yếu vẫn tự mò mẫm hướng đi, tự tìm đầu ra cho sản phẩm. HTX chưa thể hiện rõ vai trò điều hành, liên kết sản xuất kinh doanh gắn với thị trường. Những khó khăn đó đang là rào cản đối với tập hợp, thu hút xã viên bắt tay liên kết làm ăn theo mô hình HTX. Chính vì vậy, việc nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản chưa được như mong muốn.

Nói về một số khó khăn trong tổ chức sản xuất chăn nuôi thủy sản hiện nay, ông Phạm Anh Tuấn cho biết thêm: Quy mô diện tích sản xuất nhỏ lẻ là rào cản lớn nhất khiến cho việc tổ chức lại sản xuất của nông dân gặp khó khăn. Một mô hình lý tưởng phải có diện tích ít nhất từ 1 ha trở lên. Những khu nuôi trồng thủy sản ở tỉnh ta phần lớn được chuyển đổi từ diện tích sản xuất đa canh. Tư duy sản xuất đa canh của nông dân đang ảnh hưởng rất lớn đến chuyên canh nuôi trồng thủy sản. Sự kết hợp, lồng ghép trong sản xuất đa canh có những điểm tích cực, nhưng nếu để nâng cao hiệu quả kinh tế nuôi trồng thủy sản, đòi hỏi nông dân phải chuyên canh. Thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng thêm các mô hình HTX ít thành viên trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tạo nhân tố điển hình để nhân rộng.

Mô hình chuyển đổi ruộng trũng của gia đình ông Phạm Văn Dân ở xã Hưng Công (Bình Lục) có diện tích hơn 8 mẫu, trong đó, ông Dân dành 3 mẫu để đào ao nuôi thủy sản. Ông Dân chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi sản xuất đa canh, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Mấy năm trở lại đây, tôi chuyển hẳn sang nuôi cá trắm đen. Chuyên canh nuôi cá trắm đen, đòi hỏi tăng chi phí đầu tư để ứng dụng KHKT, song bù lại, đầu ra cho sản phẩm thuận lợi vì lượng cá lớn, dễ tìm đối tác liên kết”.

Chuyên canh là động lực thúc đẩy buộc ông Dân phải tính toán đầu tư sản xuất bài bản, nhất là áp dụng KHKT trong xử lý nguồn nước, phòng chống dịch bệnh cho cá, thời điểm thu hoạch để cá được giá... Mỗi năm, gia đình ông Dân xuất khoảng 30 tấn cá trắm đen, lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với sản xuất chăn nuôi lồng ghép theo mô hình đa canh trước đó. Có điều, những mô hình sản xuất hiệu quả về chuyên canh thủy sản khu vực nội đồng như hộ ông Phạm Văn Dân không nhiều. 

Để khai thác tốt nguồn lợi về nuôi trồng thủy sản, Phòng Thủy sản đã tham mưu với Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp và phát triển hình thức nuôi thâm canh các đối tượng nuôi thủy sản, nuôi cá lồng trên sông Hồng và triển khai Đề án Xây dựng mô hình điểm nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao” sản xuất theo chuỗi liên kết. Hiện đề án đang được thực hiện tại xã Nhân Đạo (Lý Nhân) và Tiêu Động (Bình Lục).

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đang được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển bằng những cơ chế phù hợp của tỉnh. Vấn đề còn lại là sự vào cuộc tích cực của chính quyền các địa phương và sự nỗ lực của những hộ đang tham gia sản xuất, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển nuôi trồng thủy sản ở tỉnh ta.

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.