Mô hình cánh đồng mẫu được phát động sản xuất ở tỉnh ta từ nhiều năm nay. Đến nay, cánh đồng mẫu vẫn được đánh giá là mô hình sản xuất tập trung có tác động lớn, làm thay đổi tư diu và phương thức sản xuất nông nghiệp của nông dân, được nhân rộng sản xuất ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất, cần tiếp tục đổi mới về tổ chức sản xuất.
Những năm gần đây, số lượng mô hình CĐM ở huyện Kim Bảng tăng lên nhiều so với thời gian đầu xây dựng. Đến nay, mỗi xã ở Kim Bảng đều xây dựng được mô hình CĐM với diện tích từ 5-30 ha/cánh đồng. Không đạt mục tiêu xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nhưng thông qua CĐM, nông dân chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, sang sản xuất tập trung, có liên kết sản xuất, áp dụng cùng trà, cùng giống, cùng biện pháp kỹ thuật thâm canh. Bà Lê Thị Phượng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kim Bảng cho biết: Hiệu quả kinh tế ở mô hình CĐM đã được khẳng định, riêng đối với cây lúa, CĐM cho giá trị kinh tế cao hơn từ 15-20% so với diện tích ngoài mô hình. Khi xây dựng mô hình CĐM, các HTX, chính quyền cơ sở buộc phải quan tâm đến xây dựng liên kết sản xuất với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, khắc phục từng bước tình trạng sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, tự cung, tự cấp. Qua liên kết, nông dân được tiếp thu kỹ thuật sản xuất mới, được chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Giám đốc HTXDVNN Tiên Hải (TP. Phủ Lý) kiểm tra sâu bệnh trên cây lúa tại cánh đồng mẫu lớn của xã. Ảnh: Thế Tân
Thành phố Phủ Lý triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu nhiều năm nay, với chủ trương khuyến khích các HTX lựa chọn và xây dựng cánh đồng mẫu cho phù hợp với quỹ đất và điều kiện thực tiễn ở cơ sở.
Cũng có thời điểm, khâu tiêu thụ sản phẩm mô hình cánh đồng mẫu ở thành phố Phủ Lý gặp nhiều khó khăn, nên hiệu quả sản xuất không cao. Tuy nhiên, đến nay, nhiều xã ở Phủ Lý vẫn sản xuất mô hình cánh đồng mẫu.
Vụ mùa năm 2017, HTXDVNN xã Tiên Hải liên kết với doanh nghiệp, sản xuất lúa Nhật tại mô hình tích tụ ruộng đất, bán thóc tươi ngay tại ruộng. Tiên Hải là một trong số ít xã ở TP. Phủ Lý thành công với mô hình "cánh đồng lúa Nhật".
Có thể nói, thành công lớn nhất trong xây dựng cánh đồng mẫu chính là giúp nông dân xây dựng liên kết chuỗi, đẩy mạnh ứng dụng KHKT trong sản xuất. Nông dân bắt đầu chủ động hơn trong việc sản xuất sản phẩm mà doanh nghiệp cần. Tuy nhiên, mối liên kết "4 nhà" trong sản xuất cánh đồng mẫu ở nhiều cơ sở còn thiếu bền vững, do giá nông sản trên thị trường biến động, doanh nghiệp chậm cập nhật, không điều chỉnh kịp thời, hạ tầng sản xuất chậm được cải thiện...
Ông Vũ Văn Và, Giám đốc HTXDVNN xã Yên Nam (Duy Tiên) chia sẻ: Nông dân sản xuất trên cánh đồng mẫu gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu các yếu tố phục vụ cho yêu cầu sản xuất lớn. Đặc biệt là thiếu kho bãi, thiết bị để bảo quản, phơi sấy lúa. Thế nên, nông dân vẫn phải bán thóc tươi. Dù biết, bán thóc tươi lợi nhuận sẽ thấp. Liên kết sản xuất là nhu cầu thiết yếu trong sản xuất lớn, nhưng thực tế thì chưa đáp ứng được yêu cầu.
Về tổ chức sản xuất của mô hình cánh đồng mẫu chính là nông dân liên kết tổ chức sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp. Dù chưa thực sự hoàn thiện, nhưng mô hình cánh đồng mẫu đã tạo lợi ích nhất định. Nhiều ý kiến cho rằng, đi đôi với quy hoạch vùng sản xuất cánh đồng mẫu, cần có sự đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị tiên tiến mới phát huy được hiệu quả.
Bà Trần Thị Yến, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Phủ Lý cho rằng: Xây dựng cánh đồng mẫu thành công cần phải giải quyết tốt được yêu cầu về tổ chức sản xuất, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm, nghĩa là phải liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Càng sản xuất lớn, càng phải mở rộng liên kết và liên kết chặt chẽ.
Để khai thác được lợi thế đối với sản xuất lớn, rõ ràng, vấn đề mấu chốt là tổ chức sản xuất tốt. Người sản xuất phải xác định được mục tiêu đặt nông sản nằm ở phân khúc nào để có giải pháp đầu tư chiều sâu, nâng cao giá trị. Nếu sản xuất lúa, rồi bán thóc tươi thì nông sản đang ở phân khúc thấp nhất, đem lại giá trị thấp. Lúa ở cánh đồng mẫu cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 15-20% chủ yếu là do tiết kiệm được chi phí sản xuất và năng suất lúa nhỉnh hơn so với sản xuất ngoài mô hình, gần như, giá trị hạt thóc vẫn giữ nguyên.
Thực tế, không chỉ có lúa, nhiều mặt hàng nông sản ở tỉnh ta cũng đang nằm ở phân khúc này. Vì vậy, cần tổ chức lại sản xuất để xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp trong điều kiện mới, tạo cho nông dân bỏ qua tư duy sản xuất nông nghiệp bằng kinh nghiệm và thói quen, tiếp cận tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn với thị trường. Đồng thời, khuyến khích, nâng cao và phát huy vai trò của nông dân trong xây dựng kế hoạch sản xuất, liên kết nhóm hộ trong vùng quy hoạch, tạo thuận lợi cho liên kết chuỗi về cung ứng nguyên liệu đầu vào, đầu ra cho sản phẩm...
Bích Huệ
Bích Huệ, Thế Trang