kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Thị trường bán lẻ hàng thời trang truyền thống gặp khó

Thị trường bán lẻ hàng thời trang truyền thống gặp khó

Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây đã và đang tạo ra những cơ hội và thách thức đan xen cho các loại hình kinh doanh thương mại, dịch vụ, trong đó có mặt hàng thời trang. Các cửa hàng kinh doanh hàng thời trang truyền thống phải đối mặt với nhiều khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt về giá cả, chất lượng, mẫu mã trong khi lượng khách vãng lai giảm sút mạnh.

Cách đây khoảng 7 năm, chị Nguyễn Thị Xuân (phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý) đã thuê mặt bằng trên đường Trường Chinh mở cửa hàng kinh doanh quần áo trẻ em để khởi nghiệp. Do có sự đầu tư, lựa chọn hàng hóa kỹ càng nên trong thời gian đầu mới mở, cửa hàng kinh doanh của chị Xuân hoạt động khá thuận lợi với lượng khách hàng đến xem và mua hàng rất đông, nhất là vào giờ tan tầm và các ngày cuối tuần. Tuy nhiên, hơn 2 năm nay, cửa hàng dần thưa vắng khách, có những ngày gần như không có khách nào vào xem hàng khiến chị phải thanh lý đồ giá rẻ và đóng cửa hàng.

Chị Xuân cho biết: Trong những thời điểm cửa hàng không có khách đến xem đồ, tôi cũng đã mày mò học hỏi, nghiên cứu các phương thức kinh doanh online và thử chuyển hướng sang đăng bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook, tiktok. Thế nhưng do chưa có kinh nghiệm và không có nhiều kinh phí để đầu tư chạy quảng cáo thường xuyên nên lượng người xem, người mua không nhiều; lượng đơn hàng online cũng chỉ lác đác trong ngày. Gặp khó trong kinh doanh hàng thời trang, tôi đã chuyển sang kinh doanh online các mặt hàng khác như thực phẩm, đồ gia dụng… để kiếm sống.

Khách chọn mua hàng thời trang tại Siêu thị Lan Chi, phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên.

Tình trạng ế ẩm, đìu hiu trong kinh doanh bán lẻ mặt hàng thời trang dẫn đến việc phải đóng cửa hàng diễn ra khá phổ biến trong khoảng 2-3 năm nay trên địa bàn tỉnh. Qua ghi nhận, 2 năm nay, dù không phải là dịp lễ, Tết nhưng trong suốt cả năm, các cửa hàng thời trang vẫn liên tục treo biển quảng cáo giảm giá sâu, đồng giá mà vẫn không thu hút được khách vào mua hàng. Nhiều chủ cửa hàng cho biết, có những ngày, từ sáng tới chiều mới có 1-2 khách vào hỏi đồ, thậm chí nhiều ngày không có khách. Nguyên nhân được các chủ cửa hàng lý giải là do thương mại điện tử đang phát triển mạnh. Hàng thời trang được bày bán tràn lan trên các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, TikTok… với mức giá rất rẻ và cạnh tranh cao. Thêm vào đó, số lượng các hội, nhóm buôn bán, trao đổi hàng thời trang cũ, mới của các thương hiệu ngày càng nhiều. Số người quảng cáo, nhận đặt mua hàng thời trang Quảng Châu (Trung Quốc) và các thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới ngày càng đông, thu hút sự quan tâm của bộ phận lớn khách hàng có thu nhập khá. Thế nên, nếu không đầu tư một cách bài bản sang hình thức kinh doanh này thì các cửa hàng thời trang truyền thống sẽ khó tồn tại.

Chị Nguyễn Thị Liên, chủ một cửa hàng kinh doanh hàng thời trang nữ trên đường Biên Hoà (thành phố Phủ Lý) cho biết: Trước đây, tôi mở đồng thời hai cửa hàng kinh doanh thời trang, gồm một cửa hàng chuyên bán quần áo nữ và một cửa hàng bán đồ trẻ em. Thời điểm “hoàng kim” tôi phải thuê 2 nhân viên làm việc tại mỗi cửa hàng. Tầm 3 năm nay, kinh doanh ngày càng khó khăn, tôi đã phải đóng cửa hàng bán đồ trẻ em để cắt lỗ do chi phí thuê nhân viên bán hàng và tiền thuê mặt bằng cao. Thời gian này, tôi đang tập trung cho cửa hàng bán quần áo nữ với các mặt hàng ở phân khúc bình dân, hướng tới đối tượng khách hàng là các bạn trẻ mới ra trường đi làm có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên… Tuy nhiên, việc kinh doanh cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Khách hàng đến mua đồ thưa thớt. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, tôi sẽ phải đóng nốt cửa hàng và tính toán phương án làm ăn khác dù nghề này đã gắn bó với tôi bao năm nay.

Dạo quanh một vòng thành phố Phủ Lý dễ dàng nhận thấy, nhiều cửa hàng vốn “có tiếng” một thời trong lĩnh vực kinh doanh hàng thời trang hiện đã phải đóng cửa và chuyển giao mặt bằng cho các đơn vị kinh doanh mặt hàng khác. Bên cạnh đó, ngay cả một số cửa hàng của các thương hiệu thời trang lớn trong nước cũng phải đóng cửa sau một thời gian hoạt động do các thương hiệu đã có kênh online riêng với hoạt động bán hàng livestream diễn ra phổ biến, thu hút đông đảo người xem và đặt hàng đã khiến cho các cửa hàng bán hàng theo phương thức truyền thống gặp khó. Để duy trì doanh số bán hàng, các cửa hàng thời trang đã tiếp cận, sử dụng sàn thương mại điện tử và chạy quảng cáo mạnh mẽ qua các nền tảng. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công với phương thức kinh doanh mới này. Nhiều người đã phải chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác để mưu sinh. Bởi thị trường hàng thời trang online có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Kinh tế phát triển, người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn kênh mua sắm phù hợp cho mình.

Chị Trần Thu Huyền, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý chia sẻ: Hầu hết quần áo, giày dép bản thân và người thân trong gia đình đều do tôi đặt mua online qua hình thức đặt hàng tại các livestream bán hàng của các thương hiệu, cửa hàng uy tín hoặc đặt mua trên sàn thương mại điện tử với nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá hấp dẫn cộng với miễn phí giá vận chuyển. Nhiều dịp lễ, Tết trong năm, tôi còn “canh sale” được những mã hàng chỉ phải mua với mức giá 9.000 đồng, 19.000 đồng... trong khi giá gốc của sản phẩm vài trăm nghìn đồng. Hàng hóa mua online lại phong phú, đa dạng để mình thoải mái lựa chọn, so sánh về giá. Chính vì thế, lâu lắm rồi tôi không còn đi tìm mua đồ tại các cửa hàng như trước nữa.

Thương mại điện tử ở Việt Nam nói chung, tại Hà Nam nói riêng được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh. Việc mua sắm online đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết chỉ bằng những cú “kích chuột” trên máy tính, điện thoại thông minh. Bên cạnh cơ hội bứt phá, phát triển thì các thương hiệu thời trang bán lẻ cũng phải đối mặt với “bài toán” khó khăn về việc nắm bắt xu hướng, cần nhanh chóng chuyển mình để theo kịp thị trường mới có thể tồn tại, phát triển.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy