Sáng 8/6, đoàn công tác của Tỉnh ủy Hà Nam do đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã đi khảo sát thực tế mô hình trồng lúa năng suất cao từ việc sử dụng phân bón Nano Silic tại xã Khánh Trung và mô hình trồng dưa bón phân Nano Silic tại xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình). Tham dự đoàn công tác có đồng chí Đặng Đình Thoảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, lãnh đạo Sở NN & PTNT, huyện Bình Lục và huyện Thanh Liêm..
Tại các mô hình tham quan, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư công nghệ xanh, đơn vị tiến hành thử nghiệm phân bón Nano Silic đã báo cáo với đoàn về quy trình sử dụng phân bón Nano Silic để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Phân Nano Silic được sử dụng bón cho 30 ha lúa trong mô hình tại xã Khánh Trung, là phân bón có tỷ lệ thành phần dinh dưỡng hài hòa. Phân được tiến hành khảo nghiệm trên cây lúa trong vụ xuân 2022, là vụ sản xuất thứ 3, cho phản hồi tích cực. Cây lúa cứng, khỏe, hạn chế sâu, bệnh giảm 70% lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng so với ngoài mô hình. Dự kiến năng suất tăng khoảng 30% trở lên so với cách bón phân thông thường.
Đối với mô hình trồng dưa sử dụng phân Nano Silic tại xã Khánh Cư đã tiết kiệm chi phí lên hơn 5 triệu đồng/ha. Cây dưa khỏe, hạn chế sâu, bệnh, chất lượng quả ngon, đạt trọng lượng tối đa từ 1,3 – 1,4 kg/quả. Trong bối cảnh giá phân bón liên tục tăng từ đầu năm 2021 đến nay, việc sử dụng phân bón Nano Silic là giải pháp tiết kiệm đúng mức, giúp giảm lượng phân bón hóa học, đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng; là hướng đi tiềm năng cho sản xuất nông nghiệp.
Sau khi khảo sát, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao việc phát triển sản phẩm phân bón Nano Silic của doanh nghiệp. Với dòng phân bón sử dụng công nghệ Nano Silic là loại phân hữu cơ, thân thiện với môi trường và là một trong những biện pháp hiệu quả hướng đến nền nông nghiệp sạch và bền vững.
Từ thực tế các mô hình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: huyện Bình Lục và huyện Thanh Liêm trên cơ sở quỹ đất sản xuất nông nghiệp của địa phương bố trí chọn vùng để triển khai làm điểm mô hình sản xuất lúa bằng phân bón Nano Silic ngay trong vụ mùa tới. Mỗi huyện triển khai 1 mô hình có quy mô 30 ha, gọn vùng. Ngành Nông nghiệp phối hợp với doanh nghiệp sản xuất phân Nano Silic hướng dẫn quy trình kỹ thuật đến người dân. Đây là giải pháp giúp người dân giảm giá vật tư đầu vào, tăng hiệu sản xuất nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân.
Mạnh Hùng