Gỡ khó cho mở rộng sản xuất lúa hữu cơ

Trao đổi về việc sản xuất lúa hữu cơ, ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm cho biết: Sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ đòi hỏi rất nhiều yếu tố cả về điều kiện tự nhiên và yêu cầu kỹ thuật khắt khe. Do vậy, để mở rộng được diện tích lúa hữu cơ cần có quá trình từng bước.

Từ vụ xuân 2021, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) La Sơn (Bình Lục) triển khai xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng hữu cơ có quy mô diện tích 10 ha.  Để đạt tiêu chuẩn và được công nhận sản phẩm hữu cơ, quá trình sản xuất HTX đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Theo đó, toàn bộ cây lúa trong mô hình đều được sử dụng bằng phân bón hữu cơ. Việc diệt trừ ốc bươu vàng đều bắt thủ công và ngăn chặn nguồn xâm nhập từ bên ngoài vào ruộng qua đường nước…

Đối với phòng trừ sâu, bệnh, HTX tự chế biến thuốc thảo mộc từ nguyên liệu chính, gồm: Tỏi, gừng, ớt… Khu vực sản xuất lúa hữu cơ cũng được lựa chọn bảo đảm độ cách ly, không gần nghĩa địa hay nguồn gây ô nhiễm môi trường. Về chất đất, nguồn nước cung cấp cho sản xuất được xét nghiệm bảo đảm yêu cầu. Quá trình sản xuất được cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, đánh giá. Sau 3 vụ sản xuất và thực hiện đầy đủ yêu cầu kỹ thuật, mô hình được cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ từ vụ mùa năm 2022. Như vậy, để có được sản phẩm lúa hữu cơ trong quá trình sản xuất mất khá nhiều thời gian. Chi phí sản xuất tăng lên đáng kể so với bên ngoài mô hình. Chỉ tính riêng công bắt và diệt ốc bươu vàng trong mô hình mỗi vụ khoảng 20 triệu đồng.

Với khâu tiêu thụ sản phẩm từ lúa hữu cơ của HTXDVNN La Sơn hiện nay đang gặp khó khăn. Toàn bộ lượng thóc sản xuất ra HTX đang nhập cho đại lý chế biến tại tỉnh Nam Định với giá thỏa thuận cao hơn khoảng 10 - 15% so với thóc cùng loại sản xuất đại trà. Việc đưa sản phẩm vào các chuỗi siêu thị để nâng giá trị sản phẩm gặp khó khăn do không duy trì ổn định về số lượng và chủng loại sản phẩm theo yêu cầu. Hiện, HTXDVNN La Sơn đang sản xuất lúa hữu cơ giống chất lượng ST25.

Ông Phạm Văn My, Phó Giám đốc HTXDVNN La Sơn cho biết: HTX nỗ lực xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Tuy nhiên, do chi phí đầu vào cao, nhưng giá thành sản phẩm bán ra chưa tương xứng. Điều này dẫn đến việc khó khăn trong tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất. Ngoài ra, để tập trung ruộng đất đáp ứng các yêu cầu vùng sản xuất hữu cơ đang là vấn đề khó giải quyết do tình trạng manh mún ruộng đất.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại HTXDVNN La Sơn được Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xây dựng và triển khai thực hiện. Từ mô hình tại La Sơn hướng đến nhân rộng thêm các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Bước đầu, mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại La Sơn đã đem lại hiệu quả nhất định. Từ mô hình, một số hộ dân trong xã đã thực hiện bón phân hữu cơ cho lúa, giảm lượng phân hóa học. Cùng với đó, có 20% các hộ diệt trừ ốc bươu vàng bằng biện pháp thủ công thay cho dùng thuốc hóa học như trước đây. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có một số diện tích lúa được sản xuất theo hướng hữu cơ, nhất là trong việc sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Gỡ khó cho mở rộng sản xuất lúa hữu cơ
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại HTXDVNN La Sơn (Bình Lục). Ảnh: Thành Nam

Tuy nhiên, việc mở rộng các mô hình sản xuất lúa hữu cơ hiện khó thực hiện trên địa bàn tỉnh. Thực tế ở HTXDVNN La Sơn cho thấy, để sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ đòi hỏi có vùng quy hoạch sản xuất tập trung đạt được các yêu cầu về môi trường, nguồn nước… trong khi hầu hết ruộng đất của người dân các địa phương trong tỉnh vẫn còn khá manh mún. Trên một cánh đồng rộng 5 - 10 ha có đến hàng chục và cả trăm hộ sản xuất. Chỉ cần 1 - 2 hộ trong khu quy hoạch không đồng ý sản xuất theo phương pháp hữu cơ sẽ không thực hiện được. Cùng với đó, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm thóc, gạo đúng giá trị sản xuất hữu cơ cũng là hạn chế lớn. Với sản phẩm gạo hữu cơ phải tiêu thụ với giá thành ít nhất tăng 1,5 - 1,7 lần sản phẩm cùng loại sản xuất đại trà mới bắt đầu có lợi nhuận, chưa tính khoảng 3 vụ đầu xây dựng chưa được chứng nhận hữu cơ.

Trao đổi về việc sản xuất lúa hữu cơ, ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm cho biết: Sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ đòi hỏi rất nhiều yếu tố cả về điều kiện tự nhiên và yêu cầu kỹ thuật khắt khe. Do vậy, để mở rộng được diện tích lúa hữu cơ cần có quá trình từng bước. Trước mắt, đơn vị phối hợp cùng các địa phương tuyên truyền để người dân áp dụng quy trình sản xuất lúa hữu cơ phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất hiện nay.

Sản xuất nông nghiệp nói chung và cây lúa nói riêng của tỉnh đang hướng đến sản phẩm hàng hóa, chất lượng. Về lâu dài, sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ là yêu cầu tất yếu của phát triển sản xuất. Vì vậy, các địa phương lựa chọn mở rộng sản xuất đạt chất lượng an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP... cần phải sớm tháo gỡ những khó khăn trên, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Có như vậy, mô hình sản xuất lúa hữu cơ mới thực sự phát huy hiệu quả và được nhân rộng.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy