Trong những năm gần đây, chăn nuôi gia cầm tại các địa phương trong tỉnh có xu hướng tăng cả về số lượng đàn và quy mô chăn nuôi. Hiện, tổng đàn gia cầm của tỉnh có 7,5 triệu con, tăng gần 2 triệu con so với năm 2015; đồng thời, cả tỉnh có trên 150 hộ chăn nuôi quy mô trang trại, số lượng từ 1.000 con gia cầm trở lên.
Chăn nuôi phát triển mạnh, tuy nhiên giá các loại thịt, trứng gia cầm thiếu ổn định ở nhiều thời điểm trong năm, dẫn đến việc chăn nuôi khá bấp bênh, không duy trì ổn định tổng đàn thường xuyên. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở NN & PTNT) cho biết: Phát triển chăn nuôi gia cầm thời gian qua được xác định là hướng đi chính thay thế cho đàn lợn bị thiệt hại sau dịch tả lợn châu Phi. Mặc dù vậy, chăn nuôi gia cầm vẫn đang phụ thuộc chính vào thị trường tự do về giá cả dẫn đến thiếu tính ổn định. Do vậy, số lượng đàn gia cầm cũng không ổn định tại nhiều thời điểm trong năm.
Qua theo dõi từ đầu năm 2020 đến nay, giá gia cầm và sản phẩm gia cầm lên, xuống khá nhiều. Điển hình, vào khoảng tháng 2, tháng 3, giá tất cả các loại gia cầm và sản phẩm gia cầm đều đồng loạt giảm sâu. Như, gà thịt trắng xuống từ 14 đến hơn 20 nghìn đồng/kg, người chăn nuôi lỗ từ 5 – 10 nghìn đồng/kg. Giá vịt thịt khi đó chỉ ở mức dưới 20 nghìn đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất đến hơn 10 nghìn đồng/kg. Ngay giá trứng gà dao động dưới 1.500 đồng/quả, trong khi để bắt đầu có lãi phải đạt 1.700 đồng/quả. Hay trong tháng 8 vừa qua, giá các loại gia cầm giảm từ 2 – 3 nghìn đồng trở lên so với tháng trước, như: gà công nghiệp ở mức 26.000 – 30.000 đồng/kg, vịt thịt từ 30.000 – 35.000 đồng/kg… Thực tế, giá bán gia cầm và sản phẩm gia cầm có thể lên, xuống theo ngày hoặc thời điểm bất kỳ rất khó dự đoán. Điều này ảnh hưởng đến quá trình chăn nuôi gia cầm của người dân ở từng thời điểm.
HTX gà giống Toàn Thắng (Bình Nghĩa, Bình Lục) có 7 thành viên, luôn duy trì 50.000 con gà đẻ. Tuy nhiên, vào giai đoạn đầu năm khi giá trứng gia cầm giảm, đàn gà của HTX cũng giảm đến 40%. Hầu hết các thành viên của HTX đều giảm số lượng đàn gà đẻ, đã có hộ bỏ trống một phần chuồng nuôi. Hay gia đình bác Nguyễn Thị Thập, tổ dân phố Quang Ấm, phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý) thường xuyên nuôi 800 con gà thịt, 400 vịt thịt và 450 ngan Pháp đẻ. Vừa qua, bác Thập xuất chuồng 400 vịt thịt với giá 32 nghìn đồng/kg, lỗ 5 nghìn đồng/kg. Hay, giá ngan giống ấp nở có thời điểm trong năm xuống 2.500 đồng/con kéo dài dẫn đến việc chăn nuôi ngan cũng bị thua lỗ. Theo tính toán, trong 8 tháng năm 2020 gia đình bác Thập đã bị lỗ 70 triệu đồng từ đàn ngan đẻ, còn đàn gà thịt cũng không mấy khả quan do tỷ lệ hao hụt cao.
Theo bác Thập, chăn nuôi là nghề chính của gia đình, nhưng giá cả không ổn định dẫn đến thường xuyên bị thua lỗ. Gia đình tôi đang tính toán có thể phải giảm số lượng chăn nuôi để cắt lỗ. Trước mắt sẽ tạm thời chưa nhập vịt giống về nuôi.
Tìm hiểu tình trạng bấp bênh về giá cả của gia cầm có khá nhiều nguyên nhân. Nổi lên là dịp sau tết Nguyên đán (tầm tháng 2, tháng 3) nhu cầu tiêu dùng, chế biến, kể cả với trứng gia cầm thấp. Do vậy, thường thời điểm này giá gia cầm và sản phẩm gia cầm luôn ở mức thấp. Một nguyên nhân nữa là do chăn nuôi gia cầm theo lứa, khi đồng loạt gia cầm đến lứa bán nguồn cung nhiều dẫn đến giảm giá…
Trong điều kiện hiện nay, chăn nuôi gia cầm vẫn đang được nhiều người dân lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình. Do vậy, để đàn gia cầm thực sự phát huy hiệu quả, người chăn nuôi cần lựa thời điểm nhập giống phù hợp. Đồng thời, nuôi theo phương pháp rải lứa, không bán tập trung dễ bị ảnh hưởng khi gặp giá thấp. Cùng với đó, khi tái nhập đàn mới cần lựa chọn con giống rõ nguồn gốc, sạch bệnh; đồng thời, áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhất là tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin nhằm tránh rủi ro từ dịch bệnh... Với các trang trại chăn nuôi lớn, cần tìm mối liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định cả về giá cả và số lượng. Có như thế, chăn nuôi gia cầm mới thực sự đem lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân.
Mạnh Hùng