Cần tập trung quyết liệt thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Đây là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh trong ngày 29/12.

Hội nghị tập trung đánh giá kết quả thực hiện công tác phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC) động vật, thủy sản năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Dự hội nghị còn có đồng chí Lê Thị Thanh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. 

Cần tập trung quyết liệt thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm
Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Mạnh Hùng

Theo Sở NN&PTNT, năm 2020, các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển sản xuất chăn nuôi được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy người chăn nuôi đầu tư tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của tỉnh ước đạt 3.431,3 tỷ đồng, tăng 4% so với ước thực hiện năm 2019, bằng 97,6% kế hoạch năm. Các đối tượng vật nuôi đều tăng tổng đàn so với năm 2019. Cụ thể: đàn lợn, đạt 355.000 con; đàn trâu, bò 36.780 con; đàn gia cầm 7,5 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 92.264 tấn, tăng 7% so với năm 2019, tăng 1% so với kế hoạch năm. 

Công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm. Cơ chế, chính sách phòng, chống dịch rõ ràng, minh bạch. Việc giám sát dịch bệnh trên đàn GSGC được thực hiện thường xuyên tới hộ gia đình. Các hoạt động tiêm phòng, khử trùng tiêu độc, kiểm soát giết mổ được tăng cường và có hiệu quả. 

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi, dịch tai xanh ở lợn. Các ổ dịch được phát hiện sớm và khống chế kịp thời theo đúng quy định, không gây thiệt hại lớn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện công tác phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: Chăn nuôi nhỏ lẻ gây khó khăn trong công tác kiểm soát dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; tổ chức giám sát dịch bệnh GSGC ở một số địa phương có lúc, có nơi còn chậm, lơ là; công tác quản lý, thống kê tổng đàn GSGC trước khi tiêm phòng chưa sát với thực tế.

Năm 2021 sẽ tiếp tục phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, trang trại; phát triển các đối tượng vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Tăng cường kiểm soát, khống chế không để các loại dịch, bệnh nguy hiểm xảy ra và lây lan trên diện rộng. Chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả; kiểm soát tốt vấn đề an toàn thực phẩm. 

Tại hội nghị, thành viên Ban Chỉ đạo đã đóng góp nhiều ý kiến làm rõ hơn kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC ở địa phương. Đồng thời chỉ rõ, việc thiếu kinh phí và thuốc khử trùng tiêu độc đã gây khó khăn cho công tác phòng, chống và xử lý ổ dịch. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC năm 2021, thành viên Ban Chỉ đạo kiến nghị cần quan hơn tâm đến công tác bố trí kinh phí phục vụ hoạt động phòng, chống dịch bệnh GSGC ngay từ đầu năm, đảm bảo kịp thời; tăng cường giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra kiểm soát giết mổ, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật...

Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Cần đánh giá lại ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC năm 2021, UBND các xã, thị trấn cần củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh GSGC ở địa phương. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC ở cơ ở; nâng cao hiệu quả công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn GSGC.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu cơ quan chức năng cần tăng cường phát hiện, xử lý kịp thời ổ dịch phát sinh, không để dịch bệnh lây lan; xử lý ô nhiễm môi trường; thực hiện tốt quy hoạch và quản lý quy hoạch chăn nuôi; tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm vứt xác động vật ra môi trường. UBND tỉnh giao cho Sở Tài chính xây dựng kế hoạch về phòng, chống dịch bệnh động vật. Sở Tài chính có kế hoạch bố trí kinh phí dành cho lĩnh vực này. 

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy