Sáng 19/6, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức Hội thảo sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và liên kết chuỗi với các cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
Tham dự hội thảo có các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất và cửa hàng tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC), đến nay, toàn tỉnh có 6 khu NNƯDCNC đã được quy hoạch, với tổng diện tích 651,8 ha, đạt 130% kế hoạch; trong đó, diện tích đã ký hợp đồng cho các doanh nghiệp thuê lại quyền sử dụng đất là 206,6 ha. Tổng kinh phí đã đầu tư vào các khu NNƯDCNC hơn 392 tỷ đồng, trong số này, tỷ lệ vốn các doanh nghiệp đầu tư chiếm 81,9%. Hiện, có 4 doanh nghiệp đã tổ chức đầu tư sản xuất NNƯDCNC, đạt nhiều kết quả tích cực. Sản phẩm chủ yếu là các loại rau, củ, quả, hoa.
Thực hiện Kế hoạch số 1381/KH-UBND của UBND tỉnh về Sản xuất nông nghiệp sạch làm vệ tinh, liên kết chuỗi với các cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2018-2019, toàn tỉnh có 84 xã tổ chức tích tụ, tập trung được 1.857 ha đất, đạt 123,8% kế hoạch, xây dựng được 161 mô hình sản xuất rau, củ, quả, cây dược liệu, lúa, thu hút 5.618 hộ tham gia. Các mô hình liên kết sản xuất nông sản sạch cho giá trị kinh tế cao hơn từ 10-20% so với sản xuất truyền thống và có tính ổn định cao.
Các cơ chế, chính sách của UBND tỉnh nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã được triển khai, như: hỗ trợ vay vốn, làm giấy chứng nhận GlobalGAP, xúc tiến đầu tư giới thiệu sản phẩm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình sản xuất và liên kết sản xuất nông sản sạch còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể như: Các mô hình sản xuất quy mô nhỏ, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm còn thấp, giá trị gia tăng chưa cao; năng lực tài chính, kinh nghiệm sản xuất và tiếp cận thị trường của nông dân còn hạn chế; còn ít mô hình sản xuất rau, củ, quả sạch, ứng dụng công nghệ cao.
Hội thảo đã nghe nhiều ý kiến làm rõ hơn về cơ chế, chính sách của tỉnh trong việc khuyến khích phát triển sản xuất nông sản sạch, sản phẩm tham gia chương trình OCOP; kinh nghiệm về tổ chức sản xuất bắp cải xuất khẩu đi Nhật Bản. Đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ về chủ trương, kế hoạch của doanh nghiệp trong quá trình liên kết sản xuất nông sản tại Hà Nam.
Đại diện các doanh nghiệp khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục liên kết sản xuất nông sản sạch với nông dân tại Hà Nam trên cơ sở mở rộng quy mô, diện tích và kiểm soát tốt về chất lượng nông sản. Sản xuất nông nghiệp có thời vụ, để nâng cao hiệu quả liên kết, cần mở rộng chuỗi liên kết ngang và liên kết dọc, lựa chọn những sản phẩm chủ lực và phát huy khả năng tổ chức, kinh nghiệm sản xuất của các đơn vị tham gia chuỗi.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, đồng chí Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp thu đầy đủ, toàn diện các ý kiến. Đồng thời khẳng định sẽ phân loại các ý kiến về các lĩnh vực, liên quan đến lĩnh vực nào, cơ quan có liên quan sẽ nghiên cứu có giải pháp hỗ trợ nhằm tăng cường liên kết chuỗi, phát triển các chuỗi hiện có đảm bảo tính bền vững. Tới đây, Ban sẽ tham mưu với UBND tỉnh, Sở NN&PTNT thực hiện tốt hơn công tác phổ biến các cơ chế, chính sách; giải pháp để các đơn vị đủ điều kiện được hưởng cơ chế hỗ trợ của tỉnh về lĩnh vực này.
Bích Huệ