Các địa phương dồn sức phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp, tăng nhanh cả về số xã, số hộ chăn nuôi có dịch và lượng lợn phải tiêu hủy. Chính quyền cơ sở cần tiếp tục thể hiện rõ vai trò, quyết tâm trong công tác chỉ đạo, triển khai phòng chống dịch. Có như vậy, việc phòng chống dịch mới phát huy hiệu quả cao nhất, hạn chế lây lan và thiệt hại kinh tế cho người dân.

Lực lượng chức năng xã Nhân Chính (Lý Nhân) tiến hành cân tiêu hủy lợn bệnh.

Xã Nhân Mỹ (Lý Nhân) xuất hiện dịch tả lợn châu Phi từ ngày 16/4/2019. Ngay sau khi công bố có dịch, chính quyền xã đã triển khai đồng bộ những biện pháp chống dịch. Trong đó, xã thành lập các chốt kiểm soát, tổ chức phun thuốc khử trùng tiêu độc, tiêu hủy lợn bệnh.

Lực lượng nòng cốt thực hiện là cán bộ, công chức, viên chức, công an viên, dân quân và thành viên các hội, đoàn thể. Riêng việc tiêu hủy lợn được chia làm 2 tổ, mỗi tổ 5 thành viên đều là cán bộ, công chức xã, trực tiếp do đồng chí chủ tịch và phó chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng. Các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ xã, cán bộ phụ trách thôn được phân công xuống cùng cán bộ thôn chỉ đạo công tác phòng chống dịch, kiểm tra, lập danh sách cụ thể số lượng và chủng loại (lợn nái, lợn đực giống, lợn thịt…) của các hộ chăn nuôi.

Trong quá trình chống dịch, cán bộ xã có trách nhiệm tuyên truyền, vận động để người dân cùng tham gia. Từ cách làm đó, việc chống dịch tả lợn châu Phi tại Nhân Mỹ đang được triển khai hiệu quả, bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật…

Ông Trần Văn Hường, Chủ tịch UBND xã Nhân Mỹ cho biết: Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và lan rộng, lượng lợn bệnh tiêu hủy lớn. Vì thế, phải huy động cả hệ thống chính trị tại cơ sở vào cuộc chống dịch. Như vậy, việc quản lý và dập dịch mới bảo đảm triệt để. Xã xác định việc khoanh vùng và xử lý dứt điểm các ổ dịch giúp hạn chế  lây lan dịch bệnh.

Cũng như Nhân Mỹ, chính quyền các xã ở Lý Nhân đều huy động hết khả năng, nguồn lực cho công tác chống dịch tả lợn châu Phi. Đây cũng là chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Lý Nhân đối với các xã, thị trấn. Khi hộ chăn nuôi có lợn bị dịch tả lợn châu Phi, lãnh đạo xã trực tiếp xuống triển khai và chỉ đạo công tác dập dịch.

Qua tìm hiểu được biết, vào những ngày cao điểm, trên địa bàn huyện có nhiều hộ có dịch và số lượng lợn tiêu hủy lớn lãnh đạo nhiều xã cùng tham gia vào việc bắt, cân lợn bệnh đưa đi tiêu hủy.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Phú Phúc, một trong những xã có số lượng lớn lợn bệnh phải tiêu hủy cho biết: Dịch diễn ra trong thời gian dài và hầu như ngày nào cũng phải tiêu hủy lợn bệnh. Vì thế, nếu lãnh đạo xã không trực tiếp tham gia chống dịch thì rất khó khăn trong việc huy động lực lượng.

Chính quyền cơ sở đã tổ chức khoanh vùng dập dịch, tiêu hủy lợn bệnh với số lượng lớn. Cùng với đó, các xã đã làm tốt công tác chỉ đạo để người dân chủ động phòng chống ngay tại hộ. Bằng nhiều hình thức, công tác phòng chống dịch được triển khai trực tiếp đến tận hộ dân, nhất là những hộ trong vùng chăn nuôi lớn. Văn Xá (Kim Bảng) là xã có dịch tả lợn châu Phi đầu tiên, song hiện nay các trang trại lớn, trong đó có trang trại lên đến hơn 1.000 con lợn thịt và gần 200 lợn nái vẫn được bảo đảm an toàn.

Mặc dù đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, nhưng tổng đàn lợn của xã Ngọc Lũ (Bình Lục) lên đến gần 45.000 con vẫn được duy trì, do xã tập trung khoanh vùng dập dịch có hiệu quả, hạn chế lây lan. Có được kết quả đó là do chính quyền xã quyết liệt chỉ đạo đến tận thôn, khu dân cư và trực tiếp người dân triển khai các biện pháp phòng, chống dịch một cách đồng bộ, hiệu quả. Xã đã lập chốt kiểm soát ngăn chặn không để đưa lợn và sản phẩm lợn từ bên ngoài vào.

Các hộ chăn nuôi sử dụng hóa chất, vôi bột khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường, ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập. Có hộ chăn nuôi lớn đã sử dụng đến hơn 5 tấn vôi bột để khử trùng chuồng trại, môi trường, chưa kể hằng ngày đều phun hóa chất khử trùng tiêu độc. Những hộ xuất bán lợn ở Ngọc Lũ không bắt tại chuồng mà bằng hình thức lùa lợn ra bên ngoài để bắt. Những người vào bắt lợn và xe vận chuyển đều phải phun hóa chất khử trùng tiêu độc.

Theo ông Đỗ Thế Trọng, Phó Trưởng phòng NN & PTNT Bình Lục, vai trò của chính quyền cơ sở trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi là rất quan trọng. Đây là nhân tố giúp phòng chống dịch đạt hiệu quả cao, hạn chế thiệt hại cho người dân…

Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp, tăng nhanh cả về số xã, số hộ chăn nuôi có dịch và lượng lợn phải tiêu hủy. Chính quyền cơ sở cần tiếp tục thể hiện rõ vai trò, quyết tâm trong công tác chỉ đạo, triển khai phòng chống dịch. Có như vậy, công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi mới thực sự phát huy hiệu quả cao nhất, hạn chế lây lan và thiệt hại kinh tế cho người dân.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.