Chủ động nguồn cung thực phẩm cho thị trường dịp Tết

Những tháng cuối năm, nhất là trong những ngày cận Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao. Đây được xem là thời điểm “vàng” để các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi, đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm đẩy mạnh sản xuất. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cung ứng tiêu thụ hàng hóa, bảo đảm ổn định nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Chủ động nguồn cung thực phẩm cho thị trường dịp Tết
Các thương lái tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán 2021.

Để chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng cung ứng dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu sắp tới, lứa gà mới vào gần đây, các hộ thành viên của Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi gà xã An Đổ (huyện Bình Lục) đã tăng số lượng đàn nuôi lên xấp xỉ 30% so với những tháng đầu năm. Thông qua việc khảo sát thị trường, HTX nhận định, năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên đàn lợn, giá thịt lợn vẫn tương đối cao nên người tiêu dùng có thể sẽ lựa chọn thịt gà để sử dụng nhiều trong những bữa ăn ngày Tết. Đây là cơ hội để các cơ sở chăn nuôi mở rộng quy mô, đẩy mạnh sản xuất dịp cuối năm, đồng thời đa dạng các chủng loại nuôi để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của từng nhóm khách hàng. Với việc mở rộng quy mô sản xuất, HTX Chăn nuôi gà xã An Đổ phấn đấu lứa gà phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu đạt khoảng 500 tấn. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương, các thành viên của HTX còn đẩy mạnh tiêu thụ tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh. 

Ông Nguyễn Sơn Hà, Giám đốc HTX Chăn nuôi gà xã An Đổ cho biết: So với thời điểm giá gà xuống thấp trong những tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì giá gà xuất bán hiện nay đã “nhích” hơn. Thời gian này, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ, HTX còn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm mang tới cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm an toàn. Việc chăn nuôi của HTX được thực hiện theo quy trình khép kín từ khâu cung ứng giống đạt tiêu chuẩn, thức ăn chăn nuôi đúng chủng loại, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con vật nuôi; khâu kiểm soát dịch bệnh được thực hiện nghiêm ngặt thông qua việc tiêm đầy đủ các loại vắc - xin phòng bệnh và được uống các loại vitamin để tăng sức đề kháng, bảo đảm ổn định nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Còn tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam (xã Bối Cầu, Bình Lục), từ cuối tháng 12/2020 trở lại đây, lượng tiêu thụ lợn hơi mỗi ngày đã tăng đáng kể, đạt xấp xỉ 2.000 con/ngày (tăng 50% so với những tháng trước). Theo Ban Quản lý chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam, chợ hiện đang có khoảng 400 thương lái chuyên vận chuyển, thu mua lợn để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Từ cuối tháng 10/2020, hầu hết các thương lái đều tiến hành khảo sát tình hình chăn nuôi của người dân địa phương, chủ động kết nối với chủ các trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn ở các tỉnh và lên kế hoạch nhập nguồn lợn từ Thái Lan nhằm bảo đảm nguồn hàng phục vụ thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán. Dự kiến, mức tiêu thụ sẽ đạt cao nhất từ 20 tháng Chạp đến hết 30 Tết với khoảng 5.000 con xuất bán mỗi ngày. 

Anh Nguyễn Mạnh Cường, một chủ hộ chăn nuôi lợn tại xã Bồ Đề (Bình Lục), đồng thời cũng là một thương lái tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam cho hay: Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi hơn 1.000 con lợn thịt để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2021 (tăng 50% so với các lứa nuôi trước). Để bảo đảm an toàn cho đàn lợn và kịp thời gian xuất bán dịp cận Tết Nguyên đán, gia đình tôi rất chú trọng đến công tác phòng dịch, đồng thời tăng cường chế độ dinh dưỡng cho đàn lợn. Thời điểm này, tôi đã kết nối với các đơn vị chuyên cung cấp nguồn lợn với số lượng lớn trong và ngoài tỉnh để thu mua lợn, bảo đảm từ 23 tháng Chạp đến Tết Nguyên đán, mỗi ngày gia đình tôi cung cấp cho thị trường khoảng 1.500 con lợn.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh năm 2020 diễn ra trong điều kiện khó khăn: ảnh hưởng của dịch Covid -19 khiến cho thị trường tiêu thụ không ổn định; chăn nuôi lợn phải đối phó với dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại và dịch lợn tai xanh nên việc tái đàn diễn ra chậm. Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền địa phương và sự cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn của các hộ dân, chăn nuôi trâu, bò, gia cầm phát triển tốt, giá thịt lợn ổn định, tạo tâm lý yên tâm cho người dân tái đàn. Hiện, với quy mô đàn lợn toàn tỉnh đạt 361,7 nghìn con, đàn gia cầm đạt gần 8 triệu con, cơ bản sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán của người dân. 

Thông tin từ Sở Công thương cho thấy, giá mặt hàng thực phẩm tươi sống khoảng 3 tuần trở lại đây đã tăng nhẹ do thời tiết lạnh, nhu cầu tiêu dùng cao và do hoạt động thu mua, dự trữ của các tiểu thương phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng lên. Cụ thể, giá thịt lợn hơi hiện dao động ở mức 75-80 nghìn đồng/kg (tăng 10-15 nghìn đồng/kg); thịt bò loại I khoảng 250-260 nghìn đồng/kg; thịt gà ta sống dao động ở mức 110-115 nghìn đồng/kg (tăng 10 nghìn đồng/kg); thịt gà công nghiệp làm sẵn 60-65 nghìn đồng/kg (tăng 5 nghìn đồng/kg)… Qua đó, đã khiến các hộ chăn nuôi phấn khởi, chú trọng làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh nhằm cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng cho thị trường Tết. Sở Công thương và các đơn vị liên quan hiện cũng đã lên phương án bảo đảm mặt hàng thịt lợn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn khi có nhu cầu.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, thời tiết đang chuyển rét đậm, rét hại trên diện rộng, ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi; việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn, gia cầm và các sản phẩm từ lợn, gia cầm tăng mạnh, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện và lây lan dịch bệnh. Vì vậy, để chủ động phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm, UBND các huyện, thành phố, thị xã cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, các hộ chăn nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động theo dõi diễn biến của thời tiết để chăm sóc, phát hiện sớm những biểu hiện bất thường trên đàn vật nuôi, góp phần bảo đảm ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường và đạt hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi. 

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy