Hiệu quả từ mô hình nuôi vịt trời quy mô lớn

Khu trang trại của anh Lê Văn Điệp, tổ dân phố số 2, thị trấn Quế (Kim Bảng) nằm sát ven đê sông Đáy, luôn duy trì nuôi 5.000 con vịt trời sinh sản và thương phẩm theo hình thức bán công nghiệp. Mỗi ngày, anh Điệp xuất bán đều đặn ra thị trường từ 100 – 200 con vịt thịt. Đây được đánh giá là mô hình nuôi vịt trời có quy mô tập trung, cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn.

Mô hình nuôi vịt trời của anh Lê Văn Điệp

Được biết, anh Lê Văn Điệp bắt đầu nuôi vịt trời cách đây hơn 10 năm. Việc phát triển chăn nuôi vịt trời của anh xuất phát từ nhu cầu chuyển dịch phát triển kinh tế gia đình, trong điều kiện các đối tượng vật nuôi khác luôn trong tình trạng bấp bênh về giá cả, đầu ra cho sản phẩm. 

Vịt trời vốn có nguồn gốc từ hoang dã được lai tạo, thuần hóa, có chất lượng thịt ngon hơn các loại ngan, vịt thường… Đây được coi là con nuôi đặc sản, được người tiêu dùng ưa chuộng. Chăm sóc vịt trời không khác nhiều so với vịt truyền thống, nhưng lại có ưu điểm không cần nhiều diện tích khu chuồng nuôi, chỉ khoảng 500m2 cho 5.000 con. 

Anh Điệp chăn nuôi vịt trời theo hướng, tận dụng thả ngoài ruộng khi vịt còn nhỏ và khi vịt đạt độ tuổi từ 2 - 3 tháng bắt đầu bay được mới đưa về nuôi trong lưới tại trang trại. Nuôi vịt trời khá thuần, khi được tiêm phòng vắc - xin đầy đủ ít bị dịch bệnh.

Về hiệu quả kinh tế, vịt trời nuôi từ 5,5 – 6 tháng, độ tuổi cho thịt ngon nhất có giá dao động từ 110 – 120 nghìn đồng/con (trọng lượng từ 0,9 – 1,1 kg). Trừ mọi chi phí, lợi nhuận được 10 nghìn đồng/con. Tương tự, một con nuôi 3 tháng có giá 55 – 60 nghìn đồng/con, lợi nhuận cũng đạt ở mức 10 - 15%. 

Thị trường tiêu thụ vịt trời của anh Điệp khá đa dạng, bán cho người tiêu dùng trong vùng, xuất bán buôn đi các tỉnh, thành phố lân cận, như: Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên… 

Anh Điệp tâm sự: Thị trấn Quế bình quân ruộng đất thấp, cả gia đình tôi chỉ có 4 sào đất cấy, vì thế để phát triển kinh tế và gắn bó với nghề nông tôi đã lựa chọn nuôi vịt trời theo quy mô lớn tập trung. Hướng đi này ổn định và bền vững do con nuôi đặc sản này đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Được biết, trong quá trình sản xuất, anh Điệp còn mở rộng sản xuất và kinh doanh vịt trời giống cho các hộ trong vùng có nhu cầu nuôi. Đồng thời, anh liên kết chăn nuôi vịt với một số hộ tại xã Thanh Hà (Thanh Liêm), huyện Nho Quan (Ninh Bình) và tại Hải Dương. Theo đó, anh chịu trách nhiệm cung cấp con giống, xử lý tiêm phòng vắc - xin cho đàn vịt và thu mua lại toàn bộ vịt thương phẩm. Tổng đàn vịt trời anh Điệp liên kết tại các địa phương trong và ngoài tỉnh lên đến gần 10.000 con. Riêng hộ liên kết tại xã Thanh Hà thường xuyên nuôi 1.000 con.

Chăn nuôi gia cầm, nhất là thủy cầm thời gian qua trên địa bàn tỉnh liên tục gặp khó khăn do giá cả bấp bênh. Có thời điểm giá vịt thịt xuống dưới 30 nghìn đồng/kg, người chăn nuôi thua lỗ nặng. Tuy nhiên, giá vịt trời thương phẩm vẫn duy trì ổn định trong thời gian dài.

Cũng như anh Lê Văn Điệp, trên địa bàn huyện Kim Bảng có khá nhiều hộ chuyển từ vịt truyền thống sang nuôi vịt trời, tuy đa phần mới ở quy mô nhỏ dưới 1.000 con, tập trung nhiều ở các xã: Văn Xá, Nhật Tân, Hoàng Tây… Thực tế cho thấy, nhu cầu tiêu dùng đối với vịt trời cao. Do vậy, mô hình chăn nuôi vịt trời của anh Lê Văn Điệp cần được các hộ dân học tập, mở rộng chăn nuôi, nâng cao thu nhập.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy