Hiện nay, xã Hợp Lý (Lý Nhân) là một trong số ít địa phương của tỉnh vẫn phủ kín 100% diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa. Đậu tương là cây trồng duy nhất trên diện tích vụ đông của Hợp Lý, đã phát huy hiệu quả cả về năng suất và giá trị kinh tế. Vì thế, vụ đông được xác định là vụ chính thứ 3 và cho giá trị tương đương 2 vụ lúa.
Trên cánh đồng thôn Chỉ Trụ, xã Hợp Lý (Lý Nhân), ông Trần Đình Sắn đang dùng máy cắt gốc rạ phủ cho hạt đậu tương mới gieo. Đây là công việc thường xuyên vào đầu vụ đông của ông Sắn từ nhiều năm nay. Để thuận lợi cho quá trình sản xuất và kịp thời vụ, khi lúa mùa chuẩn bị thu hoạch ông Sắn đưa hạt giống đậu tương ra gieo trên ruộng. Gia đình ông có 4,5 sào đất lúa và được trồng toàn bộ cây đậu tương đông. Ông Sắn tâm sự: Sản xuất cây đậu tương vụ đông được chúng tôi coi trọng như 2 vụ lúa. Trồng cây đậu tương phù hợp với điều kiện lao động mà vẫn cho thu nhập…
Cùng với ông Sắn, phần lớn người dân có diện tích đất lúa của xã Hợp Lý đều sản xuất cây đậu tương đông. Nhiều người còn mượn thêm ruộng của những hộ không có nhu cầu sản xuất để làm. Hình thức gieo trồng cây đậu tương của người dân Hợp Lý khá đa dạng. Với những diện tích đất cao không bị lún, lầy được gieo hạt giống đậu tương trước khi gặt lúa, những ruộng trũng sẽ trồng sau khi máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa. Như vậy, thu hoạch lúa mùa và gieo trồng cây đậu tương đông được thực hiện song song. Người dân cắt gốc rạ phủ mặt ruộng có nhiều tác dụng, như: che phủ cho hạt đậu tương mới xuống giống, tạo mùn tơi xốp cho đất, trở thành phân bón… Có những vụ thuận lợi, người trồng đậu tương tại Hợp Lý không phải bón phân cho cây.
Cây đậu tương đông được người dân Hợp Lý sử dụng giống ĐT84 có tiềm năng cho năng suất cao. Bình quân mỗi sào trồng đậu tương cho năng suất đạt 70 kg/sào. Giá sản phẩm đậu tương thời gian gần đây duy trì ở mức cao, 20 nghìn đồng/kg. Như vậy, 1 sào đậu tương cho giá trị 1,4 triệu đồng, tương đương với cấy lúa. Trong khi đó, chi phí sản xuất đậu tương thấp, chỉ khoảng 150 nghìn đồng, kể cả tiền giống, phân bón... Tính suất đầu tư của đậu tương chỉ bằng 20% so với cây lúa nên lợi nhuận cao gấp khoảng 3 lần.
Cây đậu tương đông rất ít sâu, bệnh gần như không phải phun thuốc phòng trừ. Về cơ bản, người trồng đậu tương chỉ mất thời gian gieo trồng và thu hoạch. Hơn nữa việc thu hoạch hiện rất thuận tiện, sử dụng bằng máy ngay trên ruộng. Đậu tương hiện nay được sử dụng không chỉ chế biến thực phẩm (đậu phụ) còn dùng làm phân bón cho nhiều loại cây trồng (cây ăn quả, hoa, cây cảnh…) với nhu cầu lớn. Do trồng tập trung quy mô lớn trên toàn địa bàn, sản phẩm hạt đậu tương phần lớn được thương lái đến thu mua ngay tại đầu bờ.
Để thuận lợi cho gieo trồng cây đậu tương đông, HTX Nông nghiệp Hợp Lý đã nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ sản xuất. Trong đó, chú trọng đến khâu dịch vụ thủy nông, bảo đảm yêu cầu tưới, tiêu. Trên các cánh đồng, hệ thống kênh mương được cải tạo, bổ sung, không còn tình trạng ruộng trũng, khó tưới, tiêu, HTX huy động các nguồn lực kiên cố hóa được 11 km kênh chính, bằng hơn 30% tổng chiều dài kênh mương trên địa bàn. Hai trạm bơm nội đồng được thường xuyên duy tu, bảo dưỡng đáp ứng năng lực phục vụ. Do vậy, cơ bản các cánh đồng nước tưới được cung cấp đầy đủ, việc tiêu thoát được bảo đảm. Người dân cũng được hướng dẫn tạo rãnh trên mặt ruộng để khi có mưa nước tiêu thoát nhanh…
Ông Trần Văn Hiên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hợp Lý cho biết: Địa phương xác định tầm quan trọng của vụ đậu tương đông tương đương với 2 vụ lúa. Ngay từ đầu năm, khi xây dựng kế hoạch sản xuất gắn kết 3 vụ để bố trí cơ cấu mùa vụ phù hợp bảo đảm 100% diện tích được gieo cấy trà lúa mùa sớm trồng đậu tương đông. Quá trình sản xuất được chỉ đạo xuyên suốt từ cấp ủy, chính quyền đến các hội, đoàn thể tháo gỡ khó khăn và tuyên truyền, vận động người dân gieo trồng cây đậu tương đông hết diện tích đất hai lúa. Đây là loại cây trồng có ưu thế không tốn nhiều chi phí, công lao động, giúp cải tạo đất hiệu quả. Với những ưu thế về năng suất, chi phí sản xuất và hiệu quả kinh tế, tin rằng, cây trồng này sẽ tiếp tục được người dân địa phương lựa chọn sản xuất trong những vụ tiếp theo.
Mạnh Hùng